Brexit và những con số biết nói
Trong khi đó, có 40% cử tri phản đối cuộc trưng cầu này và 10% không đưa ra ý kiến. Đây là kết quả cuộc thăm dò dư luận trực tuyến do hãng tin Sky News tiến hành đối với 1.466 khách hàng từ ngày 20 - 23-7 và được ông bố hôm 30-7.
Những con số biết nói
Trong cuộc thăm dò của Sky News, khi được hỏi về 3 sự lựa chọn gồm một thỏa thuận của bà May, không đạt thỏa thuận nào hoặc ở lại EU, 48% số người được hỏi nói rằng họ muốn Anh ở lại EU, trong khi 27% muốn rời khỏi EU mà không ký thỏa thuận nào và 13% lựa chọn thỏa thuận của chính phủ.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy 78% cử tri cho rằng, chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May đang làm việc kém hiệu quả trong đàm phán Brexit, tăng 23% so với kết quả thăm dò hồi tháng 3 vừa qua. Chỉ 10% cho rằng, chính phủ đang làm tốt việc này.
Cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Jeremy Hunt và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh ngày 30-7. Ảnh: Reuters |
Chưa hết, cũng theo kết quả cuộc thăm dò, tỷ lệ ủng hộ bà May đã giảm xuống 24%. Các cử tri Anh đang bị chia rẽ về việc Brexit có lợi hay gây tổn hại đất nước khi có tới 40% nói đây là quyết định tốt, trong khi 51% đưa ra ý kiến ngược lại.
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của YouGov, công ty nghiên cứu thị trường trực tuyến hàng đầu thế giới, được công bố hôm 27-7, số người dân Anh ủng hộ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về Brexit, đã lần đầu tiên vượt số người phản đối ý tưởng này.
Cụ thể, có 42% người dân Anh đồng ý tổ chức một cuộc bỏ phiếu thứ hai về các điều khoản của thỏa thuận Brexit, cao hơn chút ít so với 40% ý kiến phản đối. Những người tham gia khảo sát được yêu cầu trả lời câu hỏi: “Sau khi các cuộc đàm phán Brexit kết thúc và các bên nhất trí về những điều khoản cho việc Anh rời EU, bạn cho rằng nên hay không nên có một cuộc trưng cầu ý dân về việc chấp nhận hoặc từ chối thỏa thuận này?”.
Ngoài ra, YouGov cũng hỏi người dân Anh về lựa chọn của họ nếu tiến hành lại cuộc trưng cầu ý dân về Brexit vào thời điểm hiện tại. Đối với vấn đề này, 45% lựa chọn ở lại EU so với 42% chọn ra đi. Ngoài ra, 9% không có câu trả lời và 4% từ chối bỏ phiếu. Thực tế này cho thấy các tiếng nói phản đối Brexit và muốn bỏ phiếu lại về các điều khoản “ly hôn” đang dần trở thành xu hướng chủ đạo trong đời sống chính trị tại Anh.
Bên cạnh những “con số biết nói” trên, cũng có nhiều đồn đoán về kịch bản Anh không đạt thỏa thuận “ly hôn” với EU. Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho rằng, hiện có “quá nhiều đồn đoán” về khả năng Anh rời EU vào tháng 3 tới mà không đạt được một thỏa thuận nào cũng như những hậu quả tiêu cực của điều này.
Tuy nhiên, ông tin rằng kịch bản trên ít có khả năng xảy ra và cũng không ai muốn điều đó xảy ra. Việc không đạt được một thỏa thuận là một thất bại chính trị trên quy mô rất lớn và ông không “có ý định để cho điều đó xảy ra”. Quan chức ngoại giao Ireland nhấn mạnh rằng trọng tâm hiện nay là tìm ra các giải pháp chứ không phải là thể hiện quan điểm cứng rắn.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell cũng cho rằng, những bàn luận về khả năng Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào là quá sớm và vội vàng. Vị cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu này nhấn mạnh rằng, có thể khi đến thời hạn, các nước sẽ thống nhất lùi thời hạn và sẽ phải đạt được một thỏa thuận.
Tự mâu thuẫn
Khi người Anh bỏ phiếu rời khỏi EU cách đây 2 năm, họ không có cơ hội để nói rõ là họ muốn rời “mái nhà chung” theo cách như thế nào. Nhưng Thủ tướng Anh Theresa May khi đó đã nhanh chóng tuyên bố “những ranh giới đỏ” trong đàm phán của London với Brussels, tức “Brexit cứng” với mong muốn đưa nước Anh tách khỏi EU được triệt để nhất.
Tuy nhiên, từ đó tới nay, nước Anh đã nhiều lần đưa ra những tuyên bố tự mâu thuẫn nhau trong các cuộc đàm phán. Thứ nhất, Anh tuyên bố sau khi rời khỏi EU sẽ giành lại quyền kiểm soát tư pháp ở biên giới nước Anh, nhưng đồng thời cho biết sẽ không kiểm soát biên giới giữa Bắc Ireland và Ireland, điều này chứng tỏ giữa Anh và EU không có biên giới.
Thứ hai, trong Sách Trắng Brexit, Anh nhấn mạnh kiểm soát luật pháp riêng của họ, tách rời sự quản lý kiểm soát của Tòa án công lý châu Âu, nhưng bà May cũng cho biết, trong tình hình thích hợp, tòa án Anh sẽ tiếp tục xem xét các phán quyết của Tòa án công lý châu Âu, “Anh phải tôn trọng quyền hạn của Tòa án công lý châu Âu về phương diện này”.
Và thứ ba, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố nước Anh sẽ rút khỏi thị trường chung châu Âu, nhưng lại muốn cùng với EU đạt được thỏa thuận “sâu rộng hơn so với bất kỳ thỏa thuận tự do thương mại nào trên toàn cầu”, nhấn mạnh việc Anh và EU cuối cùng có đạt thỏa thuận thương mại tự do với thuế quan bằng không hay không có ý nghĩa quan trọng đối với Anh. Nghị sĩ đảng Bảo thủ Anna Soubry thậm chí còn đề xuất sửa đổi Luật Thương mại để cho phép Anh có thể cùng EU thành lập liên minh hải quan sau Brexit.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt ngày 30-7 đã tới Trung Quốc để thảo luận với Bắc Kinh về hợp tác giữa hai nước. Phát biểu trước thềm chuyến thăm, Ngoại trưởng Hunt cho hay khi Anh chuẩn bị rời khỏi EU, London sẽ nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác với Trung Quốc.
Ông Hunt nêu rõ: “Đối thoại chiến lược Anh-Trung Quốc là một cơ hội quan trọng nhằm đẩy mạnh hợp tác của chúng tôi về những thách thức chung trong các vấn đề quốc tế, từ thương mại tự do toàn cầu tới việc không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như những thách thức về môi trường, theo khuôn khổ quan hệ đối tác toàn cầu Anh-Trung Quốc và “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ Anh-Trung”.