Bài toán khó đối với người dân Anh

Thứ Hai, 14/03/2016, 09:15
Kết quả những cuộc thăm dò diễn ra hồi cuối tuần qua về kịch bản Brexit (khả năng nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)) cho thấy cử tri “xứ sở sương mù” vẫn băn khoăn về việc quốc gia này đi hay ở lại EU. 


Tỉ lệ cử tri ủng hộ Thủ tướng Anh David Cameron chỉ nhỉnh hơn tỉ lệ ủng hộ Thị trưởng London Boris Johnson, người ủng hộ Brexit có… 1%. Nếu điều này vẫn tiếp tục xảy ra thì sẽ rất khó đoán được tương lai của nước Anh sau ngày 23-6 năm nay, ngày “chốt” để cử tri nước này sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý để quyết định “đi hay ở” lại EU.

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do Viện Nghiên cứu ComRes thực hiện trong hai ngày 9 và 10-3 vừa qua, 35% của tổng số 2.059 người được hỏi tin rằng, Thủ tướng Cameron có khả năng sẽ làm những gì “tốt nhất cho nước Anh”, trong khi tỉ lệ ủng hộ Thị trưởng Johnson là 34%. Không ít cử tri Anh tin rằng, động cơ của ông Johnson trong việc ủng hộ Brexit là phục vụ cho sự nghiệp của riêng ông (39%). 

Trong khi đó, tỉ lệ cử tri đảng Bảo thủ tin tưởng Thủ tướng Cameron đang làm mọi điều tốt đẹp cho nước Anh cao gấp đôi so với tỉ lệ tin tưởng các nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ Brexit, tương ứng là 54% và 27%. 

Gần một nửa số người được hỏi (48%) hi vọng nước Anh sẽ bỏ phiếu ở lại EU và có 42% tin rằng, an ninh quốc gia sẽ mạnh hơn khi Anh tiếp tục ở trong liên minh 28 nước này, so với 35% có suy nghĩ ngược lại. Tuy vậy, cũng có 46% tin rằng, cách tốt nhất để đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn là rời khỏi EU, so với 33% không có suy nghĩ như vậy.

Trong bối cảnh như vậy, miêu tả Brexit như một “liều thuốc độc”, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cảnh báo việc Anh rời EU sẽ là thảm họa đối với nền kinh tế nước này và châu Âu nói riêng, đồng thời không có lợi cho nền kinh tế toàn cầu. Brexit nếu xảy ra sau ngày 23-6 sẽ đồng nghĩa với việc EU mất đi một nền kinh tế lớn mạnh thứ hai và trung tâm tài chính lớn nhất châu Âu. 

Theo người đứng đầu ngành Tài chính Đức, mặc dù nước Anh vẫn có thể giao thương với EU sau khi rời khỏi khối này, nhưng “xứ sở sương mù” sẽ mất đi các đặc lợi trong việc tiếp cận thị trường đơn nhất của khối. 

Brexit – bài toán khó đối với người dân Anh. 

Đồng quan điểm, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), ông Mark Carney cũng nhận định rằng, việc Anh rời EU là rủi ro lớn cho hệ thống tài chính, cũng như nhiều ngân hàng sẽ rút khỏi Anh nếu điều này xảy ra. Ngay sau đó, BOE đã tuyên bố sẽ thực hiện một loạt các biện pháp tăng thanh khoản hệ thống ngân hàng Anh nhằm chuẩn bị cho trường hợp xảy ra Brexit. 

Gói thanh khoản của BOE sẽ gia tăng thêm hàng tỷ bảng vào các ngân hàng, giúp ứng phó với mọi lo ngại có thể xảy ra về kịch bản Brexit. BOE cũng sẽ tiếp tục theo dõi cẩn thận các biến động thị trường. Không chỉ như vậy, nguy cơ Brexit còn đang khiến Anh dần mất đi sức hấp dẫn của mình trong mắt các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. 

Theo thống kê mới nhất của Knight Frank - công ty tư vấn và dịch vụ bất động sản hàng đầu trên thế giới, giá cho thuê ở Anh có nơi đã giảm tới 4,1%, và giá bán giảm 1% trong 3 tháng qua. Cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản lớn niêm yết trong chỉ số FTSE 100, chỉ số cố phiếu của 100 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán London (LSE), cũng bị giảm mạnh. Tập đoàn bất động sản Foxtons mới công bố báo cáo tài chính trong đó chỉ ra rằng, lợi nhuận trước thuế của tập đoàn này cũng giảm tới 41 triệu bảng Anh (gần 59 triệu USD). 

Liên quan tới vấn đề này, Thủ tướng Cameron đã ra tuyên bố phản bác mạnh mẽ quan điểm của những thành viên đảng Bảo thủ chống EU rằng, một cú sốc kinh tế mạnh nếu người Anh bỏ phiếu rời “mái nhà chung” vào ngày 23-6 tới sẽ là “cái giá đáng trả” để giành lại tự do từ EU. 

Ông nhấn mạnh, người dân Anh cần nhận thức rõ “cú sốc kinh tế” ở đây đồng nghĩa với áp lực lên đồng nội tệ, nhiều việc làm bị mất và lãi suất mua trả góp có thể tăng lên, đồng thời khẳng định không có gì quan trọng hơn việc bảo vệ an ninh tài chính của người dân và đó là lý do vì sao ông tin rằng tốt hơn nước Anh nên ở lại EU.

Trên mặt trận chính trị, đầu tuần qua, Tổng Giám đốc Phòng Thương mại Anh (BCC) John Longworth đã bất ngờ tuyên bố từ chức sau khi công khai ủng hộ Brexit, bất chấp quan điểm trung lập của Ban lãnh đạo BCC không vận động cho bên nào trước cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6. Động thái này đã làm dấy lên đồn đoán rằng quyết định của Tổng Giám đốc Phòng Thương mại Anh xuất phát từ áp lực chính trị. 

Thị trưởng Johnson nhấn mạnh quyết định đình chỉ chức vụ của ông Longworth là điều “vô cùng bê bối” bởi theo ông không có gì sai trái khi bày tỏ quan điểm khác biệt với giới lãnh đạo chính phủ. Tuy nhiên, trong tuyên bố bác bỏ dư luận trên, Chủ tịch Phòng Thương mại Anh Nora Senior khẳng định “không có chính trị gia, hay bất kỳ lợi ích nào” tác động tới quyết định của ông Longworth, song bà cho rằng, việc bày tỏ quan điểm ủng hộ Brexit của ông Longworth có thể sẽ “gây nhiễu” quan điểm trung lập của cơ quan này. Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Anh cũng khẳng định chính phủ nước này không gây bất kỳ áp lực nào đối với Phòng Thương mại Anh nhằm buộc Tổng Giám đốc Longworth phải từ chức.

Trong một diễn biến liên quan, theo tờ Independent của Anh ngày 13-3, vào tháng Tư tới, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tới London để kêu gọi cử tri nước này duy trì tư cách thành viên trong EU. Ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh, đối với Mỹ, một đồng minh thân cận như Anh nếu không còn trong EU thì Washington khó có thể duy trì ảnh hưởng tích cực đối với Bruessels và thế giới như hiện nay. Theo ông, nếu London rời khỏi khối này sẽ đe dọa tới sự ổn định của EU cũng như cả châu Âu.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.