Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo về nguy cơ đối đầu giữa các nước lớn
- Biển Đông lại nóng tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN
- Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích pháp lý ở biển Đông
Ông Ashton Carter cũng cho biết, sau chuyến công du kéo dài 8 ngày và các cuộc họp, gặp gỡ với Bộ trưởng Quốc phòng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một trong những mối lo ngại lớn của Mỹ chính là việc Trung Quốc mở rộng và tăng tốc việc xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông và điều này có thể dẫn đến khả năng xảy ra xung đột giữa các quốc gia trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nói: "Mỹ cùng với hầu hết các nước trong khu vực đang quan ngại sâu sắc về tiến độ và quy mô bồi đắp đất đá ở Biển Đông”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh: Defense ministry. |
Theo Bộ trưởng Carter, cách hành xử của Trung Quốc chính là “liều thuốc thử” cho chính cam kết của nước này về an ninh và hòa bình trong khu vực”. Ông Ashton Carter đồng thời bày tỏ lo ngại về viễn cảnh quá trình quân sự hóa tiếp tục diễn ra, cũng như khả năng các hoạt động này sẽ làm tăng nguy cơ tính toán sai hoặc nổ ra xung đột giữa các bên tuyên bố chủ quyền. Vì thế, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết, Washington đang tập trung hướng trục về châu Á- Thái Bình Dương bằng việc đưa những tàu chiến và các loại trang thiết bị quân sự hiện đại nhất đến khu vực.
Theo lý giải của ông Ashton Carter thì cách tiếp cận này để “răn đe những kẻ hiếu chiến, bảo vệ các đồng minh và chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những tình huống bất ngờ trong khu vực so với những gì chúng tôi đã làm trước đây”. Chưa hết, ông Ashton Carter còn nói về việc Nga mở rộng hoạt động quân sự ở Bắc Cực và hé lộ rằng, Mỹ đang hiện đại hóa các loại vũ khí, đầu tư phát triển công nghệ mới về quốc phòng như máy bay không người lái, các loại bom thông minh, hệ thống laser….
Hãng tin AP cho biết, buổi nói chuyện ở thư viện Tổng thống Ronald Reagan được tổ chức thường niên và luôn có sự tham gia của các quan chức quân sự, các chính khách hàng đầu nước Mỹ để trao đổi và thảo luận về các chính sách quốc phòng của Mỹ. Lần này, trong bối cảnh Mỹ phái tàu khu trục tên lửa dẫn đường the USS Lassen áp sát một đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), vấn đề Biển Đông đã được “mổ xẻ” kỹ càng. Các ý kiến đều thống nhất bày tỏ quan ngại về hành động đơn phương bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó vài ngày, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông. Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini nói: "Mặc dù không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, EU ủng hộ một trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS). Chúng tôi phản đối bất cứ ý đồ nào nhằm đòi chủ quyền lãnh thổ hoặc lãnh hải thông qua hăm dọa, ép buộc, sử dụng vũ lực hay bất cứ hành động đơn phương nào gây thêm mâu thuẫn”.