Bình Nhưỡng giải thích nguyên nhân gây tình trạng căng thẳng liên Triều
Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi hai miền Triều Tiên ngày 9-1 nhất trí tổ chức các cuộc đối thoại quân sự nhằm làm dịu tình trạng căng thẳng trong khu vực.
Trong bài bình luận được đăng tải ngày 11-1, nhật báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, chỉ ra rằng, việc trang bị vũ khí cùng với các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn nhằm đe dọa và tấn công CHDCND Triều Tiên là nguyên nhân chính gây ra tình trạng căng thẳng liên Triều, đồng thời đẩy bán đảo Triều Tiên vào tình trạng nguy hiểm không thể đoán định.
Từ đó, CHDCND Triều Tiên nêu rõ: “Nếu Chính phủ Hàn Quốc thực sự mong muốn hòa hoãn và hòa bình, trước hết họ phải ngừng mọi hành động quân sự chung với Mỹ nhằm chống lại những người anh em miền Bắc”.
Bài bình luận cũng nhấn mạnh: “Hai miền Triều Tiên không thể loại bỏ sự bất tin và đối đầu, cũng như không thể tiến tới thống nhất trong bối cảnh tình trạng căng thẳng quân sự kéo dài”.
Lời kêu gọi trên được đưa ra ngay sau khi đoàn đàm phán cấp cao 2 nước vừa mới tiến hành thảo luận về việc Bình Nhưỡng sẽ gửi đoàn sang tham dự Thế vận hội (Olympic) mùa Đông tại Pyeongchang vào tháng 2 tới, đồng thời hướng tới các cuộc hội đàm quân sự nhằm giảm bớt căng thẳng và cải thiện mối quan hệ liên Triều.
Cuộc đàm phán đã đạt kết quả tích cực và nhận được sự ủng hộ của nhiều nước. Bày tỏ hoan nghênh các thỏa thuận đạt được trong cuộc đàm phán liên Triều cấp cao trên, Bộ Ngoại giao Nga hi vọng “việc thực thi các thỏa thuận trên sẽ giúp giảm leo thang căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy ổn định trong khu vực”.
Đồng quan điểm, Trung Quốc nêu rõ: “Điều đáng khích lệ là hai bên đã thể hiện thiện chí với nhau và bắt tay nhau vào thời điểm tình hình trên Bán đảo Triều Tiên căng thẳng cực độ”.
Bắc Kinh kêu gọi hai bên coi Olympic PyeongChang 2018 như một cơ hội để cải thiện quan hệ và thúc đẩy hợp tác, cùng nỗ lực giảm căng thẳng và thúc đẩy tình hình trên Bán đảo Triều Tiên trở lại đúng đường là giải quyết thông qua đối thoại và tham vấn.
Trung Quốc cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế thấu hiểu và ủng hộ hoàn toàn cho các nỗ lực của hai miền Triều Tiên. Nga và Trung Quốc cũng đã nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tìm ra một giải pháp chính trị và ngoại giao cho vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên.
Cuộc đàm phán cấp cao liên Triều hôm 9-1. Ảnh: Rodong Sinmun |
Trước đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và một số nước khác cũng đã hoan nghênh cuộc đàm phán liên Triều.
Washington nhấn mạnh sẽ hợp tác với Seoul để đảm bảo sự tham dự của Bình Nhưỡng không vi phạm các lệnh trừng phạt của LHQ. EU bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán ngày 9-1 cũng như những cuộc tiếp xúc sắp tới sẽ mở ra con đường đối thoại rộng mở hơn về các vấn đề giải giáp vũ khí hạt nhân.
Còn theo Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, việc tái thiết lập và củng cố những kênh như vậy có ý nghĩa then chốt trong nỗ lực giảm bớt nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm, đồng thời làm dịu căng thẳng tại khu vực.
Các thành viên của HĐBA cũng đều thể hiện sự hoan nghênh đối với những bước đi mới nhất cũng như những động thái tích cực giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên, đặc biệt là sau khi hai nước có cuộc đàm phán lần đầu tiên sau hơn 2 năm, và tạo ra những đột phá tích cực, có thể mở ra khả năng tạo sự tin tưởng chung trên Bán đảo Triều Tiên, giảm bớt căng thẳng và hướng tới phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, HĐBA LHQ sẽ không trì hoãn các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, liên quan chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này, đồng thời cho rằng, tất cả các nước thành viên phải thực hiện một cách đầy đủ và nghiêm túc tất cả các nghị quyết liên quan của HĐBA.
Cũng trong ngày 11-1, giới chức Hàn Quốc cho biết nước này và CHDCND Triều Tiên sẽ tổ chức các cuộc đàm phán cấp làm việc để thảo luận về việc Bình Nhưỡng tham dự Olympic PyeongChang trước cuộc họp của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) được tổ chức vào cuối tuần tới.
Cùng ngày, IOC thông báo ủy ban này sẽ tổ chức cuộc họp với các quan chức từ hai miền Triều Tiên vào ngày 20-1 tới tại thành phố Lausanne (Thụy Sĩ) để thảo luận về vấn đề trên.
Một quan chức của Bộ Thống Nhất Hàn Quốc khẳng định: “Các cuộc đàm phán cấp làm việc sẽ được tổ chức trước (ngày 20-1). Dựa trên kết quả của cuộc đàm phán liên Triều vừa diễn ra, IOC và hai miền Triều Tiên dự kiến sẽ hoàn tất chi tiết (về sự tham gia của Bình Nhưỡng - PV)”. Seoul có thể sẽ cử Thứ trưởng Bộ Văn hóa, ông Roh Tae-kang, làm trưởng đoàn trong cuộc đàm phán cấp làm việc với CHDCND Triều Tiên.