Biến chủng Delta trên đà hoành hành toàn cầu
- Nga có nguy cơ vỡ trận vì biến chủng Delta
- Lo ngại biến chủng Delta, Israel áp dụng thêm các biện pháp phòng dịch
- WHO: Biến chủng Delta lần đầu tìm thấy ở Ấn Độ lan ra hơn 80 nước
Reuters ngày 22/7 dẫn báo cáo cập nhật dịch tễ mới nhất của WHO cảnh báo, biến chủng Delta, lần đầu tiên được phát hiện cuối năm 2020 ở Ấn Độ và được mô tả là có tốc độ lây lan nhanh hơn những phiên bản đầu tiên của virus SARSCoV-2, hiện đã xuất hiện ở 124 quốc gia và vùng lãnh thổ - nhiều hơn 13 quốc gia và vùng lãnh thổ so với một tuần trước.
WHO cho biết thêm, biến chủng này được tìm thấy trong hơn 3/4 số mẫu bệnh phẩm được đưa đi giải trình tự gen vài tuần gần đây ở nhiều quốc gia như Australia, Bangladesh, Botswana, Anh, Trung Quốc, Đan Mạch, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Bồ Đào Nha, Nga, Singapore và Nam Phi.
Tại Mỹ, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Nhà Trắng hôm 20/7 phát biểu trước Thượng viện Mỹ rằng, Delta là nguyên nhân của trên 80% số ca nhiễm mới ở nước này. "Delta có thể nhanh chóng đánh bật các biến thể khác và trở thành chủng lây lan thống trị trong những tháng tới", WHO nêu quan điểm.
Delta được dự báo sẽ trở thành biến chủng “thống trị” của virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu. Ảnh: AlJazeera. |
Bên cạnh Delta, WHO cũng bày tỏ lo ngại 3 biến chủng khác có tốc độ lây lan nhanh là Alpha, Beta và Gamma đang tiếp tục mở rộng khu vực ảnh hưởng.
Trong đó, Alpha, lần đầu xuất hiện ở Anh, hiện đã lan ra 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Beta xuất hiện lần đầu ở Nam Phi và lan ra 130 quốc gia, vùng lãnh thổ. Gamma, được phát hiện lần đầu ở Brazil, có mặt ở 78 quốc gia, vùng lãnh thổ.
WHO thông tin thêm, chỉ trong một tuần tính đến ngày 18/7, cả thế giới đã ghi nhận 3,4 triệu ca nhiễm COVID19, tăng 12% so với tuần trước đó. Số ca nhiễm tăng 30% ở khu vực Tây Thái Bình Dương, tăng 21% ở khu vực châu Âu.
Khu vực Đông Nam Á báo cáo hơn 829.000 ca mắc và 16.000 ca tử vong mới, tăng 16%. Số ca nhiễm mới cao nhất được ghi nhận ở Indonesia (350.273 ca mới; tăng 44%), Anh (296.447 ca mới; tăng 41%) và Brazil (287.610 ca mới; giảm 14%).
Tổ chức này cảnh báo, với tốc độ lây lan như hiện nay, số ca COVID-19 lũy kế toàn cầu có thể vượt mốc 200 triệu trong vòng 3 tuần nữa. WHO đưa ra 4 nguyên nhân cho tình hình hiện nay, gồm: sự xuất hiện của biến chủng có khả năng lây lan nhanh hơn; việc nới lỏng các biện pháp y tế cộng đồng; việc gia tăng hoạt động xã hội; và cuối cùng là việc nhiều người chưa được tiêm chủng vaccine.
Cùng ngày, WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus một lần nữa bày tỏ bất bình trước việc vaccine ngừa COVID-19 đang được phân phối không công bằng trên thế giới, khi các nước nghèo khó hơn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vaccine.
Ông cho rằng, đây là một rào cản đẩy lùi dịch bệnh trên toàn cầu với lập luận rằng, việc COVID-19 vẫn lây lan nhanh ở bất cứ nơi đâu sẽ đều tạo ra nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn những biến chủng mà thế giới từng biết đến.
"Càng lây lan nhiều hơn, sẽ càng có thêm nhiều biến chủng mới xuất hiện, với khả năng còn nguy hiểm hơn cả biến chủng Delta đang tàn phá thế giới lúc này. Và khi có càng nhiều biến chủng, sẽ có nguy cơ một trong số chúng lẩn tránh được vaccine", người đứng đầu WHO cảnh báo.
Tỉ lệ bệnh nhân mắc chủng Delta trong tổng số ca mắc mới đã liên tục tăng dần đều ở nhiều nước, buộc giới khoa học cảnh báo thành tựu chống dịch của các nước có thể thành “công cốc” nếu không có cách ứng phó phù hợp.
Một số quốc gia gần đây đã buộc phải tái siết chặt các biện pháp giãn cách nhằm chặn đà lây lan, đồng thời nỗ lực khuyến khích người dân đi tiêm chủng càng sớm càng tốt.
Tại Israel và một số quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, giới chức y tế đang cân nhắc việc tiêm nhắc lại mũi vaccine thứ 3 cho các đối tượng nguy cơ cao như bệnh nhân ung thư cùng người được ghép tim, phổi và thận…, với hi vọng cách làm này sẽ giảm thiểu khả năng bị lây nhiễm, cũng như ngăn ngừa nguy họ gặp phải các biến chứng nặng trong trường hợp nhiễm COVID-19.
Cần lưu ý rằng, đến nay, tiêm chủng đầy đủ được thừa nhận rộng rãi là giải pháp hiệu quả nhất để đảm bảo đẩy lùi dịch bệnh. Nghiên cứu vừa được công bố trên Tạp chí Y học New England ngày 21/7 xác nhận các phát hiện của Bộ Y tế Anh hồi tháng 5/2021, rằng dựa trên các dữ liệu thực tế, vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech và Oxford/AstraZeneca đạt hiệu quả cao trước biến chủng Delta.
Cụ thể, hai liều vaccine Pfizer có hiệu quả 88% ngăn ngừa ca bệnh có triệu chứng do Delta, trong khi hiệu quả đối với biến thể Alpha là 93,7%. Hai liều vaccine AstraZeneca có hiệu quả 67% trước Delta, trong khi hiệu quả trước biến thể Alpha là 74,5%.
Trong khi đó, TASS dẫn lời chuyên gia Denis Logunov, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Gamaleya của Nga khẳng định, vaccine Sputnik V hiệu quả 90% với biến chủng Delta. "Chúng tôi khá lạc quan vì hiệu quả của vaccine tuy giảm (so với các biến chủng ban đầu), nhưng không đáng kể", ông Logunov nói.
Hơn 4 triệu trẻ em Mỹ dương tính với SARS-CoV-2 Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) ngày 21/7 công bố báo cáo, trong đó xác nhận, tính đến ngày 15/7, đã có gần 4,09 triệu trẻ em Mỹ mắc COVID-19, chiếm 14,2% tổng số ca nhiễm. Theo báo cáo trên, trẻ em chiếm từ 1,3 đến 3,6% tổng số ca nhập viện và từ 0 đến 0,26% tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này. Các số liệu của AAP cho rằng, mặc dù cho đến thời điểm này, các ca nặng do COVID-19 rất hiếm gặp ở trẻ em, song vẫn rất cần phải thu thập thêm dữ liệu về các tác động lâu dài hơn của dịch bệnh với đối tượng này, bao gồm cả những cách mà virus có thể gây hại đến sức khỏe thể chất lâu dài cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc. |