Bầu cử Tổng thống Venezuela nóng dần lên với các chiến dịch vận động tranh cử

Thứ Năm, 26/04/2018, 08:16
Các ứng cử viên Tổng thống Venezuela đã chính thức khởi động chiến dịch vận động tranh cử đầy kịch tính với nhiều cam kết cụ thể về việc dẫn dắt đất nước thoát khỏi tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế nghiêm trọng kéo dài nhiều tháng qua.


Các ứng cử viên chạy đua vào ghế Tổng thống Venezuela nhiệm kỳ 2019-2025 trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 20-5 tới đã chính thức khởi động chiến dịch vận động tranh cử từ ngày 24-4 (giờ Việt Nam) theo đúng quy định của Ủy ban Bầu cử Quốc gia Venezuela (CNE), Xinhuanews đưa tin.

Theo thông báo được CNE công bố hồi tháng 3-2018, có 5 ứng viên đủ điều kiện tham gia vào cuộc chạy đua lần này gồm đương kim Tổng thống Nicolas Maduro, người đại diện cho tập hợp các chính đảng cánh tả, trong đó lớn nhất là đảng Xã hội Chủ nghĩa thống nhất (PSUV) cầm quyền; cựu Thống đốc bang Lara Henri Falcon - đại diện cho hai chính đảng là Tiến bộ cải cách (AP), Phong trào Chủ nghĩa xã hội (MAS) và nhóm cử tri có tên Ủy ban Tổ chức chính trị bầu cử độc lập; ông Reinaldo Quijada thuộc đảng Đoàn kết chính trị nhân dân 89 (UPP89); nhà truyền giáo Javier Bertucci, 48 tuổi, được đề cử bởi phong trào chính trị Hy vọng để thay đổi (EEC); và ứng cử viên độc lập Luis Alejandro Ratti.

Đương kim Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu trước hàng ngàn người ủng hộ ở bang Barinas. Ảnh: Reuters

Cuộc bầu cử lần này diễn ra vào thời điểm quốc gia Nam Mỹ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng. Dù là một nước xuất khẩu dầu mỏ, Venezuela đang trong tình trạng thiếu lương thực, nhu yếu phẩm cơ bản và thuốc men sau một thời gian mặt hàng "vàng đen" bị sụt giảm giá trị nặng nề.

Bởi vậy, cam kết đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bất ổn kinh tế và chính trị đã trở thành cương lĩnh đáng chú ý nhất của các ứng viên trong nỗ lực vận động lá phiếu từ người dân. Phát biểu trước hàng chục ngàn người ủng hộ tại thủ đô Caracas và các bang Bolivar, Barinas hôm 24 và 25-4, đương kim Tổng thống Nicolas Maduro, người được đánh giá là có ưu thế nhất trong cuộc bầu cử sắp diễn ra, đã đưa ra kế hoạch về một cuộc đại cách mạng kinh tế cho quốc gia Mỹ - Latinh này nhằm đối phó với các chính sách bao vây cấm vận kinh tế của Mỹ.

Tổng thống Maduro cam kết nhiệm kỳ 6 năm tới của chính phủ sẽ mở ra "một giai đoạn chiến thắng, hạnh phúc và thịnh vượng cho nhân dân Venezuela".

Mặc dù thừa nhận vẫn còn rất nhiều việc phải làm, song nhà lãnh đạo Venezuela khẳng định trong nhiệm kỳ vừa rồi, chính phủ và nhân dân đã cùng nhau nỗ lực để vượt qua nhiều khó khăn và thách thức.

Ông Maduro cam kết, nếu ông tiếp tục được lựa chọn lãnh đạo đất nước, chính phủ của ông sẽ đặt mục tiêu trong những năm tới là củng cố nền giáo dục công miễn phí và chất lượng, mở rộng hệ thống y tế công miễn phí và bảo đảm một sự hồi phục nhanh chóng hướng tới sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Đối thủ được coi là mạnh nhất của đương kim Tổng thống Maduro là cựu Thống đốc Henri Falcon, người nhận được sự ủng hộ của ba tổ chức chính trị lớn của Venezuela, cũng đã có một loạt buổi thuyết trình đậm dấu ấn ở nhiều bang dọc đất nước nhằm tranh thủ lá phiếu ủng hộ của người dân lao động.

Ông Falcon đưa ra lời hứa mạnh mẽ rằng ông sẽ khôi phục toàn bộ hoạt động của Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela, vốn đóng vai trò trọng tâm của nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ này trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Về phần mình, ứng cử viên độc lập duy nhất của cuộc đua Luis Alejandro Ratti đã sử dụng các công cụ truyền thông đại chúng và mạng xã hội để tranh thủ lá phiếu của người dân cùng lời kêu gọi "hãy bỏ phiếu cho tôi - người khác biệt so với mọi đảng phái đã làm tổn hại cho đất nước".

Trong khi đó, đại diện của EEC, ông Javier Bertucci lại có cách vận động đặc biệt thông qua buổi hoà nhạc ngắn tại San Felipe, bang Yaracuy. Còn ông Reinaldo Quijada, ứng cử viên của đảng UPP89 thì đã tổ chức một loạt buổi vận động tranh cử lưu động nhắm vào cộng đồng nông dân ở bang phía Tây Portuguesa.

Được biết, Venezuela ban đầu lựa chọn ngày bầu cử là hôm 22-4, song CNE hồi tháng 3-2018 thông báo nước này đã quyết định lùi thời điểm bỏ phiếu đến ngày 20-5 theo một thỏa thuận đạt được giữa chính phủ đương nhiệm và các phe đối lập trong cuộc trong các cuộc đàm phán kín tại nước láng giềng Cộng hòa Dominica.

Theo thông báo của CNE, các ứng viên sẽ được phép vận động phiếu bầu của người dân theo các quy định của luật bầu cử từ nay đến hết ngày 17-5, nghĩa là 3 ngày trước khi cuộc bỏ phiếu chính thức bắt đầu.

Được tổ chức trong bối cảnh phe đối lập không ngừng phản đối, còn nhiều quốc gia trong châu lục lại bày tỏ nghi ngờ về tính độc lập của các lá phiếu, cuộc bầu cử lần này được xem là câu trả lời cụ thể nhất cho cộng đồng quốc tế về nền dân chủ của Venezuela.

Để đảm bảo nhận được sự công nhận rộng rãi của thế giới, hồi tháng 2-2018, Cacaras đã gửi lời mời tới Liên Hợp Quốc, kêu gọi tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh tới giám sát các hoạt động bỏ phiếu một cách minh bạch. Chưa hết, CNE tháng trước cũng đề nghị Cộng đồng các nước Caribe (Caricom) thành lập một phái bộ để "đồng hành" cùng cuộc tổng tuyển cử lịch sử tại nước này vào ngày 20-5 tới.

Thiên Minh
.
.
.