Bầu cử Quốc hội Israel: “Cuộc chiến sống còn” của ông Netanyahu

Thứ Tư, 18/09/2019, 08:31
Sáng 17-9, hàng triệu cử tri Israel đã đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội lần thứ 2 chỉ trong vòng 6 tháng qua tại quốc gia này. Theo The Guardian, cuộc bỏ phiếu lần này được nhìn nhận như một cuộc trưng cầu dân ý, gián tiếp định đoạt tương lai chính trị của Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu.


Cuộc chạy đua đặc biệt

Chính trường Israel hiện phân làm hai khối gồm khối cánh hữu và trung-tả. Khối cánh hữu có đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu; đảng Yisrael-Beiteinu; đảng Yamina, đảng United-Torah-Judasism (UTJ) và đảng Shas. Trong khi đó, khối trung-tả gồm đảng Liên minh Xanh-Trắng do hai ông Benny-Gantz và Yair-Lapid lãnh đạo; Công đảng; Liên minh Dân chủ và Joint-List là liên minh của các đảng gốc Arab.

Đối với hơn 6,3 triệu cửu tri Israel, cuộc bỏ phiếu ngày 17-9 có thể coi là cuộc bỏ phiếu đặc biệt, bởi nó được diễn ra sau khi Đảng Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu lãnh đạo không thể thành lập một chính phủ liên minh mới sau cuộc bầu cử tháng 4 vừa qua. Sự đặc biệt này đã khiến cuộc chạy đua giữa các đảng phái nhằm thu hút cử tri trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Cuộc bầu cử Quốc hội lần này sẽ được coi như một cuộc trưng cầu dân ý định đoạt số phận chính trị của Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu. Ảnh: Getty

Thủ tướng Israel Netanyahu được nhận định là đang phải đối mặt với một cuộc chiến “sống còn” trong sự nghiệp chính trị với nguy cơ chấm dứt 10 năm cầm quyền của ông. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đảng Xanh-Trắng đang trở thành đối thủ “nặng ký” của Đảng Likud trong khi đó đảng Yisrael- Beiteinu có thể chi phối các cuộc đàm phán thành lập liên minh.

Chiến dịch tranh cử của hai đảng chính tại cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 2 của Israel trong 5 tháng qua cũng cho thấy có nhiều bất đồng trong các vấn đề quan trọng: như cuộc đấu tranh chống lại Iran, mối quan hệ với Palestine và Mỹ, cũng như sự ổn định về kinh tế.

BBC nhận định, mặc dù đối diện thách thức lớn, nhưng với kinh nghiệm dày dặn, ông Netanyahu đã đưa ra nhiều chiến thuật cả mới lẫn cũ, thậm chí có phần “liều lĩnh” nhằm bảo đảm vị trí trong đảng Likud cũng như sự ủng hộ của cử tri cánh hữu.

Thủ tướng Netanyahu đã mạnh mẽ cam kết sáp nhập các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây và thung lũng Jordan, coi đây là một trọng tâm trong hoạt động tranh cử. Ông Netanyahu cũng khai thác vấn đề tương lai của các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây để tạo ra sự khác biệt đối với các đảng và ứng cử viên khác.

Đáng chú ý, Thủ tướng Israel trong những tuần qua cũng liên tục đánh bóng tên tuổi với chuyến thăm Nga trước bầu cử, cùng hứa hẹn với Tổng thống Mỹ Donald Trump về một Hiệp ước quốc phòng chung, nhằm thu hút cử tri.

Thế giới nín thở chờ kết quả

7h sáng 17-9 (giờ địa phương), hơn 10.000 điểm bỏ phiếu đã chính thức mở cửa trên khắp Israel và sẽ đóng cửa vào 10h tối cùng ngày. Khoảng 18.000 cảnh sát, nhân viên an ninh và nhân viên tình nguyện được triển khai tại khắp các địa điểm bỏ phiếu.

Dự kiến, kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 18-9. Theo các kết quả thăm dò mới nhất do Aljazeera cung cấp, đảng Likud có thể giành được 32 ghế, Liên minh Xanh-Trắng cũng có thể giành được 32 ghế, các đảng phải còn lại đều giành được xấp xỉ từ 6 đến 10 phiếu.

Như vậy, đảng Likud và khối cánh hữu có nguy cơ không giành được tối thiểu 61-120 ghế trong quốc hội để thành lập chính phủ mới nếu đảng Yisrael-Beiteinu không tham gia. Khối trung tả cũng không thành lập được chính phủ mới nếu không bao gồm đảng Yisrael-Beiteinu. Nói cách khác, kết quả bầu cử quốc hội nếu diễn ra như trên sẽ chưa thể quyết định được ai trở thành Thủ tướng.

Do đó, vấn đề đàm phán, thỏa hiệp để thành lập chính phủ mới sẽ thực sự gay cấn sau khi kết quả bầu cử được chính thức công bố. Và rất có thể, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor-Lieberman, Chủ tịch đảng Yisrael-Beiteinu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định lần này liệu ông Netanyahu có đảm tiếp tục đắc cử nữa hay không.

Trung Đông và thế giới đang chờ đợi cuộc bầu cử, với hai khả năng có thể xảy ra, đó là ông Netanyahu tiếp tục trở thành Thủ tướng trong nhiệm kỳ thứ 5, hoặc ông sẽ chấm dứt sự nghiệp chính trị kéo dài 10 năm liên tiếp trên chính trường Israel.

Trước thềm cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dự đoán cuộc bầu cử tại Israel sẽ là một cuộc cạnh đua cam go “ngang tài ngang sức” khi đồng minh của ông là Thủ tướng Netanyahu tìm cách tái đắc cử. Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã có động thái thể hiện sự ủng hộ Thủ tướng Netanyahu trước thềm cuộc bầu cử khi để ngỏ khả năng về một hiệp ước phòng thủ chung tiềm năng giữa hai quốc gia.

Ông chủ Nhà Trắng cũng nói thêm rằng ông “mong chờ được tiếp tục các cuộc thảo luận về vấn đề này sau cuộc bầu cử ở Israel khi chúng tôi gặp nhau tại Liên hợp quốc vào cuối tháng này”. Giới quan sát cho rằng động thái này sẽ gia tăng cơ hội tái đắc cử của ông Netanyahu bằng cách khẳng định quan hệ thân thiết giữa ông và người đứng đầu nước Mỹ.

Trong khi đó, một số nhà phân tích nhận định, nếu như ông Netanyahu không thể thắng cử, thì việc chấm dứt kỷ nguyên Netanyahu cũng khó có thể dẫn đến sự thay đổi lớn trong chính sách về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Palestine, cũng như khôi phục cuộc đàm phán về tiến trình hòa bình Trung Đông vốn bị sụp đổ cách đây 5 năm.

An Nhiên (Tổng hợp)

.
.
.