Bầu cử Mỹ: Điều chỉnh quy định cuộc tranh luận cuối cùng

Thứ Tư, 21/10/2020, 08:46
Ủy ban Tranh luận Tổng thống Mỹ (CPD) thông báo đã thông qua các quy định mới về việc tạm ngắt micro của các ứng cử viên Tổng thống Mỹ trong cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng sắp diễn ra. Theo đó, khi bắt đầu mỗi phần tranh luận, micro của Tổng thống Mỹ Donald Trump hoặc ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, ông Joe Biden, sẽ bị tạm ngắt trong 2 phút để tránh gián đoạn phần phát biểu mở đầu của ứng cử viên còn lại.


Tắt micro khi đối thủ tranh luận

Thông tin trên được đưa ra 3 ngày trước khi diễn ra cuộc tranh luận thứ 2 và cũng là cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 22/10 tại Nashville, bang Tennessee. Đây được coi là một trong những sự kiện quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới kết quả cuộc bầu cử sắp tới. Trong một thông báo, CPD cho biết việc áp dụng thay đổi này là thích hợp nhằm đảm bảo 2 bên tuân thủ các quy định đã được nhất trí trước đó.

Theo thông báo, trong tuần này, đại diện ban vận động tranh cử của cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã tái cam kết tôn trọng quy tắc 2 phút tranh luận mà không bị gián đoạn.

Tổng thống Donald Trump và đối thủ Joe Biden.

Theo quy định mới áp dụng trong cuộc tranh luận kéo dài 90 phút vào ngày 22/10, mỗi ứng cử viên sẽ có 6 phần phát biểu, mỗi phần 15 phút và trong đó có 2 phút phát biểu mở đầu không bị đối phương gián đoạn. Micro sẽ được mở cho các ứng cử viên phát biểu trong khung thời gian quy định.

Tuy nhiên, đối với các phần tranh luận mở, micro sẽ được bật cho cả hai ứng cử viên. Các quy định được điều chỉnh nhằm đảm bảo trật tự cho cuộc tranh luận cuối cùng giữa 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ sau khi cuộc tranh luận đầu tiên bị cho là “hỗn loạn”, hai bên thường xuyên ngắt lời và có những lời nói công kích lẫn nhau.

Cuộc tranh luận cuối cùng giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra tại Nashville, bang Tennessee, với sự điều phối của phóng viên Kristen Welker từ NBC News. Các chủ đề tranh luận dự kiến gồm cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, an ninh quốc gia, vai trò lãnh đạo... Tuy nhiên, đại diện Ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã phàn nàn về hình thức cũng như chủ đề được chọn.

Trong một bức thư gửi tới CPD, ông Bill Stepien – quản lý nhóm vận động – nhấn mạnh sự kiện lần này nên tập trung vào chính sách đối ngoại, chứ không chỉ 6 chủ đề mà nữ điều phối viên Kristen Welker lựa chọn.

“Theo thông lệ lâu đời và như đã được CPD hứa hẹn, chúng tôi đã kỳ vọng rằng chính sách đối ngoại sẽ là trọng tâm của cuộc tranh luận ngày 22/10”, nhà quản lý Bill Stepien viết. Mặc dù chính sách đối ngoại vốn là trọng tâm của cuộc tranh luận tổng thống trong các mùa bầu cử trước, nhưng vào tháng 6 vừa qua, CPD đã thông báo các chủ đề sẽ do người điều phối lựa chọn. Hình thức này cũng được triển khai trong năm 2012 và 2016.

Nhà quản lý Bill Stepien cũng phản đối những thay đổi quy định mà CPD mới điều chỉnh trong quá trình tranh luận, nhấn mạnh rằng cho biết việc tắt micro hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Về phần mình, nhóm vận động tranh cử của ứng viên Joe Biden cho biết: “Các chiến dịch và Ủy ban đã thống nhất từ nhiều tháng trước rằng người điều phối cuộc tranh luận sẽ chọn các chủ đề. Chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump phản đối có lẽ vì Tổng thống sợ phải đối mặt với nhiều câu hỏi về các phản ứng trước đại dịch COVID-19”.

Chính sách sẽ không thay đổi

Hai tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ luôn là rất quan trọng, nhưng không phải lúc nào cũng có tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ tới những phát triển sau đó. Ngay cả nếu khi các đảng phái và những “ông chủ” Nhà Trắng thay đổi, thì điều này cũng không nhất thiết kéo theo sự thay đổi các chính sách. Do đó, nếu ứng viên Joe Biden đánh bại Tổng thống Donald Trump, chúng ta không nên kỳ vọng vào một sự thay đổi cơ bản trong quỹ đạo chính sách đối ngoại của Mỹ.

Những sự thay đổi, điều chỉnh sẽ chủ yếu là về phong cách, môi trường xung quanh và trong những tiến trình thông qua đó các quyết định được đưa ra và được truyền đạt. Những điều đó là quan trọng nhưng không phải là những thay đổi cơ bản, chủ chốt. Tính cách cá nhân của ông Donald Trump là duy nhất.

Nhưng ông và các chính sách của ông là những dấu hiệu biểu hiện của sự chuyển đổi trong chính thể Mỹ và các xu hướng toàn cầu vốn đã xảy ra khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống vào năm 2016 và điều này sẽ tiếp tục diễn ra sau khi ông rời nhiệm sở. Bất kỳ ai kế nhiệm ông Donald Trump, dù là trong năm 2021 hay vào năm 2025, đều sẽ phải đối mặt với những thay đổi và xu hướng này.

Mỹ sẽ không tìm cách rút ra khỏi thế giới. Điều đó là bất khả thi. Tuy nhiên, Washington đang tìm kiếm một cách thức để tạo thế cân bằng mới. Mỹ đã tái điều chỉnh các phương thức can dự của mình về kinh tế và quân sự, và xác định các lợi ích một cách thu hẹp hơn và ít quan tâm, cân nhắc hơn tới các đồng minh và bạn bè. Ông Donald Trump đã rất kiên quyết rằng các đối thủ của Mỹ không được lợi dụng sự hào phóng của Mỹ. Nhưng ông không phải là người phát minh ra chủ nghĩa đơn phương hay “chủ nghĩa giao dịch buôn bán”.

Ông chỉ nhấn mạnh những khuynh hướng luôn có trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Khi ông Barack Obama đắc cử Tổng thống vào năm 2008 với khẩu hiệu "Change We Can Believe In" (Thay đổi mà chúng ta có thể tin tưởng), cử tri Mỹ không hiểu rằng ông chủ yếu nói đến sự thay đổi ở nước ngoài. Họ coi đó như một lời hứa rằng các vấn đề trong nước bị bỏ quên lâu nay sẽ được giải quyết và đã đến lúc phải đưa ngôi nhà của chính nước Mỹ vào nền nếp.

Trong bối cảnh đó, kế hoạch hồi sinh lĩnh vực chế tạo "Made in All of America" của ông Joe Biden phù hợp với xu hướng tâm trạng chính trị này. Nếu đắc cử, ưu tiên của ông Joe Biden sẽ là giải quyết các hậu quả kinh tế trong nước của do đại dịch COVID-19 gây ra, chứ không phải chính sách đối ngoại.

Tuy nhiên, ông Biden cũng sẽ không thể hoàn toàn “rảnh tay”. Những chia rẽ sâu sắc trong đảng Dân chủ được thể hiện trong các cuộc bầu cử sơ bộ vẫn chưa được giải quyết. Nếu ông chiến thắng, những chia rẽ này chắc chắn sẽ nhanh chóng nổi lên và kéo các chính sách của ông Joe Biden đi theo những hướng khác nhau. Không rõ ông Joe Biden sẽ làm thế nào để cân bằng giữa nhu cầu duy trì sự ủng hộ của các phe cánh tiến bộ trong đảng của ông với những lo ngại về nền tảng cơ sở truyền thống của đảng Dân chủ, cũng như của các khu vực bầu cử khác.

Một chiến thắng của ông Joe Biden có thể không phải là nhiệm vụ rõ ràng cho bất kỳ mục tiêu nào của đảng Dân chủ, bởi vì nhiều người sẽ bỏ phiếu cho ông Joe Biden đơn giản vì ông không phải là ông Joe Trump.

Nếu ông Donald Trump giành chiến thắng một lần nữa, ông sẽ coi đây là sự minh chứng chứng minh rõ ràng và sẽ tiếp tục thúc đẩy những gì mình đang làm. Do đó, những gì xảy ra tiếp theo sẽ tập trung vào các vấn đề có thể phát sinh nếu ông Joe Biden giành chiến thắng. Chúng ta nên hiểu rõ ràng rằng tình hình và bối cảnh nguyên trạng như trước khi ông Donald Trump lên nắm quyền sẽ không thể quay lại.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.