Bắt đầu thử nghiệm vaccine phòng dịch COVID-19

Thứ Bảy, 21/03/2020, 08:07
Một số quốc gia trên thế giới đã bắt đầu đưa vào thử nghiệm vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus Corona chủng mới (SARS CoV-2).

Ngày 20-3, cơ quan giám sát và bảo về quyền lợi người tiêu dùng Nga (Rospotrebnadzor) cho biết, trong một thời gian ngắn, Trung tâm khoa học nhà nước về virus học và công nghệ sinh học Vector, trực thuộc Rospotrebnadzor, đã phát triển vaccine ngừa SARS-CoV-2 dựa trên sáu nền tảng công nghệ khác nhau. 

Theo cơ quan này, các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu về khả năng miễn dịch ở động vật thí nghiệm nhạy cảm đối với tất cả những nguyên mẫu vaccine chế tạo ra, bao gồm cả các loài linh trưởng bậc thấp. 

Các nhà nghiên cứu sẽ xác định các nguyên mẫu an toàn và có triển vọng nhất đảm bảo việc hình thành các phản ứng miễn dịch tế bào và thể dịch. Từ đó, xác định cụ thể về thành phần, liều lượng và phương pháp tiêm vaccine. Các nhà khoa học kỳ vọng sẽ giới thiệu vaccine này ngay trong quý IV năm 2020. 

Trước đó, Bộ Y tế Liên bang Nga ngày 19-3 cho biết các nhà khoa học của Viện nghiên cứu quốc gia về cúm mang tên A. A. Smorodintseva đã giải mã thành công đầy đủ bộ gene của virus SARS-CoV-2. Việc phân tích di truyền hoạt động của virus SARS-CoV-2 rất quan trọng để hiểu được sự tiến hóa và khả năng lây lan của virus Corona chủng mới. 

Ông Dmitry Lioznov, quyền Giám đốc Viện nghiên cứu nói trên, cho hay: “Điều cực kỳ quan trọng là có thể xác định con đường lây lan và sự xâm nhập của loại virus mới này vào lãnh thổ Nga, cũng như sự thay đổi của chúng. Thông tin này sẽ giúp phát triển vaccine và thuốc kháng virus để điều trị bệnh”. 

Các dữ liệu này đã được gửi vào mạng cơ sở dữ liệu quốc tế đang được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhóm nghiên cứu quốc tế sử dụng để theo dõi sự phát triển của virus Corona chủng mới trên toàn cầu.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, vaccine tái tổ hợp ngừa COVID-19 của nhóm nghiên cứu dưới sự dẫn dắt của Viện sĩ Trần Vi thuộc Học viện Khoa học Quân sự nước này đã được phê duyệt để khởi động thử nghiệm lâm sàng. 

Theo ông Trần Vi, hiện công tác chuẩn bị tiền kỳ cho việc sản xuất trên quy mô lớn, đảm bảo an toàn, hiệu quả và chất lượng của loại vaccine này đã được tiến hành. Kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 đến nay, hàng ngàn các nhà khoa học Trung Quốc đã được huy động để nghiên cứu vaccine. 

Các nhóm nghiên cứu đều tiến triển thuận lợi. Đa số đều có thể hoàn thành nghiên cứu tiền lâm sàng, tức nghiên cứu tính hữu hiệu và an toàn trên động vật vào tháng 4 và từng bước khởi động thử nghiệm lâm sàng trên động vật, có nơi đã tìm tình nguyện viên. 

Ngoài ra, Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đã huy động hàng loạt các trường đại học ở nước này tham gia vào nghiên cứu vaccine COVID-19. Có trường đã phân lập được kháng thể với hoạt tính trung hòa rất mạnh đối với SARS-CoV-2 từ máu của bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục, dùng để tạo ra chế phẩm kháng thể trung hòa lấy từ người có độ tinh khiết cao, giúp bảo vệ miễn dịch trong ngắn hạn khoảng 3 tuần. Chế phẩm này cũng đang chuẩn bị được thử nghiệm trên động vật.

Thu thập mẫu bệnh phẩm chứa virus SARS-CoV-2 nhằm phát triển vaccine phòng dịch COVID-19.

Tại Mỹ, hoạt động thử nghiệm lâm sàng đầu tiên để đánh giá tác dụng của một loại “ứng cử viên” vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2 cũng đã được bắt đầu tiến hành tại Viện Nghiên cứu y tế Kaiser Permanente Washington ở thành phố Seattle, nơi chịu tác động nặng nhất do dịch COVID-19. 

Cuộc thử nghiệm được tiến hành trên 45 tình nguyện viên là người trưởng thành khỏe mạnh ở độ tuổi từ 18 đến 55 trong thời gian khoảng 6 tuần.  Các chuyên gia sẽ theo dõi và đánh giá tác dụng phụ tiềm tàng của vaccine gây ra. 

Mặc dù cuộc thử nghiệm đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tạo vaccine phòng virus SARS-CoV-2, song các quan chức y tế cộng đồng cho biết phải mất khoảng 12-18 tháng để khẳng định có thể sử dụng loại vaccine này hay không. 

Cũng tại châu Mỹ, theo trang Telesur, loại thuốc chống virus Intergeron Alfa 2B của Cuba đã chứng minh được những hiệu quả trong việc điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. 

Đây là một trong khoảng 30 loại thuốc mà Trung Quốc đã chọn để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 và đã giúp hơn 1.500 bệnh nhân bình phục. Interferon Alfa 2B là loại thuốc được đưa vào quá trình điều trị các bệnh truyền nhiễm, như viêm gan B, viêm gan C, Herpes zoster (bệnh zona), HIV-AIDS và sốt xuất huyết.

Trong khi đó, tại Bỉ, Viện nghiên cứu công nghệ sinh học Flemish (VIB) công bố đã phát hiện một loại kháng thể có khả năng vô hiệu hóa một biến thể trong phòng thí nghiệm của virus SARS-Cov-2. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển một loại thuốc chống virus có thể khống chế SARS-CoV-2. 

Theo VIB, các kết quả mới đây chỉ ra rằng kháng thể có khả năng ngăn virus SARS-CoV-2 xâm nhập tế bào con người. Ngoài ra, kháng thể này cũng có thể được sản xuất trên quy mô lớn bằng cách sử dụng các quy trình sản xuất phổ biến trong ngành công nghiệp dược phẩm sinh học. 

VIB cho biết, không giống như vaccine, kháng thể có tác dụng bảo vệ ngay lập tức - mặc dù thời gian hiệu quả là ngắn hơn. Ưu điểm của phương pháp này so với vaccine là bệnh nhân không cần phải tự sản xuất kháng thể. Nhân viên y tế hoặc những người có nguy cơ tiếp xúc với virus cũng có thể được hưởng lợi từ sự bảo vệ nhanh chóng này. 

Các thí nghiệm để xác nhận những kết quả trên đang được tiến hành và các nhà nghiên cứu của VIB cũng đang chuẩn bị giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng để tiến tới khả năng điều trị chống lại bệnh COVID-19.

Hồi đầu tháng này, bệnh viện Ashigarakami tỉnh Kanagawa, Nhật Bản cũng công bố báo cáo về hiệu quả của thuốc hen suyễn trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Loại thuốc được thử nghiệm trên bệnh nhân là thuốc điều trị hen suyễn dạng hít (Ciclesonide). 

Thuốc có tác dụng kháng virus và chống viêm đã cho kết quả tốt đối với bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đang có chuyển biến nặng. Hiện nay, Nhật Bản cũng đang rất tích cực triển khai việc bào chế vaccine chống SARS-CoV-2 tại Trung tâm nghiên cứu bệnh lây nhiễm Quốc gia và Đại học Tokyo.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.