Bạo lực và khủng bố làm rung chuyển nước Đức

Thứ Ba, 26/07/2016, 08:30
Vốn được coi là một đất nước yên ổn trước nguy cơ bị tấn công khủng bố và mức độ gia tăng hoạt động khủng bố ở nhiều nơi khác trên châu Âu cũng như trên thế giới, nhưng chỉ trong vòng một tuần, nước Đức đã liên tục bị rung chuyển bởi những vụ tấn công và xả súng với mức độ bạo lực và thiệt hại gây kinh hoàng. Những vụ việc này làm dấy lên những lo ngại về tình trạng bất ổn an ninh tại Đức.

Đêm 24-7 (giờ địa phương), đã xảy ra một vụ nổ lớn tại thành phố Ansbach ở bang Bayern, đông nam nước Đức, khi đang diễn ra lễ hội âm nhạc Ansbach Open, làm ít nhất 1 người thiệt mạng và 12 người bị thương, trong đó có 3 trường hợp nguy kịch.

Bộ trưởng Nội vụ bang Bayern Joachim Herrmann cho rằng, không thể loại trừ khả năng vụ nổ ở thành phố Ansbach là một vụ tấn công khủng bố liên quan tới Hồi giáo. 

Trước đó, phát biểu tại một buổi họp báo, Bộ trưởng Herrmann xác nhận nam đối tượng người Syria, 27 tuổi, đã tử vong khi thiết bị nổ mà y mang theo phát nổ bên ngoài một lễ hội âm nhạc ở thành phố Ansbach.

Ông Herrmann cho biết thêm đối tượng này từng tìm cách tự sát 2 lần trước đó, song chưa thể xác minh y có ý định tự sát hay “muốn những người khác chết theo”, đồng thời khẳng định rằng, các đồ vật có trong balo của đối tượng đủ để gây thương vong cho nhiều người. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ bang Bayern cho biết thêm rằng, đối tượng trên đã đến Đức 2 năm trước đây, nhưng đơn xin tị nạn của y đã bị từ chối một năm trước. Y được cấp phép cư trú tạm thời vì tình hình bất ổn tại Syria và được chính quyền cung cấp một căn hộ ở Ansbach.

Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ nổ bom tại Ansbach.

Trước đó cùng ngày, tại thành phố miền Nam Reutlingen, bang Baden-Württemberg đã xảy ra một vụ tấn công bằng dao, khiến 1 phụ nữ mang thai thiệt mạng và hai người khác bị thương. Thủ phạm cũng là một người tị nạn Syria. 

Vụ việc này xảy ra chỉ vài ngày sau vụ một đối tượng người Afghanistan, 17 tuổi, đã dùng dao và rìu tấn công làm bị thương nhiều hành khách trên chuyến tàu hỏa từ Treuchlingen tới thành phố Wuerzburg, bang Bavaria.

Liên quan tới vụ xả súng tại thành phố Munich hôm 22-7 khiến 9 người thiệt mạng, Cục trưởng Cục Hình sự (LKA) bang Bayern Robert Heimberger hôm 24-7 cho hay, hung thủ đã lên kế hoạch cho hành động này từ một năm trước và đã viết riêng một bản tuyên bố về vụ việc mà y tiến hành sau đó. 

Lãnh đạo LKA bang Bayern cũng cho biết hung thủ đã dùng 60 viên đạn trong vụ xả súng và cảnh sát cũng tìm thấy 57 vỏ đạn tại hiện trường. Trong khi đó, Trưởng Công tố Munich, ông Thomas Steinkraus-Koch xác nhận hung thủ 18 tuổi đang phải điều trị tâm thần.

Tại nhà riêng của đối tượng này, lực lượng điều tra đã tìm thấy thuốc cũng như hồ sơ bệnh án về chứng rối loạn tâm thần và trầm cảm. Theo ông Thomas Steinkraus-Koch, hung thủ thực hiện vụ xả súng là ngẫu nhiên mà không nhằm vào một đối tượng nào cụ thể. 

Ông cũng bác thông tin cho rằng, hành động của hung thủ mang động cơ chính trị và cũng không phải nhằm vào người nước ngoài. Trong số các nạn nhân không có người nào học cùng trường với y. 

Trước đó, hôm 23-7, Các nhân viên điều tra Đức ngày 23-7 cho biết đã xác định được danh tính kẻ xả súng trên là David Ali Sonboly. Trước khi tiến hành vụ tấn công đẫm máu trên, thủ phạm 18 tuổi này vẫn là một học sinh trong thành phố Munich. David Ali Sonboly là người Đức gốc Iran, sinh ra và lớn lên tại Munich.

Những vụ tấn công này, tuy tác giả của chúng có phương pháp gây án và động cơ hoàn toàn khác nhau, nhưng được cho là sẽ thổi bùng trở lại cuộc tranh cãi về vấn đề người di cư ở Đức sau một thời gian tạm lắng dịu.

Trong nửa cuối năm 2015, quyết định của Thủ tướng Đức Angela Merkel chấp nhận đơn xin tị nạn của những người chạy trốn cuộc xung đột tại Syria đã dẫn đến làn sóng người di cư ồ ạt đến Đức. Mặc dù người dân Đức ban đầu hoan nghênh quyết định của bà Merkel, song sau đó nhiều người đã bày tỏ lo ngại trước những tác động về xã hội, kinh tế và chính trị của việc tiếp nhận hàng nghìn người di cư. 

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Merkel tuyên bố siết chặt các quy định về xin tị nạn vào Đức, chấp nhận áp dụng các biện pháp kiểm soát đường biên giới dọc tuyến đường di cư từ Balkan và ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về việc hạn chế số người vào Liên minh Châu Âu (EU).

Mặc dù “Thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ” gây nhiều tranh cãi, song văn kiện này sau khi có hiệu lực vào cuối tháng 3 vừa qua đã góp phần chặn được làn sóng người di cư đổ vào châu Âu. Tuy nhiên, các vụ tấn công vừa qua sẽ kích động những người phản đối bà Merkel. Bên cạnh đó, cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua đã dẫn đến việc Ankara đàn áp phe đối lập, và làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ các thành viên EU.

Berlin hiện đang ở vào tình thế khó xử, vừa phải lên tiếng cảnh báo về pháp trị ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa phải kêu gọi nước này tôn trọng thỏa thuận về người nhập cư. Nghị viện Châu Âu và các thành viên châu Âu sẽ lại tranh cãi về vấn đề này vào đầu tháng 9 tới, và Chính phủ Đức sẽ khó có thể thuyết phục được họ đồng ý duy trì thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.