Hội thảo “Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam” tại Texas, Mỹ:

Bài học cho hiện tại và tương lai

Thứ Bảy, 30/04/2016, 10:57
Trong 2 ngày 27 và 28-4, hội thảo với tiêu đề “Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam” do Thư viện Tổng thống Johnson, Đại học Texas, thành phố Austin, bang Texas của Mỹ tổ chức, đã thu hút sự tham dự của khoảng 5.000 đại biểu gồm các cựu binh, nhà nghiên cứu, sử gia, đại diện của nhiều tổ chức và phong trào phản chiến…

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, nhiều chính khách Mỹ và cả Đại sứ Việt Nam tại Mỹ đã tham dự.

Nhiều tờ báo Mỹ khi đăng tải thông tin về sự kiện này đều khẳng định, hội thảo đem lại cái nhìn trực diện, không né tránh, e dè về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nội dung của hội thảo là bàn về thời điểm khó khăn và có tính quyết định trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Lyndon B.Johnson.

Đặc biệt, đương kim Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có bài phát biểu đầy xúc động về chiến tranh Việt Nam với tư cách một người từng trực tiếp tham gia cuộc chiến.

Ông John Kerry cho rằng, cuộc chiến tranh Việt Nam đã cho thấy một bài học về việc khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Ngoại trưởng Mỹ chỉ rõ, bài học quan trọng nhất mà nước Mỹ cần rút ra từ kinh nghiệm của cuộc chiến tranh Việt Nam là khi đánh giá về một nước cần nhìn nhận qua lăng kính của người dân ở chính nước đó. Ông ca ngợi sự cởi mở "phi thường" của nhân dân Việt Nam khi vượt qua sự thù hận để mở rộng cửa cho phép người Mỹ quay trở lại tìm kiếm binh lính Mỹ bị chết hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam, cho dù còn rất nhiều bộ đội Việt Nam hy sinh vẫn chưa tìm được hài cốt.

Theo ông John Kerry, phía Việt Nam muốn làm như vậy bởi vì chính bản thân người dân Việt Nam cũng muốn gác lại quá khứ chiến tranh để hướng tới tương lai. Với Ngoại trưởng Mỹ cũng như nhiều cựu binh Mỹ khác, quá trình hàn gắn và bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh không phải là lãng quên vì lãng quên có nghĩa là ngừng học hỏi.

Ông John Kerry nhấn mạnh, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, số lượng du khách Mỹ tới Việt Nam tăng từ 60.000 lên nửa triệu người, kim ngạch thương mại song phương tăng từ 400 triệu USD lên 45 tỷ USD, số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ tăng từ 800 lên gần 19.000 người.

Đến nay, mặc dù vẫn còn tồn tại những bất đồng, hai nước đều đang cố gắng vượt qua và tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Hiện, hai nước đang tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong các vấn đề an ninh, quan hệ giữa quân đội với quân đội ngày càng được mở rộng; hai nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chiếm tới hơn 40% GDP toàn cầu, hợp tác chặt chẽ trong vấn đề sông Mekong; Trường Đại học Full Bright sẽ được mở tại thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm nay...

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BNG.

Trong phiên thảo luận “Việt Nam và Mỹ trong thế kỷ 21: Một sự khởi đầu mới” của hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cũng đã có bài phát biểu điểm lại những cơ hội xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp từng bị bỏ lỡ như gần 230 năm trước, khi Tổng thống Jefferson, một trong các tác giả của bản Tuyên ngôn độc lập, cố gắng đưa giống lúa của Việt Nam về trồng tại Virginia và những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Truman trong giai đoạn 1945-1946 đề nghị hai nước “hợp tác toàn diện”. Tiếc rằng, hai nước đã phải trải qua một cuộc chiến tranh đầy đau thương, với nhiều hậu quả ghê gớm mà cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng mô tả là “đau đớn và ám ảnh”, còn Ngoại trưởng John Kerry thì gọi là “một sự thất bại nặng nề nhất về năng lực ngoại giao và nhãn quan chính trị”.

Nhưng lịch sử đã sang trang. Về chính trị, hai nước đã khẳng định ở cấp cao nhất về nguyên tắc tôn trọng “thể chế chính trị và độc lập chủ quyền” của nhau, tạo cơ sở tin cậy cho việc tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác. Về kinh tế, thương mại, sau hơn 20 năm, trao đổi thương mại đã tăng 90 lần, từ 500 triệu USD năm 1994 đến 45 tỷ USD năm 2015. Triển vọng này sẽ còn lạc quan hơn nữa sau khi các bên hoàn tất phê chuẩn TPP.

Nhắc lại Tuyên bố tầm nhìn 2015, Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định, Cộng đồng người Việt tại Mỹ đã có nhiều đóng góp đối với mỗi nước cũng như quan hệ hai nước. Với 19.000 sinh viên, Việt Nam trở thành nước có nhiều du học sinh nhất tại Mỹ trong số các nước ASEAN. Năm 2015, hơn một nửa triệu khách du lịch Mỹ đến Việt Nam. Hai nước mở rộng trao đổi ở quy mô khu vực với nhiều sáng kiến thiết thực như GHSA (y tế), LMI (môi trường, nguồn nước, biến đổi khí hậu), trong khuôn khổ ASEAN và hợp tác Đông Á, bao gồm duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực.

Trong bài phát biểu, Đại sứ cũng đề nghị phía Mỹ sớm công nhận Việt Nam có quy chế thị trường và dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí đối với Việt Nam. Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng nhấn mạnh đây sẽ là bối cảnh thuận lợi cho chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Huyền Chi
.
.
.