Quan hệ Việt - Mỹ: Tiềm năng phát triển

Thứ Tư, 22/06/2005, 10:00

Đã 30 năm trôi qua, việc bình thường hóa cũng như ngày càng phát triển quan hệ Việt Nam - Mỹ là xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của cả hai bên. Hai nước cùng có lợi và đều cần đến nhau. Đó cũng là nguyện vọng tha thiết của nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ.

Tuy thế, đã từng có một giai đoạn không ngắn, thế lực của những kẻ đang ôm ấp mối hận thua đau trong chiến tranh Việt Nam từng là chủ đạo trên chính trường Washington. Chính vì họ nên đã tồn tại quá nhiều rào cản ngụy tạo trong quá trình bình thường hoá quan hệ, đặc biệt là vấn đề POW-MIA (tù binh và  người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam). Mặc dù chúng ta đã thật lòng và đầy thiện chí giúp phía Mỹ giải quyết vấn đề tù binh và người mất tích trong chiến tranh Việt Nam, nhưng rõ ràng là suốt một thời gian dài, tại Washington đã luôn tồn tại những thế lực còn ôm hờn nuốt hận vì sự thua đau năm 1975.

Cố Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước ta Lê Mai trong bài phát biểu trước Hội đồng đối ngoại Mỹ tại New York ngày 7/9/1990, đã nhận xét, trong giai đoạn trên, quan hệ Mỹ - Việt đã ở trong tình trạng "bất bình thường và không đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước chúng ta và cũng chưa theo kịp sự phát triển của tình hình thế giới". Các lý do mà phía Mỹ từng nêu ra để làm cản trở tiến trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước đều là ngụy tạo, cốt để che giấu một "hội chứng Việt Nam" xuất phát từ tâm trạng cay cú vì một thất bại lớn mà tới hai ba thập niên sau, vẫn còn là hội chứng đau đớn ám ảnh nước Mỹ.

"Cuộc chiến tranh tại Việt Nam là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử chiến tranh nước Mỹ, làm 3 triệu người Việt Nam và 58 nghìn quân Mỹ thiệt mạng. Cuộc chiến đã kết thúc và đã được tha thứ, nói như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tiên liệu ngày xưa: Chúng tôi trải thảm đỏ (cho Mỹ) rút khỏi Việt Nam. Khi chiến tranh kết thúc, các vị được hoan nghênh trở lại vì các vị có công nghệ và chúng tôi cần sự hợp tác của các vị. Vào những giờ phút cáo chung của chế độ Sài Gòn tháng 4-1975, các phi công Mỹ lái trực thăng chở những người Mỹ rút chạy và những người Việt di tản ra Hạm đội 7 ngoài khơi, nhận thấy đèn báo động đỏ trên bảng điều khiển liên tục nhấp nháy, cho thấy các tên lửa của miền Bắc Việt Nam đã sẵn sàng vào cuộc. Tuy nhiên, không có tên lửa SAM nào được bắn lên cả, không một máy bay trực thăng Mỹ nào bị bắn hạ. Người Mỹ rời Việt Nam trên "chiếc thảm đỏ" đã được hứa trước"
(trích bài viết của ông David Lamb, Trưởng Cơ quan đại diện của tờ The Times tại Việt Nam, giai đoạn 1997-2001).

Thực ra, là bên bị bắt buộc phải chịu những hy sinh mất mát lớn lao vì những thập niên chiến tranh trên chính Tổ quốc mình, người Việt Nam có quyền ôm hận thù lâu dài và to lớn hơn. Chỉ tính riêng những nạn nhân bị ảnh hưởng vì chất độc hoá học trong chiến tranh vừa qua, ở Việt Nam ta hiện nay đang có ít nhất là 2 triệu người (Tin của đài Anh BBC). Thế nhưng, chúng ta đã kiên trì tiến hành một chính sách đối nhân xử thế hợp tình hợp lý để bác bỏ tất cả những cơn cớ ngụy tạo. Và dần dà, những bước tiến khả quan đã xuất hiện trên lộ trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Từ khi ông Bill Clinton lên làm Tổng thống thứ 40 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, dưới sức ép của thực tế khách quan và thiện chí trước sau như một mong muốn "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai" của Chính phủ và nhân dân ta cũng như tự chính một bộ phận đông đảo nhân dân Mỹ, Washington đã buộc phải thiết lập góc nhìn thỏa đáng hơn trong vấn đề Việt Nam. Đó hoàn toàn không phải là một sự mặc nhiên mà có, mà là kết quả của cả một quá trình đấu tranh của các lực lượng yêu chuộng hoà bình, tiến bộ của cả hai nước và trên thế giới. Và chúng ta cũng đã biết kịp thời đón nhận tín hiệu khả quan hơn từ phía Mỹ trong tiến trình bình thường hóa và phát triển quan hệ giữa hai nước.

Năm 1995, khi McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời cố Tổng thống Lyndon Johnson cho ra cuốn hồi ký "Hồi tưởng tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam", đưa ra tín hiệu xem xét lại vai trò của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, chúng ta đã  gần như ngay lập tức có sự đánh giá đúng về những bước đi tích cực, dù còn ngắn ngủi, của kẻ thù cũ, nhằm "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai" cho một hình thức quan hệ Việt - Mỹ kiểu mới. Những việc diễn ra sau đó ngày càng khả quan hơn. Ngày 3/2/1994, Hoa Kỳ tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại chống Việt Nam. Tháng 7/1995, Nhà Trắng đã tuyên bố bình thường hoá quan hệ với nước ta. Rõ ràng là Hoa Kỳ không thể không tôn trọng sự chọn lựa của một dân tộc khác đi theo con đường không giống họ như Việt Nam.

Kể từ mùa hè đáng nhớ năm 1995 đó, quan hệ Việt - Mỹ đã có đà phát triển tích cực. Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trước sau như một đã kiên trì tiến hành đường lối đối ngoại cởi mở, hữu nghị và đầy tự trọng trên cơ sở chung sống hoà bình và cùng có lợi. Thái độ thiện chí này đã tìm được sự cảm thông và hiểu biết trên cả chính đất Mỹ và vì thế, những năm gần đây, quan hệ giữa hai nước liên tục có những bước tiến khả quan, kể cả sau khi ông Clinton hết hai nhiệm kỳ làm Tổng thống và người trở thành chủ nhân ông trong Nhà Trắng là ông George Bush.

Tất nhiên, trong một bộ phận chính giới Mỹ không phải không còn tâm lý ngoan cố chống Việt Nam dưới những lý do khác nhau và những hình thức khác nhau, hoặc do những định kiến sai trái và cay cú, hoặc do không đủ thông tin về nước ta. (Theo lời Giáo sư Hà Minh Đức, một nhà văn cựu chiến binh Mỹ đã kể rằng, khi nghe tin Chính phủ Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam, trong gia đình ông có hai người cười và hai người khóc. Rõ ràng là chiến tranh Việt Nam sau hơn 20 năm vẫn tiếp tục chia rẽ xã hội Mỹ nói chung và từng gia đình người Mỹ nói riêng)... Những người Mỹ thực tế và tỉnh táo hiểu rằng, lịch sử là những gì không thể đánh lộn sòng, không thể sửa chữa lại và một mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Mỹ là điều có lợi cho cả hai bên, cũng như cho nền an ninh và hoà bình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung.

Thực sự là, chúng ta đã làm rất nhiều việc thiện chí để đẩy mạnh hơn nữa tốc độ bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Hơn ai hết, phải chịu tất cả những đau thương mất mát trong chiến tranh với hàng triệu đồng bào bị hy sinh trong bom đạn, chúng ta luôn giữ được một thái độ nhân đạo đối với vấn đề POW-MIA. Đến nay, ngay cả những nhân vật trong chính giới Mỹ hoàn toàn không thể "nghi ngờ " về cảm tình đối với thể chế của chúng ta, cũng đã phải công nhận sự tích cực của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề POW-MIA. Chúng ta không lấy những  mất mát, hy sinh của mình trong cuộc chiến tranh đẫm máu do phía Mỹ từng gây nên ở Việt Nam để đưa ra những đòi hỏi đặc biệt trong quan hệ giữa hai nước. Việt Nam chỉ muốn được đối xử công bằng và bình đẳng trên trường quốc tế và trong quan hệ với tất cả các nước. 

Tất nhiên, cái tốt đẹp không bao giờ mặc nhiên tới, cần phải có sự nỗ lực chung và thiện chí cả từ hai phía mới tạo nên được những gam màu tươi sáng cho mối quan hệ giữa hai nước khác nhau trên nhiều bình diện đến thế. Cũng phải nói thêm rằng, trong chính giới Hoa Kỳ không phải tất cả đều thực tâm ủng hộ một chính sách hòa giải với Việt Nam. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến quan hệ giữa hai nước tới hiện nay vẫn không phải lúc nào cũng mọi sự đều êm dòng mát mái. Đôi khi một số nhân vật trong chính giới Mỹ lại đưa ra những nhận xét võ đoán, sai trái, lạc lõng về tình hình Việt Nam, làm tổn thương lòng tự tôn và tự trọng của người Việt...

Việt Nam hôm nay trong cái nhìn của đại đa số người Mỹ là một quốc gia giàu cơ hội phát triển chứ không chỉ là tên của một cuộc chiến tranh. Theo đánh giá của chính Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Zoellick trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 6/5, sau 10 năm chính thức thiết lập lại quan hệ ngoại giao, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam hiện đang vững mạnh. Cũng chính ông Zoellick đã chuyển lời mời gặp gỡ ngày 21/6 tại Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ George Bush tới Thủ tướng nước ta Phan Văn Khải. Đây sẽ là một bước tiến mới trong quan hệ Việt - Mỹ, tạo thêm điều kiện thuận lợi để phát triển những tiềm năng vốn có

Phan Hoà
.
.
.