Ba kịch bản tranh chấp có thể xảy ra hậu bầu cử Tổng thống Mỹ

Thứ Năm, 05/11/2020, 16:55
Kết quả kiểm phiếu tại một số bang chiến trường trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn chưa được thống kê đầy đủ, nhưng đã tồn tại những cáo buộc gian lận lá phiếu từ cả hai bên. Ba kịch bản có thể xảy ra trong trường hợp tranh chấp về kết quả bầu cử tồn tại. 

Kiện cáo

Những lo ngại về tranh chấp, kiện tụng có thể xảy ra hậu bầu cử. Ảnh: Telegraph

Dữ liệu bỏ phiếu ban đầu cho thấy, Đảng Dân chủ đang có tỉ lệ bỏ phiếu qua thư cao hơn nhiều so với Đảng Cộng hòa, dù nhiều lá phiếu gửi theo đường bưu điện vẫn chưa được tính. Đảng Dân chủ lo ngại Tổng thống Trump có thể tuyên bố chiến thắng trước khi những lá phiếu này được kiểm định, như cách ông đã làm ngày 4/11 vừa qua. 

Cuộc bầu cử với sự rượt đuổi sít sao giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên Joe Biden có thể dẫn đến các vụ kiện tụng về thủ tục bỏ phiếu và kiểm phiếu ở các bang chiến trường. Các trường hợp đệ trình ở các bang riêng lẻ cuối cùng sẽ được trình lên Tòa án Tối cao Mỹ. 

Điều này đã xảy ra trong cuộc bầu cử ở Florida năm 2000, khi Đảng Cộng hòa của ông Gerge W Bush giành chiến thắng trước Đảng Dân chủ chỉ với 537 phiếu ở Florida, sau khi Tòa án Tối cao tạm dừng việc kiểm phiếu tại đây.

Đáng chú ý, chỉ vài ngày trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 bắt đầu, ông Trump đã bổ nhiệm bà Amy Coney Barrett làm thẩm phán Tòa án Tối cao, tạo tỉ lệ đa số 6-3 cho phe bảo thủ, giúp ủng hộ tổng thống nếu các tòa án tiến hành xét xử các tranh chấp trong bầu cử. 

Dù luật bầu cử Mỹ yêu cầu tất cả các lá phiếu phải được kiểm đếm và thực tế là nhiều bang thường mất nhiều ngày để hoàn thành việc kiểm phiếu. Về việc này, Tổng thống Trump hôm 4/11 tuyên bố: “Chúng tôi muốn luật được sử dụng một cách phù hợp. Vì vậy, chúng tôi sẽ đến Tòa án Tối cao Mỹ. Chúng tôi muốn tất cả các cuộc bỏ phiếu dừng lại ”.

Tranh chấp cử tri đoàn

Cách tính lá phiếu của Mỹ khiến cuộc đua vào Nhà Trắng càng trở nên gay cấn. Ảnh: Getty

Tổng thống Mỹ không được bầu bởi đa số phiếu phổ thông. Theo Hiến pháp Mỹ, ứng cử viên nào giành được đa số trong số 538 đại cử tri, được gọi là cử tri đoàn, sẽ trở thành tổng thống. Năm 2016, ông Trump thua bà Hillary Clinton số phiếu phổ thông toàn quốc, nhưng lại giành được 304 phiếu đại cử tri.

Ứng cử viên giành được phiếu phổ thông của tiểu bang nào thường nhận được phiếu đại cử tri của tiểu bang đó. Năm nay, các đại cử tri nhóm họp vào ngày 14/12 để bỏ phiếu, trong khi cả hai viện của Quốc hội Mỹ sẽ họp vào ngày 6/1 để kiểm phiếu và gọi tên người chiến thắng. 

Nhưng một số học giả đã vạch ra một kịch bản, trong đó thống đốc và cơ quan lập pháp ở một bang có tranh chấp kết quả có thể đệ trình hai kết quả bầu cử khác nhau. Trên thực tế, các bang chiến trường như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Bắc Carolina đều có thống đốc thuộc Đảng Dân chủ và cơ quan lập pháp do Đảng Cộng hòa kiểm soát.

Theo các chuyên gia pháp lý, không rõ trong kịch bản này, Quốc hội có nên chấp nhận kết quả bầu cử do thống đốc trình lên hay không, tương đương với việc hoàn toàn không kiểm kê số phiếu đại cử tri của bang.

Trong khi hầu hết các chuyên gia cho rằng kịch bản này khó xảy ra, lịch sử lại từng ghi nhận tiền lệ. Cơ quan lập pháp Florida do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã cân nhắc việc tự đệ trình kết quả vào năm 2000 trước khi Tòa án Tối cao kết thúc cuộc tranh cử giữa Bush và Gore.

Bầu cử ngẫu nhiên

Việc kiểm phiếu tại một số bang có thể kéo dài hơn dự kiến. Ảnh: Independent

Trong trường hợp cả hai ứng cử viên đều không có được đa số phiếu đại cử tri, một "cuộc bầu cử ngẫu nhiên" sẽ được kích hoạt theo Tu chính án thứ 12 của Hiến pháp Mỹ. Điều đó có nghĩa là Hạ viện chọn tổng thống tiếp theo, trong khi Thượng viện chọn phó tổng thống.

Mỗi phái đoàn tiểu bang trong Hạ viện được một phiếu bầu duy nhất. Tính đến nay, Đảng Cộng hòa kiểm soát 26 trong số 50 phái đoàn tiểu bang, trong khi Đảng Dân chủ có 22; hai phái đoàn còn lại, một phái đoàn có tỉ lệ chia đều, một phái đoàn có 7 nghị sĩ Dân chủ, 6 nghị sĩ Cộng hòa và một nghị sĩ tự do.

Một cuộc bầu cử ngẫu nhiên cũng diễn ra trong trường hợp tỷ lệ phiếu "hòa" 269-269 sau cuộc bầu cử. Song, bất kỳ tranh chấp bầu cử nào trong Quốc hội sẽ chỉ được diễn ra trước một thời hạn 20/1, khi Hiến pháp quy định nhiệm kỳ của tổng thống hiện tại kết thúc.

Theo Đạo luật Kế vị Tổng thống, nếu Quốc hội vẫn chưa tuyên bố người chiến thắng, bao gồm tổng thống hoặc phó tổng thống cho đến thời điểm trên, Chủ tịch Hạ viện sẽ giữ vai trò quyền tổng thống. Nancy Pelosi, nghị sĩ Đảng Dân chủ đến từ California, đang đảm nhận vị trí này. 

An Nhiên (Theo Aljazeera)
.
.
.