BRICS và vai trò giải quyết những vấn đề toàn cầu
- BRICS đứng trước nguy cơ tan rã?
- Thời điểm đột phá của BRICS và SCO
- Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh SCO và BRICS tại Nga
- BRICS sẽ cứu giúp Hy Lạp?
- BRICS lập cơ chế tài chính riêng
- Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRIC và SCO: Gia tăng hợp tác và ảnh hưởng
Mang ý nghĩa quan trọng khi đánh dấu mốc tròn 15 năm ra đời và phát triển, cùng với đó là luôn giữ vai trò quan trọng trong việc vượt qua những thách thức toàn cầu cấp bách nhất, Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay được coi là dịp để lãnh đạo các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi nêu ra những quan điểm riêng cũng như đề xuất các giải pháp cho nhiều vấn đề mà thế giới và khối này đang đối mặt.
Trong tuyên bố chính thức tối 15-10, Bộ Tài chính nước chủ nhà cho hay, trong cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương BRICS; các nước nhất trí rằng, các nền kinh tế BRICS có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo nền kinh tế toàn cầu hồi phục trở lại.
Các nước BRICS cần phải hợp tác và phối hợp trong các vấn đề của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Cũng theo tuyên bố trên, các Bộ trưởng đã nhấn mạnh đến việc cần phải thực hiện đúng lúc những cải cách về cơ cấu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Cách thức hướng tới những lĩnh vực hợp tác mới do Ấn Độ đề xuất như thành lập Viện Nghiên cứu và phân tích kinh tế BRICS cũng như cơ quan xếp hạng tín nhiệm BRICS cũng đã được thảo luận.
Lãnh đạo các nước BRICS tham dự Hội nghị. Ảnh: Reuters |
Trên thực tế, BRICS gần đây đang đối mặt nhiều khó khăn. Tình trạng kinh tế của một số thành viên trong khối thời gian qua đã gây thất vọng không nhỏ. Do giá dầu mỏ trên thế giới giảm mạnh, kinh tế của Brazil và Nga đang gặp nhiều khó khăn, trong khi đó sản xuất công nghiệp của Trung Quốc cũng giảm sút mạnh.
Ngoài ra, BRICS cũng đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản đối với tăng trưởng và phát triển, trong đó có cả các mối đe dọa về y tế hay còn thiếu thế mạnh về giáo dục đào tạo, khoảng cách thu nhập lớn, tài chính thiếu minh bạch và cơ sở hạ tầng không đồng đều.
Ngay trước thềm hội nghị lần này, Trung Quốc đã đề xuất ý tưởng về việc thành lập khu vực tự do thương mại trong khối như là một biểu hiện quan trọng của nỗ lực hợp tác thiết thực trong BRICS.
Theo đó, các nước thành viên sẽ phát huy được hết lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong khối. Ngoài ra, thỏa thuận thương mại tự do (FTA) cũng hứa hẹn giúp các nước BRICS đạt được lợi ích và sự phát triển chung.
Bên cạnh vấn đề kinh tế, an ninh cũng sẽ là đề tài được chú trọng. Với vị thế nước chủ nhà, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ thu hút sự chú ý của dư luận thế giới đối với tình hình căng thẳng tại biên giới giữa nước này với Pakistan thời gian gần đây.
Theo đó, bên cạnh việc tiến hành “các cuộc tấn công những mục tiêu cụ thể” dọc biên giới tranh cãi với Pakistan, New Delhi cũng đã khởi động một cuộc tấn công ngoại giao để cô lập Islamabad.
Theo ông Shashank Joshi, một nhà nghiên cứu cấp cao tại United Services Institute Hoàng gia (RUSI) tại London, đối với Ấn Độ, “cô lập ngoại giao đối với Pakistan sẽ là mục tiêu quan trọng nhất”.
Về phía Pakistan, trước đó cùng ngày, Thủ tướng Nawaz Sharif cho biết nước này sẵn sàng đàm phán với Ấn Độ nếu New Delhi nghiêm túc trong việc giải quyết vấn đề Kashmir mà theo ông, đó chính là “nguyên nhân chính gây bất ổn” trong khu vực.
Thủ tướng Sharif cho hay, Pakistan đã một vài lần đề nghị đàm phán về các vấn đề còn tồn đọng nhưng Ấn Độ không hồi đáp: “Kashmir vẫn là nguyên nhân chính gây bất ổn trong khu vực và Ấn Độ phải thể hiện sự nghiêm túc về giải pháp cho vấn đề này, tôn trọng cam kết theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.
Ông Sharif cho biết thêm, Islamabad cam kết giải quyết hòa bình vấn đề Kashmir đồng thời bác bỏ những cáo buộc rằng nước này đứng đằng sau vụ tấn công nhằm vào căn cứ quân sự của Ấn Độ ở Uri, cho rằng Ấn Độ đưa ra những cáo buộc đối với Pakistan chỉ trong 6 giờ đồng hồ sau vụ tấn công.
Thủ tướng Pakistan cũng khẳng định, không có vụ xâm nhập qua đường Ranh giới kiểm soát (LoC) nào.
Theo giới phân tích chính trị, những nỗ lực của Thủ tướng Modi tại Hội nghị BRICS lần này liên quan tới căng thẳng với Pakistan có nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc hay không là điều rất khó nói vì hai nước Trung - Ấn cũng có những bất đồng dai dẳng về biên giới ở Himalaya cũng như khác biệt lợi ích tại một số khu vực khác.
Thực tế cho thấy, ngay sau cuộc tấn công ở Uri hồi tháng trước, Ấn Độ đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của phương Tây cũng như của Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc lại tỏ ra hạn chế những bình luận công khai đối với tình hình Kashmir.
Bên cạnh đó, bất chấp những lo ngại về nguy cơ bạo loạn từ phiến quân ở Pakistan, Trung Quốc cũng chưa đáp ứng lời kêu gọi của Ấn Độ liệt Maulana Masood Azhar - thủ lĩnh nhóm Jaish-e-Mohammed mà New Delhi cáo buộc gây ra các vụ tấn công ở biên giới, vào danh sách khủng bố. Những điều này phản ánh sự đối địch ngày càng lớn giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới.
Nhìn chung, trong môi trường quốc tế đang biến đổi, BRICS phải đối diện với không ít những thách thức đối với quá trình phát triển. Tăng trưởng trì trệ, đói nghèo và khó khăn trong việc tái cơ cấu nền kinh tế để thích nghi với sự chuyển đổi của kinh tế thế giới là những rào cản với BRICS khi hướng tới mục tiêu trở thành một khối hợp tác có tiếng nói quyết định đối với các vấn đề toàn cầu.