Ăn miếng trả miếng bằng các đòn trừng phạt quan hệ Nga – Mỹ thêm nhiều trở ngại

Thứ Hai, 19/04/2021, 08:13
Trong tuần qua, thế giới tiếp tục chứng kiến màn "ăn miếng trả miếng" giữa Nga và Mỹ khi hai bên đưa ra những lệnh trừng phạt nhằm vào nhau.

Động thái này đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã nguội lạnh từ nhiều năm qua và khiến đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước gặp nhiều trở ngại.

Để đáp trả tương xứng những lệnh trừng phạt của Washington, hôm 16/4 (giờ địa phương), ngoài trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ, Nga cũng đã cấm 8 quan chức cấp cao còn đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ vào nước này với cáo buộc có vai trò trong cái mà Moscow gọi là “đường lối chống Nga”. 

Những quan chức bị cấm bao gồm Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray, Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland. Ngoài 3 quan chức cấp cao này, 5 quan chức Mỹ khác cũng bị đưa vào danh sách cấm nhập cảnh vào Nga. 

Phát biểu tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thông báo: “Những biện pháp mà Nga đưa ra đã được Tổng thống đã phê duyệt, để đáp lại những hành động hoàn toàn không thân thiện của Mỹ chống lại Nga. Chúng tôi sẽ đáp trả các biện pháp của Mỹ một cách tương xứng”. 

Ngoài ra, Đại sứ Mỹ tại Moscow John Sullivan đã được triệu tập đến văn phòng Tổng thống và Trợ lý Tổng thống Nga Yuri Ushakov để trình bày rõ về việc đáp trả của Nga. Theo Bộ Ngoại giao Nga, nước này còn có các lựa chọn có thể gây tổn hại kinh tế đối với Mỹ, cũng như có thể giảm số lượng nhân viên ngoại giao của Mỹ tại Moscow xuống chỉ còn 300 người, song các biện pháp vẫn chưa được tung ra. 

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, bây giờ là lúc Mỹ thể hiện ý thức tốt và quay lưng lại với đường lối đối đầu. Các biện pháp “ăn miếng trả miếng” của Nga được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 15/4 đã ký sắc lệnh về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong năm 2020. Đặc biệt, các hạn chế được đưa ra đối với 32 cá nhân và pháp nhân Nga, cùng 6 công ty công nghệ của nước này. 

Các tổ chức tín dụng Mỹ bị cấm mua các khoản nợ của Nga. Ngoài ra, Washington cũng trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga. Trước đó, trong cuộc điện đàm ngày 13-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại một nước thứ ba. 

Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ: “Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Joe Biden tái khẳng định mục tiêu xây dựng mối quan hệ ổn định và dễ đoán định với Nga và phù hợp với lợi ích của Mỹ, đồng thời đề xuất lãnh đạo hai nước họp thượng đỉnh tại nước thứ ba trong vài tháng tới nhằm thảo luận một loạt vấn đề trong quan hệ Mỹ-Nga”. 

Phía Nga đã đưa ra đánh giá “tích cực” lời đề nghị này và “đang cân nhắc”. Rõ ràng, với việc hai bên đã tung những đòn trừng phạt nhằm vào nhau thì triển vọng của cuộc gặp thượng đỉnh được đánh giá là khá u ám, ít nhất cũng chưa thể được tổ chức trong tương lai gần.

Vở kịch quan hệ Nga – Mỹ có kết quả ra sao thì còn phải quan sát.

Việc mối quan hệ Nga – Mỹ xấu đi do những lệnh trừng phạt của Washington đối với Moscow không chỉ đơn thuần từ các cuộc tấn công mạng trả đũa lẫn nhau, mà còn do dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2. 

Lệnh trừng phạt này không những gây tổn hại đến quan hệ Nga – Mỹ, mà còn làm tổn thương mối quan giữa Mỹ và Đức. Hiện, có vẻ như Tổng thống Joe Biden sẽ kế thừa chính sách của người tiền nhiệm, tiếp tục gây sức ép với dự án Dòng chảy phương Bắc 2, bao gồm cả việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tất cả các công ty bên thứ ba tham gia dự án này. 

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 còn 150km đường ống cuối cùng cần phải lắp đặt, Đức và Nga đang tích cực lên kế hoạch thúc đẩy dự án thông qua việc thành lập một quỹ bảo vệ môi trường, tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đối với Mỹ, ngăn chặn hợp tác năng lượng Đức – Nga không những vì mục đích bán được thêm tài nguyên dầu khí của Mỹ cho châu Âu, mà còn là để cắt đứt quan hệ địa kinh tế giữa Nga và châu Âu. Vấn đề là Washington sẽ phải trả một cái giá như thế nào cho việc này.

Xét một cách toàn diện, không nhiều khả năng xảy ra việc Mỹ “tái khởi động” quan hệ với Nga như thời ông Barack Obama, nhưng cũng không gây sức ép quá mức như thời ông Donald Trump. 

Tóm lại, những xem xét cơ bản của chính quyền ông Joe Biden đối với Nga là giữ vững lập trường ý thức hệ, khôi phục và củng cố các mối quan hệ đồng minh để bảo vệ các lợi ích địa chính trị của Mỹ, đồng thời tìm kiếm cơ hội thoát khỏi những bế tắc trong các mối quan hệ song phương, tập trung hóa giải sức ép lớn bên trong và bên ngoài mà Mỹ phải đối mặt. 

Về phía Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Dmitry Medvedev và Ngoại trưởng Sergei Lavrov gần đây đều thể hiện lập trường cứng rắn đối với Mỹ. Đây là biểu hiện tự nhiên của tâm lý thất vọng kéo dài đối với mối quan hệ Nga – Mỹ, cũng là phản ứng tất yếu đối với sự bất đồng sâu sắc giữa hai bên trong phương diện lợi ích chiến lược, định hướng thể chế và ý thức hệ. Tuy nhiên, Nga cũng sẽ tận dụng mọi cơ hội quan trọng có thể để có thể cải thiện quan hệ song phương với Mỹ.

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, vở kịch quan hệ Nga – Mỹ có kết quả ra sao thì còn phải quan sát.


Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.