Vì sao Giám đốc và Phó giám đốc Công ty Lam Hồng bị bắt?

Thứ Hai, 13/03/2023, 09:36

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa tiến hành bắt Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty cổ phần CNTT Lam Hồng (Công ty Lam Hồng) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Đây là doanh nghiệp thứ 4 trong số 7 đơn vị tham gia cung cấp thiết bị trường học cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh giai đoạn 2017 - 2019 bị khởi tố, bắt tạm giam. 

Mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở GD&ĐT và Trung tâm Tư vấn và dịch vụ tài chính công tỉnh Hà Tĩnh, ngày 12/3/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, đồng thời ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam Nguyễn Thanh Thủy (SN 1971), Giám đốc và Trần Văn Tuân (SN 1978), Phó Giám đốc Công ty Lam Hồng.

Vì sao Giám đốc và Phó giám đốc Công ty Lam Hồng bị bắt?  -0
Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh đọc lệnh bắt tạm giam Giám đốc Công ty Lam Hồng Nguyễn Thanh Thủy.

Công ty Lam Hồng là một trong 7 doanh nghiệp tham gia cung cấp thiết bị trường học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong quá trình thực hiện 2 chương trình lớn của Chính phủ, gồm Đề án 1436 phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 và Chương trình 775, phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn giai đoạn 2016 – 2020.

Tại Hà Tĩnh, hai Chương trình này được thực hiện tại 6 xã biên giới đặc biệt khó khăn và 29 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang. Việc thực hiện Chương trình 775 và Đề án 1436 được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho Sở GD&ĐT chủ trì khảo sát, nắm tình hình, tham mưu thực hiện.

Trong hai Chương trình này, chỉ tính riêng Đề án 1436, từ năm 2017-2019, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh thực hiện 17 gói thầu mua sắm thiết bị dạy và học, tổng giá trị hợp đồng là hơn 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua thanh tra, phát hiện những gói thầu này đã được "phù phép" nâng giá lên cao một cách bất thường, nhiều mục bị tráo đổi phụ lục... gây thất thoát khoảng 60 tỷ đồng. Trong đó, riêng Công ty Lam Hồng đã trúng thầu với số tiền hơn 99 tỷ đồng.

Vì sao Giám đốc và Phó giám đốc Công ty Lam Hồng bị bắt?  -0
Biểu giá giao dịch cho thấy sự chênh lệch giá bất thường của Công ty Lam Hồng đối với các thiết bị giáo dục cung cấp cho Sở GD&ĐT Hà Tĩnh.

Công ty CP CNTT Lam Hồng (địa chỉ tại số 33 Trần Phú, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh), với tư cách là nhà thầu độc lập hoặc liên danh trúng thầu thực hiện 6/17 gói thầu (TB 03.2017, TB 11.2017, TB 03.2018, TB 10.2019 và 1 gói thầu mua sắm 132 máy chiếu đa năng và phụ kiện kèm theo do Sở GD&ĐT trực tiếp tổ chức mua sắm).

Tổng giá trị hợp đồng là hơn 99 tỷ đồng, trong đó: mua sắm máy tính để bàn, máy tính xách tay, loa… trị giá hơn 28,5 tỷ đồng; mua sắm 1.702 máy chiếu và 3.404 phụ kiện kèm theo như màn chiếu, vật tư lắp đặt; 969 âm ly đa năng, 660 đài cassette nhãn hiệu Hpec (Trung Quốc) trị giá hợp đồng gần 70,5 tỷ đồng.

Trong đó, gói thầu TB 12.2018, Sở GD&ĐT đăng ký mua 83 máy chiếu đa năng tích hợp bảng tương tác HPEC HC-388EXI + 83 máy tính xách tay Acer Travel mate P2410-G2-M, nhưng sau đó đã có sự tráo đổi phụ lục để lập hồ sơ mua sắm 112 máy chiếu đa năng tích hợp bảng tương tác HPEC HC-388EXI; gói thầu mua sắm 132 máy chiếu đa năng Sở GD&ĐT tổ chức mua sắm thiếu phần mềm (smart E-learning) so với tài sản được thẩm định giá.

Vì sao Giám đốc và Phó giám đốc Công ty Lam Hồng bị bắt?  -0
Công ty Lam Hồng là nhà thầu "quen mặt" tại nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Tĩnh. 

Giá hợp đồng máy chiếu tương tác đa năng do Công ty CP CNTT Lam Hồng mua sắm cao hơn 3,89 đến 4,71 lần giá nhập khẩu và cao hơn 2,17 đến 2,48 lần bán ra của nhà phân phối.

Ngoài ra, Công ty CP CNTT Lam Hồng mặc dù là thành viên trong cùng liên danh nhưng quá trình thực hiện hợp đồng mua sắm, đã mua bán hàng hóa qua một đơn vị trung gian nhằm đẩy giá thiết bị, hợp thức hóa giá trúng thầu, giá hợp đồng. Cụ thể, quá trình nhập máy chiếu tương tác đa năng, Công ty TNHH Hpec Việt Nam là nhà phân phối độc quyền thiết bị nhãn hiệu Hpec nhưng Công ty CP CNTT Lam Hồng không mua trực tiếp từ công ty này mà mua qua Công ty TNHH Tân Minh Hà Tĩnh để đẩy giá thiết bị.

Giá thiết bị đăng ký mua sắm, thẩm định giá, thẩm định, phê duyệt kế hoạch mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hợp đồng mua sắm 1.702 máy chiếu và 3.404 phụ kiện kèm theo, 969 âm ly đa năng, 660 đài cassette nhãn hiệu Hpec qua thẩm định cho thấy, có giá cao bất thường so với giá nhập khẩu. Cụ thể, giá nhập khẩu một chiếc máy đa năng từ 6,8 triệu – 8 triệu đồng, trong khí giá hợp đồng Công ty CP CNTT Lam Hồng kí với Sở GD&ĐT Hà Tĩnh có giá từ 30,4 triệu – 34,89 triệu đồng.

Thiên Thảo
.
.
.