Xộ khám vì lừa đảo xin việc

Thứ Sáu, 06/04/2018, 08:35
Mai Văn Hiển (52 tuổi, trú tại phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) là cán bộ nghỉ hưu mạo nhận có nhiều quan hệ với những người giữ chức vụ để lừa đảo xin việc, xin học cho nhiều người chiếm đoạt số tiền 1,6 tỷ đồng.

Câu kết với Hiển, Tô Kỳ Thiệu (37 tuổi, trú tại xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) là lao động tự do cũng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 600 triệu đồng. 

Ngày 4-4, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án này.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, trong thời gian từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9-2015, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội-Bộ Công an nhận được đơn của một số công dân tố cáo Hiển và Thiệu có hành vi gian dối trong việc hứa hẹn xin việc, xin học để nhận tiền của họ sau đó không thực hiện cam kết mà chiếm đoạt tiền của họ.

Hai bị cáo Hiển và Thiệu tại phiên xử.

Qua quan hệ xã hội, tháng 5-2013, chị Nguyễn Thị Thúy (ở quận Đống Đa, Hà Nội) nhờ trung gian xin cho con trai vào công tác trong lực lượng Công an. Trung gian nói với Hiển và anh ta yêu cầu người xin việc đưa 250 triệu đồng để lo việc. 

Tin tưởng Hiển sẽ giúp được việc nên chị Thuý đưa trước số tiền 220 triệu đồng và Hiển đã viết giấy biên nhận đã nhận số tiền này. Tuy nhiên đến hẹn, Hiển không thực hiện được như đã hứa và cũng không trả lại số tiền đã nhận. 

Cùng thời gian này, cũng qua trung gian giới thiệu, Hiển còn nhận xin học và xin việc cho hai trường hợp khác ở Hà Nội nhưng cũng không thực hiện được và chiếm đoạt của bị hại số tiền 750 triệu đồng. 

Tháng 8-2014, qua quan hệ xã hội, chị Nguyễn Thị Liêm, ở Hà Nội quen biết Hiển và nhờ anh này xin cho con trai vừa tốt nghiệp trung học phổ thông vào học tại một trường trường Công an. 

Hiển yêu cầu chị phải đưa 670 triệu đồng thì mới lo việc được. Theo thoả thuận, chị Liêm đưa trước cho Hiển 300 triệu đồng, số tiền còn lại hai bên thống nhất khi nào con chị Liêm vào học thì Hiển sẽ nhận nốt.

Đến ngày hẹn với chị Liêm nhưng do không thực hiện được lời hứa nên Hiển bàn với Thiệu về việc làm giả giấy báo nhập học vào trường Công an để đưa cho chị Liêm. 

Thực hiện hành vi gian dối này, Thiệu tới một quán phô tô ở phường Mỹ Đình thuê làm giả mẫu giấy báo nhập học và làm giả cả con dấu của trường Công an với số tiền 1,2 triệu đồng. 

Cuối tháng 11-2014, Thiệu đưa giấy báo nhập học giả cho Hiển và Hiển gọi điện cho gia đình chị Liêm thông báo đã có giấy báo nhập học và yêu cầu chị chuyển nốt số tiền 370 triệu đồng. Sau đó, chị Liêm đã đưa cho Hiển số này như cam kết. 

Nhận tiền xong, Hiển và Thiệu hứa hẹn đưa con chị Liêm đến trường nhập học. Nhưng sau đó, Thiệu đã thu lại giấy nhập học đã đưa cho chị Liêm rồi đốt bỏ.

Ngoài những vụ lừa đảo trên, quá trình điều tra, cơ quan điều tra còn xác định, cũng với hành vi lừa đảo từ xin việc, xin học vào Công an, Hiển và Thiệu tiếp tục lừa một số người nữa để chiếm đoạt số tiền hơn 300 triệu đồng. 

Nhưng sau khi nhận tiền, Hiển và Thiệu không thực hiện được như đã hứa mà còn chiếm đoạt tiền của bị hại. Tổng số tiền Hiển đã chiếm đoạt của các bị hại là 1,6 tỷ đồng. 

Thiệu chiếm đoạt 230 triệu đồng và đồng phạm với Hiển chiếm đoạt 370 triệu đồng. Trước khi phiên toà diễn ra, gia đình mới giúp hai bị cáo khắc phục được một phần hậu quả.

Trước đó, tháng 8-2017, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án này. Tại phiên xử đó, bị cáo Hiển chỉ thừa nhận một phần hành vi phạm tội và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét một số tình tiết liên quan đến số tiền mà bị cáo bị quy kết đã chiếm đoạt. 

Cụ thể, bị cáo Hiển cho rằng, trong tổng số tiền 1,6 tỷ đồng mà cáo trạng truy tố bị cáo đã chiếm đoạt thì có một số khoản bị cáo chỉ viết “giấy vay tiền”, chứ không viết “giấy nhận tiền xin việc, xin học”. 

Luật sư bào chữa cho bị cáo Hiển cũng nêu quan điểm rằng, việc truy tố bị cáo Hiển về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng. Tuy nhiên, Viện kiểm sát chưa làm rõ đâu là số tiền lừa đảo, đâu là số tiền vay nợ. 

Trên cơ sở đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ những nội dung trên. Nhận thấy đề nghị của luật sư là có cơ sở nên Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung.

Tại phiên xử sơ thẩm mở lại lần này, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Hiển 14 năm tù; bị cáo Thiệu 11 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139-BLHS năm 1999). 

Ngoài hình phạt tù, Hội đồng xét xử còn buộc hai bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Hưng
.
.
.