Vụ cà phê nhuộm pin: UBND tỉnh Đắk Nông ra công văn khẩn

Thứ Sáu, 20/04/2018, 18:07

Liên quan đến vụ việc lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông bắt quả tang cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan dùng dung dịch màu đen (nước và Pin đập dập) để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê đem đi tiêu thụ, ngày 20-4, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định.


Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm Kế hoạch số 138/KH-BCĐ ngày 30-3-2018 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389/ĐP tỉnh Đắk Nông.

Tăng cường sự phối hợp một cách đồng bộ giữa các cơ quan trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT- UBND tỉnh ngày 15-8-2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý sau đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh.

Bà Loan chủ cơ sở sản xuất

Yêu cầu UBND các huyện, thị xã tăn cường công tác tuyên truyền, nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm; vận động người dân tố giác các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng chất cấm, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng.

Yêu cầu Công an tỉnh khẩn trương điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ để xử lý hành vi vi phạm nêu trên theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Như trước đó Báo CAND đã thông tin, từ ngày 15 đến 17-4, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, trú tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp) làm chủ đang dùng dung dịch màu đen (hỗn hợp nước và Pin) để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê. Phòng Cảnh sát Môi trường đã phối hợp với các ngành chức năng lập biên bản, niêm phong tổng cộng 21,265 tấn phế phẩm cà phê đã ngâm, tẩm, nhuộm đen và được đóng bao bì, 40 lít dung dịch, 35kg Pin bị đập dẹp, 192kg lõi, nắp và vỏ Pin.

Lực lượng Công an bắt giữ cơ sở đang sản xuất phế phẩm cà phê tại cơ sở của bà Loan

Khai nhận với cơ quan điều tra, bà Loan cho biết, cơ sở này đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2016 đến nay và có giấy phép đăng ký kinh doanh là đại lý thu mua nông sản. Tuy nhiên, bà Loan chỉ thừa nhận, từ đầu năm 2018 đến khi bị bắt quả tang, cơ sở bà chỉ bán ra thị trường khoảng 3 tấn phế phẩm cà phê (đã được tẩm, nhuộm dung dịch màu đen - PV) tại thị trường tỉnh Bình Phước.

Chiều cùng ngày, trao đổi với Đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, Cơ quan điều tra vẫn đang tích cực đấu tranh, lấy lời khai với những người liên quan đến vụ việc. “Hiện Công an tỉnh chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn nào đối với vợ chồng bà Loan cũng như người làm công. Hiện Công an đang tập trung đấu tranh, làm rõ những vấn đề như bà Loan sản xuất hỗn hợp này để đưa đi tiêu thụ ở những đâu, số lượng bao nhiêu; mục đích sử dụng hỗn hợp này để làm gì?, có sử dụng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm hay không để tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định”, Đại tá Quy thông tin.


Văn Thành
.
.
.