Vỡ hụi tiền tỷ, người cầm cái “không biết ở đâu”

Thứ Sáu, 10/11/2017, 09:38
Có gần 200 người tham gia góp hụi cho bà Trúc với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, đến hạn lĩnh hụi thì người tham gia khốn khổ vì không biết tìm người cầm cái ở đâu.

Đến sáng 9-11, đã có hàng trăm người dân gửi đơn đến Cơ quan điều tra Công an huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk tố cáo việc vợ chồng bà Phan Thị Thanh Trúc (39 tuổi, trú tại tổ dân phố 5, đường Mai Hắc Đế, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) làm chủ phường hụi có dấu hiệu giật hụi. Theo trình báo của bị hại, tổng số tiền bị thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.

Theo nội dung đơn tố cáo của người dân, khoảng 3-4 năm nay, vợ chồng bà Trúc (tên thường gọi là Son) đứng ra làm chủ một số dây hụi với hàng trăm người tham gia. Thời gian đầu, việc lĩnh hụi và góp hụi diễn ra rất thuận lợi, bà Trúc cũng thể hiện là người “uy tín” và lấy được lòng tin của người dân. Cứ đến thời hạn thỏa thuận, người tham gia được người cầm cái trả tiền một cách sòng phẳng, không thiếu đồng nào. Với những người chơi không có uy tín thì bà Trúc không cho tham gia vào nhóm hụi của mình.

Nhiều người dân viết đơn tố cáo lên cơ quan chức năng.

Nghĩ bà Trúc là người làm ăn đàng hoàng, số lượng người dân chủ yếu là các tiểu thương chợ Buôn Trấp tham gia nhóm hụi của bà Trúc ngày càng nhiều hơn. Những người tham gia đều góp tiền đầy đủ cho người cầm cái theo những quy định của nhóm. Tuy nhiên, thời gian gần đây bà Trúc tìm mọi cách né tránh, kéo dài, thậm chí không trả hụi cho người tham gia dù đã đến hạn.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Kim Loan (47 tuổi, trú tại tổ dân phố 5, thị trấn Buôn Trấp) cho biết, bà cũng như bao người khác tham gia nhóm hụi do bà Trúc làm chủ với mong muốn có một khoản tiền để dành nhằm giải quyết nhu cầu sửa nhà cửa, cho con đi học hoặc giải quyết công việc gia đình... Thậm chí, nhiều người tham gia góp hụi vì muốn có tiền để mua hàng hóa dịp Tết để buôn bán.

“Tùy vào hoàn cảnh, người tham gia có thể lựa chọn phương án góp tiền theo ngày (mức thấp nhất là 100.000 đồng/ngày) hoặc theo kỳ (tức 30 ngày đóng 1 lần). Mỗi lần đóng tiền, người tham gia được bà Trúc viết và đánh dấu vào sổ của từng người. Theo thỏa thuận, cứ góp tiền đủ 12 tháng thì người tham gia có quyền yêu cầu người cầm cái cho lấy hụi. Cá nhân tôi cũng đã đóng tổng cộng 250 triệu đồng cho bà Trúc. Với vai trò cầm cái, bà Trúc không phải bỏ bất kỳ đồng vốn nào nhưng vẫn được hưởng hoa hồng của những người tham gia”, bà Loan cho hay.

Cũng theo bà Loan, tính đến thời điểm xảy ra sự việc đã có gần 200 người tham gia góp hụi cho bà Trúc với tổng số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong đó, có người đã đóng cho bà Trúc lên đến 500-600 triệu đồng, người ít nhất là 15-20 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài nhu cầu cần vốn làm ăn, sửa chữa nhà cửa…thì có không ít người dân trên địa bàn huyện tham gia góp hụi cho bà Trúc để có tiền đi chữa bệnh. Thế nhưng, đến hạn lĩnh hụi thì người tham gia khốn khổ vì không biết tìm người cầm cái ở đâu.

Điển hình như trường hợp bà Đặng Thị Thu Hương (47 tuổi, trú tại thị trấn Buôn Trấp). Vào cuối năm 2016, bà phát hiện mình bị ung thư vú nhưng không có đủ số tiền lớn đi điều trị. Đáng nói, cũng thời gian này, mẹ của bà cũng bị bệnh tai biến, nằm liệt một chỗ. Không biết nhờ cậy vào ai, bà đã cố gắng làm lụng, dành dụm tiền để góp hụi với số tiền 150.000 đồng/ngày và nói rất rõ với bà Trúc là chơi hụi để chữa bệnh.

“Sau hơn một năm, tôi gom góp tổng cộng được số tiền gần 54 triệu đồng, đến ngày 4-11 vừa qua, tôi có nói với bà Trúc cho lấy hụi để đi chữa bệnh nhưng bà ấy chỉ hứa hẹn nhiều lần rồi không chịu trả. Sau nhiều lần không lấy được tiền, ngày 9-11, tôi có gọi điện hỏi thì số điện thoại của bà Trúc không liên lạc được”, bà Hương buồn bã nói.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Công an huyện Krông Ana cho biết, suốt hai ngày qua, hàng trăm người dân đã gửi đơn trình báo, đề nghị điều tra, làm rõ hành vi của phường hụi do bà Phan Thị Thanh Trúc làm chủ. Hiện Công an huyện tiếp nhận đơn thư của các bị hại, thu thập tài liệu, chứng cứ để xác minh, làm rõ vụ việc.

Vợ chồng bà Trúc làm nghề kinh doanh, buôn bán gạo tại chợ thị trấn Buôn Trấp và đứng ra làm chủ 4 đường dây hụi khá lớn trên địa bàn huyện trong nhiều năm qua. Tính đến sáng 9-11, đã có 130 hộ dân gửi đơn trình báo đến cơ quan chức năng với tổng số tiền hơn 7 tỷ đồng. Hiện vụ việc đang được Công an huyện Krông Ana điều tra, làm rõ.

Văn Thành
.
.
.