Ngày thứ 6 xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm:

Một số cấp dưới của Hà Văn Thắm được đề nghị giảm án

Thứ Năm, 26/04/2018, 16:53
Ngày 26-4, Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục điều hành phiên toà xét xử phúc thẩm bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) và đồng phạm.

Ngày xét xử thứ 6, Hội đồng xét xử kết thúc phần thẩm vấn. Đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố đã trình bày quan điểm về vụ án này. Trình bày tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc Oceanbank kháng cáo kêu oan về hai tội: tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Đại diện Viện kiểm sát xác định, trong vụ án xảy ra tại Oceanbank, bị cáo Sơn đã chiếm đoạt của Công ty cổ phần BSC Việt Nam (công ty sân sau của Hà Văn Thắm) số tiền 69 tỷ đồng; chiếm đoạt của Oceanbank 197 tỷ đồng. Tổng số tiền bị cáo Sơn chiếm đoạt là 246 tỷ đồng. Vì thế, bản án của Toà án cấp sơ thẩm tuyên phạt đối với bị cáo Sơn là đúng pháp luật, không oan sai.

Bị cáo Hà Văn Thắm.

Cũng với quan điểm trên, đại diện Viện kiểm sát xác định, bản án của Toà án cấp sơ thẩm tuyên phạt đối với bị cáo Nguyễn Minh Thu, cựu Tổng Giám đốc Oceanbank và bị cáo Nguyễn Văn Hoàn, cựu Phó Tổng Giám đốc Oceanbank về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản chiếm đoạt 69 tỷ đồng của Công ty cổ phần BSC Việt Nam là có cơ sở.

“Đối với một số bị cáo là cựu Giám đốc các Khối, Ban thuộc Hội sở Oceanbank, cựu Giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank, quá trình điều tra, xét xử ở hai cấp toà sơ thẩm và phúc thẩm, các bị cáo khai báo thành khẩn, giúp cơ quan tố tụng sớm làm rõ được bản chất vụ án. Ngoài ra, các bị cáo cũng bị cấp trên ép phải thực hiện việc chi lãi suất ngoài cho một số đối tượng khách hàng trái quy định của Ngân hàng Nhà nước, bản thân các bị cáo này cũng có nhiều đóng góp cho Oceanbank trong quá trình công tác, vì thế có cơ sở để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của một số bị cáo, nhưng không chấp nhận kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự hoặc thay đổi hình phạt. Quá trình xét xử phúc thẩm, các bị cáo có một số lời khai bổ sung và được xem là tình tiết mới để giảm nhẹ hình phạt”, đại diện Viện kiểm sát nói.

Một số bị cáo được đại diện Viện kiểm sát đề nghị giảm án là: Vũ Thị Thùy Dương, cựu Giám đốc Khối kế toán và giao dịch trong nước. Đỗ Đại Khôi Trang, cựu Giám đốc khối Khách hàng cá nhân. Nguyễn Hoài Nam, cựu Giám đốc khối nguồn vốn. Nguyễn Thị Loan, cựu Giám đốc Phòng giao dịch Trung Yên. Trần Anh Thiết, cựu Giám đốc chi nhánh Hà Nội và Nguyễn Phan Trung Kiên, Giám đốc Phòng giao dịch Trung Yên.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Minh Thu và 17 bị cáo khác (trong đó có Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh và Hứa Thị Phấn, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ) với lý do, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng các quy định của pháp luật xét xử các bị cáo về 4 tội danh: tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là đúng pháp luật, không oan sai.

Bị cáo Nguyễn Minh Thu.

“Viện kiểm sát thấy, trong quá trình xét xử phúc thẩm, các bị cáo không thấy xuất hiện tình tiết mới nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo đối với các bị cáo”, đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh. Về dân sự, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên các quyết định bồi thường như bản án của Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo. Đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.


Nguyễn Hưng
.
.
.