Vì sao Phó Tổng Giám đốc Công ty Công Lý bị bắt?

Thứ Ba, 20/08/2019, 08:07
Ngày 19-8, Công an tỉnh Cà Mau xác nhận, cơ quan ANĐT (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau (thuộc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý, gọi tắt là Công ty Công Lý).


Cơ quan ANĐT cũng khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam 4 tháng đối với ông Tô Công Lý (SN 1984), Phó Tổng Giám đốc Công ty Công Lý, để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 179 Bộ luật Hình sự. Cơ quan điều tra đã khám xét trụ sở của Công ty Công Lý tại số 127A Nguyễn Tất Thành, phường 8, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau cũng như nhà riêng của ông Lý, thu giữ các tài liệu liên quan vụ án.

Ông Tô Công Lý, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công Lý, bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đang gây sự chú ý của dư luận. Trước đó, chủ đầu tư nhà máy xử lý rác đề nghị tỉnh Cà Mau nâng tiền hỗ trợ xử lý rác. Được biết, Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau là nhà máy xử lý rác thải duy nhất của tỉnh Cà Mau được khởi công vào khoảng tháng 4-2010, tại phường Tân Xuyên, TP Cà Mau.

Dự án được hoàn thành vào tháng 5-2012, tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng, công suất 200 tấn/ngày. Hiện tỉnh Cà Mau hỗ trợ cho Công ty Công Lý 350.000 đồng/tấn rác khi xử lý. Trước đó, giải trình các vấn đề về Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau mà đại biểu đặt ra tại kỳ họp lần thứ 9-HĐND tỉnh Cà Mau Khóa IX vào ngày 11-7, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Theo chính sách của N hà nước là ưu đãi đầu tư, Nhà nước hỗ trợ 50% vốn đầu tư, trong đó 40% vốn là do ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh hỗ trợ 10%, 50% còn lại là vốn của nhà đầu tư. Trong số 50% đó, chúng tôi được biết là vốn đi vay ngân hàng rất lớn”.

Ông Tô Công Lý.

Cũng theo ông Hải, nhà máy hoạt động trong một thời gian thì xuống cấp, hư hỏng rất nhanh. Nhà đầu tư đã đề nghị cho dừng hoạt động để duy tu, nâng cấp lần thứ nhất. Lúc đó, theo đề nghị của nhà đầu tư, UBND tỉnh cho ứng từ nguồn tiền hỗ trợ xử lý rác là 20 tỷ đồng.

Nhà máy tiếp tục hoạt động đến cuối năm 2017 và năm 2018, nhà đầu tư nâng cấp, sửa chữa lần thứ 2. Nhà đầu tư tiếp tục xin tỉnh cho ứng 25 tỷ (tỉnh đã thu hồi xong -PV) từ nguồn tiền hỗ trợ xử lý rác. Cũng tại kỳ họp này, ông Hải cho biết hiện nhà máy xử lý rác đang đề nghị nâng tiền hỗ trợ xử lý rác; Nhà nước cho thuê thêm đất để đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, việc hỗ trợ tiền xử lý rác mức nào cho đúng theo quy định phải có tính toán kỹ…

Trước đó, ngày 9-7, UBND TP Cà Mau có văn bản đề nghị Sở KH&CN, Sở Xây dựng phối hợp cùng Công ty Công Lý thực hiện xác nhận tỷ lệ chôn lấp rác thải (dưới 10%) đã được phê duyệt tại Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau. Từ đó, nhằm có cơ sở cho UBND TP Cà Mau thanh quyết toán kinh phí vận chuyển, tiếp nhận, xử lý rác thải cho Công ty Công Lý.

Tuy nhiên, theo văn bản của Sở KH&CN tỉnh Cà Mau, sau khi lắp đặt hệ thống kiểm soát số lượng rác đầu vào, đầu ra của nhà máy, việc truy xuất dữ liệu rác đầu vào được hệ thống truy xuất bất cứ lúc nào. Riêng với việc thu thập số liệu rác đầu ra (tỉ lệ chôn lấp dưới 10%) thì gặp khó khăn, vì hiện Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau không vận hành theo quy trình xử lý rác đã được phê duyệt…

Trong 6 năm hoạt động, Công ty Công Lý cho biết, nhà máy liên tục thua lỗ khoảng 133 tỷ đồng. Tháng 4-2019, Công ty Công Lý có tờ trình gửi UBND tỉnh Cà Mau xin hỗ trợ xử lý tình trạng thai nhi tại nhà máy xử lý rác. Theo công ty trình bày do tình trạng thai nhi bị bỏ theo lượng rác thải hằng ngày tập kết về nhà máy lớn. Tính từ khi đi vào hoạt động đến nay đã phát hiện hơn 300 thai nhi. Nhà máy đã phải thực hiện chôn cất các thai nhi trên trong khuôn viên.

Tuy nhiên, đến nay quỹ đất này không còn chỗ chôn cất, mà hỏa thiêu thì đơn vị không có kinh phí. Trước thực tế này, công ty trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ chi phí chôn cất cho thai nhi, đồng thời kiểm tra, kiểm soát rác từ đầu nguồn để giảm thiểu việc thai nhi theo xe rác vào nhà máy.

Từ yêu cầu của Công ty Công Lý về việc phát hiện nhiều xác thai nhi lẫn trong rác thải, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu cơ quan Công an vào cuộc làm rõ. Tuy nhiên, kết quả xác định chỉ khai quật được 9 hũ sành chứa một số mẫu vật bên trong mà doanh nghiệp cho là họ đã an táng các xác thai nhi. Làm việc với đoàn công tác, Công ty Công Lý cung cấp 83 phiếu chi tiền mua đồ tẩm liệm từ 12-8-2013 đến 25-2-2019, với số tiền trên 16 triệu đồng.

Như vậy, bình quân mỗi lần chôn cất xác thai nhi, doanh nghiệp chỉ tốn gần 193.000 đồng. Đầu tháng 8-2019, Công an tỉnh Cà Mau xác định công nhân Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau phát hiện bào thai lẫn trong rác thu gom về đây là có thật. Tuy nhiên, chưa có căn cứ đánh giá chính xác về số lượng, thời gian xảy ra và nguồn gốc thai nhi.

Đối với 9 hũ sành được khai quật lên trong khuôn viên nhà máy, kết quả giám định của Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) xác định mẫu vật là xương người, tuổi xương ở giai đoạn bào thai. Trong lúc vụ xác thai nhi lẫn trong rác chưa xử lý dứt điểm thì lãnh đạo Công ty Công Lý bị bắt vì liên quan đến nhiều hạng mục của dự án xây dựng Nhà máy xử lý rác thải TP Cà Mau…

Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở KH&ĐT tỉnh Cà Mau cấp (đăng ký thay đổi lần thứ 18 ngày 23-9-2013) thì Công ty Công Lý có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, thành lập từ ngày 10-11-2000. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty Công Lý là xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng.  Cụ thể, Công ty Công Lý chuyên xây dựng dân dụng; xây dựng công trình giao thông, thủy lợi; thi công các công trình nạo vét kênh mương, làm bờ bao phục vụ cho nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, Công ty Công Lý còn đăng ký thêm các ngành kinh doanh bao gồm đầu tư khu du lịch sinh thái, đầu tư kinh doanh điện gió, các sản phẩm nhựa tái chế, xử lý rác thải, chế biến và kinh doanh phân vi sinh. Công ty Công Lý không chỉ là chủ đầu tư Nhà máy điện gió Bạc Liêu (5.200 tỷ đồng, đã đưa vào hoạt động) mà còn có Điện gió Khai Long ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) với vốn đầu tư 5.519 tỷ đồng và nhiều dự án điện gió khác ở tỉnh Sóc Trăng…

Đ.Văn – T.Lý
.
.
.