Từ phản ánh của Báo CAND, khởi tố vụ án phá rừng ở Langbiang

Thứ Sáu, 26/06/2020, 14:59
Qua kiểm tra hiện trường, ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng và UBND huyện Lạc Dương đều khẳng định: “Nội dung phản ánh của báo CAND là hoàn toàn chính xác”.

Ngày 26/6, ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm xác nhận, đã khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang Công an huyện Lạc Dương để điều tra, làm rõ vụ phá rừng phòng hộ xung yếu, lấn chiếm đất rừng tại dãy núi Langbiang mà Báo CAND đã có loạt bài phản ánh.

Rừng ở núi Langbiang bị phá, lấn chiếm đất

Trước đó, ngày 28/5, Báo CAND đăng bài “Cơn bão phá rừng càn quét dãy Langbiang”, phản ánh tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng nghiêm trọng xảy ra tại dãy núi Langbiang. Ngay khi báo đăng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, UBND huyện Lạc Dương, Sở NN&PTNT xác minh, làm rõ nội dung bài báo.

Qua kiểm tra hiện trường, ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng và UBND huyện Lạc Dương đều khẳng định: “Nội dung phản ánh của báo CAND là hoàn toàn chính xác”.

Thông cổ thủ ở núi Langbiang bị cưa hạ

Theo UBND huyện Lạc Dương, vụ phá rừng xảy ra tại lô a2 và lô a3, khoảnh 14, tiểu khu 112B, thị trấn Lạc Dương, lâm phần do Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý. Tổng diện tích rừng bị phá là 6.436 m2. Tổng số cây bị tác động cắt hạ và ken gốc là 129 cây thông 3 lá, nhóm IV. Tổng khối lượng và trữ lượng lâm sản thiệt hại còn lại tại hiện trường 45,804 m3.

Vị trí vi phạm trên thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp, đối tượng là rừng phòng hộ. Theo xác định của Đoàn kiểm tra, rừng thông bị cắt hạ, ken gốc xảy ra từ năm 2016 đến nay.

Đây là vụ phá rừng phòng hộ rất nghiêm trọng

Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất tại dãy núi Langbiang để chuyển nhượng hoặc sản xuất nông nghiệp đã xảy ra từ nhiều năm qua. Không ít vị trí rừng thông đã bị lâm tặc cưa trắng, gỗ thông vẫn còn nằm ngổn ngang trên mặt đất, lá mới chuyển sang màu vàng.

Tại những vị trí rừng này đã xuất hiện dây kẽm gai, giăng theo hướng lên đỉnh núi Langbiang như để phân chia ranh giới, nhằm “xí phần” đất rừng của các đối tượng.

 

Khắc Lịch
.
.
.