Triệt xóa ổ nhóm tín dụng đen

Thứ Bảy, 23/03/2019, 06:59
Qua công tác điều tra cơ bản, Công an TX Thái Hòa (Nghệ An) xác định, trên địa bàn có hơn 40 tiệm cầm đồ và công ty tài chính đang hoạt động với nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật.


Hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, cơ sở cầm đồ có lãi suất thỏa thuận vượt nhiều lần quy định lãi suất tối đa trong các giao dịch dân sự, có dấu hiệu của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Xuất phát từ tình hình đó, chuyên án được xác lập để đấu tranh.

Quá trình đấu tranh, Ban chuyên án nhận định, các đối tượng đều có trình độ nhận thức, quan hệ xã hội phức tạp, trực tiếp quản lý, sử dụng phần mềm quản lý hợp đồng vay lãi, quản lý cầm đồ, lưu trữ số liệu trên bảng excel hoặc có sổ sách ghi chép. Mặt khác, nhân viên đi thu họ, thu gốc, thu lãi hàng ngày là các đối tượng có tiền án, tiền sự, xăm trổ.

Các đối tượng  Đoàn Hỷ - Nguyễn Văn Đàn -  Đặng Anh Dũng.

Tại cơ sở thường xuyên tụ tập nhiều đối tượng cộm cán để phô trương thanh thế, luôn tìm cách mở rộng mối quan hệ với những người có uy tín, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật của chúng.

Sau khi chuyên án được xác lập, Ban chuyên án đã tập trung lực lượng xây dựng kế hoạch điều tra, xác minh; đồng thời, tổ chức trinh sát theo dõi, nắm bắt diễn biến hoạt động của các đối tượng, cách thức cho vay, các tài sản đang ở trong cơ sở công ty tài chính, tiệm cầm đồ nghi là tài sản cầm cố, mức lãi suất hàng tuần… từ đó dựng lên chân dung các đối tượng nghi vấn.

Đến 15h ngày 13-3, nhận thấy thời cơ chín muồi, Ban chuyên án quyết định phá án, tiến hành bắt giữ 3 đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, gồm: Đặng Anh Dũng (SN 1989), trú tại khối Tân Phú; Đoàn Hỷ (SN 1993), trú tại khối Đồng Tiến, cùng phường Hòa Hiếu và Nguyễn Văn Đàn (SN 1987), trú tại xóm 9, xã Nghĩa Tiến.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Bước đầu, Công an thị xã đã chứng minh, làm rõ số tiền các đối tượng sử dụng để cho vay là gần 3 tỉ đồng, số tiền thu lợi bất chính gần 300 triệu đồng (tức 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương lãi suất 109,5%/năm, trong khi lãi suất cho phép tối đa trong giao dịch dân sự không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay).

Được biết, các đối tượng hoạt động cầm đồ nhưng thực chất là cho những người có nhu cầu vay tiền với lãi suất cao. Mặc dù các đối tượng thực hiện các giao dịch riêng biệt nhưng giữa chúng có sự cấu kết chặt chẽ với những thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với lực lượng Công an.

“Bị hại và các đối tượng cho vay nặng lãi có những thỏa thuận thống nhất ban đầu nhất định và sợ bị đe dọa nên việc bị hại hợp tác với cơ quan chức năng còn hạn chế. Bên cạnh đó, điều luật về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự còn mơ hồ và chưa đủ sức răn đe nên trong quá trình đấu tranh và xử lý gặp không ít khó khăn” -  Thiếu tá Phạm Thành Long, Phó trưởng Công an thị xã Thái Hòa cho biết.

Trong thời gian tới, Công an Nghệ An sẽ tiếp tục đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi với vấn nạn tín dụng đen nhằm lập lại ANTT trên địa bàn. Đồng thời, cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần nhận thức được tác hại của tín dụng đen, qua đó tự phòng ngừa, phát hiện, tố giác các hành vi cho vay trái quy định pháp luật.

Quỳnh Trang - Mạnh Cường
.
.
.