Thực hiện chuỗi hành vi nhưng tách ra xử lý riêng nên bị hủy án

Thứ Năm, 11/10/2018, 08:49
Do muốn có tiền trả nợ, Trần Nguyễn Như Thuỳ và Trần Ngọc Thuỷ đã liên hệ với Lê Văn Ngọc làm giả hồ sơ Quyền sử dụng nhà ở để cả hai mang đi thế chấp vay tiền.

Ngày 10-10, TAND TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị của VKS, tuyên huỷ bản án TAND quận 5 xét xử bị cáo Trần Nguyễn Như Thuỳ (49 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) cùng 3 đồng phạm về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”; giao hồ sơ cho VKS để chuyển điều tra lại từ đầu.

Theo bản án sơ thẩm, do muốn có tiền trả nợ, Trần Nguyễn Như Thuỳ và Trần Ngọc Thuỷ đã liên hệ với Lê Văn Ngọc làm giả hồ sơ Quyền sử dụng nhà ở gắn liền với tài sản khác mang tên Thuỳ và Thuỷ với giá 3 triệu đồng/ hồ sơ để cả hai mang đi thế chấp vay tiền. 

Sau khi nhận lời làm giả giấy tờ, Ngọc giao cho Nguyễn Văn Phúc đi làm. Tổng cộng, Thuỳ đã nhờ Ngọc làm giả 13 bộ hồ sơ nhà đất, Thuỷ 1 bộ hồ sơ. Sau khi có hồ sơ giả, Thuỳ đã sử dụng 10 bộ hồ sơ giả mang đi thế chấp vay tiền của nhiều người. 

Đến ngày 16-8-2017, Thuỳ và Thuỷ mang hai bộ hồ sơ nhà đất giả đến thế chấp cho anh Nguyễn Thành Tâm, Thuỳ vay 200 triệu đồng, Thuỷ vay 50 triệu đồng với lãi suất 5%/ tháng thì bị Công an quận 5 bắt quả tang.

Các bị cáo trong giờ nghị án.

Quá trình điều tra, xác định có 10 bị hại đã bị Thuỳ sử dụng giấy tờ giả để vay tiền như đã nói trên. Với hành vi trên, VKS quận 5 đã ra cáo trạng truy tố Thuỳ, Thuỷ, Phúc và Ngọc về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. 

Về hành vi sử dụng giấy tờ giả để mang đi thế chấp vay tiền của bị cáo Thuỳ và Thuỷ, VKS và TAND quận 5 cùng nhận định, trong vụ án này dù Thuỳ và Thuỷ có hành vi gian dối dùng giấy tờ giả thế chấp để vay tiền nhưng các hợp đồng cầm cố, thế chấp thể hiện các bị cáo đảm bảo trả lãi đúng hạn, các hợp đồng chưa hết hạn. 

Do vậy, chưa chứng minh được ý thức chiếm đoạt tiền của các bị cáo nên chưa đủ cơ sở để xử lý các bị cáo về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mặt khác, hành vi của các bị cáo dùng giấy tờ giả thế chấp cho nhiều người để chiếm đoạt đến 1,8 tỷ đồng nên CQĐT Công an quận 5 quyết định tách vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để tiếp tục củng cố chứng cứ, sau đó chuyển hồ sơ vụ án lên Công an TP để điều tra theo thẩm quyền.

Xét xử sơ thẩm, TAND quận 5 đã tuyên phạt bị cáo Thuỳ mức án 3 năm tù, 3 bị cáo còn lại cũng bị tuyên từ 10 tháng đến 30 tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Sau khi xét xử sơ thẩm, những người liên quan kháng cáo. Đồng thời, VKSND TP Hồ Chí Minh cũng có quyết định kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo VKS, trong vụ án này bị cáo Thuỳ và các đồng phạm thực hiện một chuỗi hành vi nhưng cấp sơ thẩm lại tách từng hành vi ra để điều tra riêng là vi phạm tố tụng. 

Cụ thể, bị cáo Thùy và Thủy đã có ý định làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất và tài sản gắn liền với đất để những người cho vay tin tưởng mà cho bị cáo vay tiền. Riêng bị cáo Thùy còn thể hiện quyết tâm thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền bằng thủ đoạn làm giả thêm các giấy tờ khác để người cho vay hoàn toàn tin tưởng khi đối chứng, kiểm tra. 

Trên thực tế, các bị cáo phải có đầy đủ các giấy tờ này mới vay được tiền, trong vụ án này bị cáo Thùy đã làm giả 12 giấy chứng nhận cho cùng một căn nhà để người cho vay tin tưởng cho vay tiền, tổng số tiền thu được là 1,8 tỷ đồng. 

Do vậy, đây là một chuỗi hành vi có mối quan hệ mật thiết với nhau nên việc cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã tách hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều tra sau là không đảm bảo tính liên quan, khách quan trong vụ án, là không thuộc thẩm quyền. Theo đó, vụ án thuộc thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử cấp thành phố nên việc tòa án quận 5 xét xử sơ thẩm là vi phạm thủ tục tố tụng.

Mặt khác, bị cáo Ngọc đã tìm người làm giả các giấy tờ cho bị cáo Thùy và Thủy, đồng thời đi cùng hai bị cáo này đến vay tiền, sau khi vay được tiền thì Thùy cho bị cáo Ngọc số tiền từ 1 triệu đến 5 triệu đồng. Như vậy, bị cáo Ngọc biết hành vi làm giả giấy tờ của Thùy và Thủy, có cùng đi với các bị cáo để chiếm đoạt tiền hay không cũng chưa được điều tra làm rõ...

Đồng quan điểm với VKS, sau khi xét xử, HĐXX cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị của VKS, chấp nhận kháng cáo của người có quyền và nghĩa vụ liên quan. 

Ngoài ra, theo HĐXX, trong vụ án này cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội làm giả con dấu tài liệu nhưng lại giải quyết phần dân sự là không đúng. Từ đó, HĐXX đã tuyên hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho VKS để chuyển điều tra, truy tố xét xử lại.

A.Huy
.
.
.