Tái diễn trò gọi điện dọa để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thứ Hai, 13/08/2018, 07:27
Ngày 8-8, nhớ lại việc mình bị các đối tượng lừa đảo hơn 2 tỷ đồng cách nay hơn tuần, bà N.T.T.M (ngụ quận 2) đau đớn, cho biết, khoảng 9h sáng hôm đó, bà nhận được cú điện thoại của một người lạ báo bà có bưu kiện gửi từ nước ngoài  về nhưng bà chưa lãnh và đề nghị bấm số điện thoại theo hướng dẫn để được nhân viên hướng dẫn cụ thể...


Sau khi bấm số, bà được “nhân viên” hướng dẫn thông báo có một tài khoản ngân hàng ghi nợ hơn 36 triệu đồng, tại một ngân hàng ở Hà Nội, yêu cầu bà trong vòng 2 giờ đồng hồ, bà liên hệ Công an Hà Nội giải quyết, nếu không tài khoản sẽ bị khóa.

Ngay sau đó, nhân viên này chuyển máy để bà “làm việc” với một người xưng là “Trung úy Trần Quốc Hùng”, công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự. “Trung úy Hùng” yêu cầu bà gọi điện vào số máy của Công an Hà Nội để xác minh, sau đó người này cho bà biết đang nghi ngờ bà có liên quan đến đường dây rửa tiền do đối tượng Nguyễn Thành Phúc cầm đầu. “Trung úy Hùng” còn nói bà đã được hưởng 10% số tiền mà các đối tượng phạm tội có được (hơn 20 tỷ đồng) và Công an TP Hà Nội đã có lệnh bắt cũng như phong tỏa tài khoản của bà...

Tự dưng bị cho là “dính” vào đường dây rửa tiền, qua điện thoại, bà M., không giấu được thái độ hoảng hốt. Khi đó, “Trung úy Hùng” trấn an bằng cách chuyển máy qua một người xưng là “đại tá Tài” để vị “đại tá” này tháo gỡ vụ việc. Bà M., tin theo và được “đại tá Tài” kêu mở 2 tài khoản trị giá 2 tỷ đồng (tương đương với 10% số tiền mà bà M bị cho là được hưởng từ phi vụ rửa tiền) để điều tra, nếu bà M., không liên quan thì số tiền trên được hoàn lại vào tài khoản của bà M.

Thực hiện theo chỉ dẫn này, bà M., lập tức đến ngân hàng mở 2 tài khoản bằng số điện thoại mà các đối tượng cung cấp và chuyển vào đấy 1,9 tỷ đồng. Sau khi làm xong các công đoạn, bà M., ngồi suy ngẫm và nghi ngờ nên đến ngân hàng kiểm tra lại thì phát hiện các đối tượng đã sử dụng dịch vụ monil banking rút của bà hơn 500 triệu. Bà M., yêu cầu nhân viên ngân hàng khóa tài khỏa của mình lại rồi trình báo Công an.

Một cán bộ Công an quận 2 cho biết, chiêu thức của các đối tượng lừa đảo bằng công nghệ cao càng lúc càng tinh vi, trong đó mảnh đất màu mở mà các đối tượng khai thác là các trang mạng xã hội như facebook, zalo, viber, wechat…

Ngoài việc gọi điện hù dọa, các đối tượng còn giả danh người nước ngoài nhắn tin làm quen, giao lưu kết bạn sau đó các đối tượng đánh vào lòng tham của những người hoạt động trong mạng xã hội bằng cách thông báo gởi những món hàng có giá trị lớn về cho những nạn nhân.

Những nhân viên giao dịch mà nạn nhân tiếp xúc đều được các đối tượng thuê và nạn nhân dễ rơi vào “bẫy lừa” của các đối tượng. Những kiểu lừa đảo qua mạng đã được đăng tải khá nhiều trên các phương tiện truyền thông. Tiếc rằng có thể do chưa từng đọc được thông tin cảnh báo trước phương thức, thủ đoạn của tội phạm nên vẫn có nhiều người bị mất tài sản một cách vô lý.

M.Đức
.
.
.