Diễn biến phiên xử vụ thất thoát 800 tỷ đồng tại PVN:

Ông Thăng: “Mua lại Oceanbank với giá 0 đồng là không đúng pháp luật”

Thứ Tư, 21/03/2018, 17:12
Chiều 21-3, phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐQT/HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp tục diễn ra với những câu hỏi của các luật sư bào chữa. Ông Đinh La Thăng trả lời HĐXX liên quan đến việc ông bị cáo buộc cố ý làm trái quy định trong vụ PVN thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Oceanbank. 


Ông Thăng cho rằng, việc PVN mất vốn là thuộc trách nhiệm của người ký văn bản không cho thoái vốn. Ông Thăng trình bày, lộ trình thoái vốn của PVN tại Oceanbank đã được xây dựng từ năm 2012 đến đầu năm 2013 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cho phép lộ trình thoái vốn từ 2013 đến 2015.

Theo ông Thăng, các văn bản trên cho thấy, việc thoái vốn đã có chỉ đạo từ tháng 3-2011. Nhưng sau đó, Chính phủ không đồng ý thoái vốn thì trách nhiệm thuộc người ký văn bản không cho phép thoái vốn của PVN. Bởi vậy, việc mất vốn này không thuộc trách nhiệm PVN. 

“Oceanbank đã trình kế hoạch của đơn vị xin mua với giá tối thiểu là bằng giá nhưng lại không được thoái vốn. Điều này xuất phát từ việc Ngân hàng Nhà nước đề nghị giữ lại, sau đó Phó Thủ tướng yêu cầu ngừng lại. Nhưng sau đó, Ngân hàng Nhà nước lại ra quyết định mua lại với giá 0 đồng là không đúng pháp luật. Điều này gây thiệt cho cổ đông, trong đó có PVN là 20%”, ông Thăng cho biết.

Theo ông Thăng, việc thoái vốn phải có lộ trình trong hướng dẫn, không phải thích cho thì cho, thích rút thì rút, đảm bảo không ảnh hưởng quyền lợi cổ đông khác. Đến tháng 6-2015, NHNN có thông tư hướng dẫn thoái vốn đối với các đơn vị sở hữu vượt 15% tại các tổ chức tín dụng. 

Trả lời câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài, ông Thăng tiếp tục khẳng định không biết Nghị quyết góp vốn đợt ba góp 100 tỷ đồng ngày 16-5-2011, nâng tổng vốn góp của PVN tại Oceanbank lên 800 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ nắm giữ 20% vốn. 

Ông Thăng cho rằng, mình không ký, không biểu quyết. Khi đi công tác, tôi và ủy quyền điều hành cho anh Nguyễn Xuân Thắng, lúc đó là thành viên Hội đồng thành viên PVN.Khi về, tôi không được anh Thắng báo cáo. Nếu biết, tôi đã cho dừng lại”, ông Thăng nói. 

Tuy nhiên, ông Thăng nhận trách nhiệm là người đứng đầu PVN và trách nhiệm của người ủy quyền cho người được uỷ quyền khi đã ký Nghị quyết chưa phù hợp với pháp luật. “Theo Luật các tổ chức tín dụng 2010, Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn triển khai thực hiện việc thoái vốn. Với lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, việc giảm tỷ lệ sở hữu phải có hướng dẫn. Còn với PVN, việc thoái vốn phải có sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Nếu có chủ trương thoái vốn từ năm 2014 thì không có sự việc xảy ra”, ông Thăng nói.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước có mặt tại phiên tòa chiều nay. Khi được hỏi lý do không cho PVN thoái vốn, đại diện Ngân hàng Nhà nước đề nghị được trả lời sau vì đang chuẩn bị tài liệu. 


Nguyễn Hưng
.
.
.