Diễn biến phiên toà xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm:

Ông Thăng: “Do không được thành lập ngân hàng nên PVN góp vốn vào Oceanbank”

Thứ Hai, 19/03/2018, 16:50
Trước khi thẩm vấn, chủ toạ phiên toà Nguyễn Thị Xuân Thu yêu cầu cách ly ông Đinh La Thăng để các bị cáo từng là cấp dưới của ông Thăng trả lời được khách quan.

Bị cáo Vũ Khánh Trường, cựu thành viên HĐTV PVN được thẩm vấn đầu tiên. Hành vi phạm tội của bị cáo Trường thể hiện qua việc trực tiếp ký nghị quyết góp vốn bổ sung giai đoạn 2 số tiền 300 tỷ đồng và biểu quyết đồng ý để Hội đồng thành viên ban hành nghị quyết góp vốn bổ sung 100 tỷ đồng giai đoạn 3, giúp sức cho các bị cáo khác trong vụ án gây thiệt hại cho PVN số tiền 800 tỷ đồng.

Bị cáo Trường thừa nhận, mình thừa ủy quyền của ông Thăng ký chấp thuận kế hoạch tăng vốn của Oceanbank 2 lần, lần 1 lên 3.500 tỷ đồng và lần 2 lên 5.000 tỷ đồng.

Ông Đinh La Thăng tại tòa.

 Lý giải về việc làm của mình, bị cáo Trường cho rằng, việc PVN đồng ý để Oceanbank tăng vốn với tư cách cổ đông không phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, mà chỉ đến khi PVN chuyển tiền mới phải báo cáo. Cũng theo bị cáo Trường, vào thời điểm biểu quyết đồng ý góp vốn lần 3 vào năm 2011, bị cáo không có thông tin gì về quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Nếu biết đủ thông tin thì bị cáo sẽ không đồng ý tăng vốn.

Theo đó, PVN sẽ chỉ được giữ tối đa 15% vốn của Oceanbank, chứ không phải 20%. HĐXX hỏi “Bị cáo nghĩ gì về việc bị truy tố về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng?”

Bị cáo Trường thừa nhận có vi phạm, nhưng không phải là cố ý vi phạm mà nguyên nhân do bị cáo không biết đầy đủ về quy định của pháp luật. Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, cựu thành viên HĐTV PVN được thẩm vấn tiếp theo. Cũng như bị cáo Trường, bị cáo Thắng khai rằng, mình cũng không biết quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 khi đồng ý góp thêm 100 tỷ đồng vào Oceanbank, duy trì tỷ lệ sở hữu 20% vốn của PVN tại đây.

Bị cáo Trường.

Buổi chiều, HĐXX thẩm vấn ông Đinh La Thăng về hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại cho PVN số tiền 800 tỷ đồng từ việc góp vốn của PVN vào Oceanbank. Ông Thăng thừa nhận, việc ký thỏa thuận hơp tác với Oceanbank, mua cổ phần của ngân hàng này khi ngân hàng này tăng vốn điều lệ.

Ông Thăng cho biết, việc vốn vào ngân hàng là chủ trương chung của PVN từ mấy tháng trước đó, các lãnh đạo PVN đều biết. Sau khi ông Thăng ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank đã báo cáo Hội đồng quản trị bằng văn bản, để Hội đồng quản trị thông qua. Theo thỏa thuận đã ký giữa hai bên thì PVN nắm tối đa 20% của Oceanbank.

 Ông Thăng cho biết, Oceanbank là ngân hàng nhỏ, khả năng thanh khoản thấp nên họ có nhu cầu tăng vốn thì PVN mới có cơ hội góp vốn. Ông Thăng thừa nhận, đã ký nghị quyết về việc góp vốn của PVN vào Oceanbank trước khi xin ý kiến Chính phủ. Ngay khi Hội đồng quản trị PVN thống nhất việc góp vốn vào ngày 3-9-2008, ông Thăng ký 3 văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và đề nghị Ngân hàng Nhà nước ủng hộ.

Chủ tọa phiên toà hỏi “Việc PVN góp vốn đầu tư vào Oceanbank có phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ không?”. Ông Thăng giải thích “Theo quy định thì trước khi PVN đầu tư ra ngoài Tập đoàn của mình, nhất là đầu tư vào tổ chức tài chính thì phải xin ý kiến của Thủ tướng. Tất cả các nghị quyết của PVN do tôi ký đều tuân thủ quy định của pháp luật. Không có quy định phải ký nghị quyết trước hay sau khi xin ý kiến Thủ tướng. Chỉ có quy định khi PVN đầu tư ra ngoài phải được Thủ tướng đồng ý. Thực tế thì sau khi Thủ tướng đồng ý 3 tháng thì Tổng Giám đốc PVN mới chuyển tiền vào Oceanbank”.

Bị cáo Đức .

Chủ tọa hỏi tiếp ông Thăng về việc, Bộ Tài chính từng yêu cầu PVN báo cáo tình hình Oceanbank trước khi góp vốn. Ông Thăng khai, công văn của Bộ Tài chính không trả lời PVN mà báo cáo Thủ tướng sau khi có văn bản hỏi ý kiến của Thủ tướng. Công văn của Bộ Tài chính gửi PVN chỉ “để biết”, chứ không phải để PVN trả lời.

Cũng theo ông Thăng, PVN đánh giá Oceanbank bằng văn bản của bị cáo Nguyễn Ngọc Sự, cựu Phó Tổng Giám đốc PVN. Văn bản này đánh giá Oceanbank là ngân hàng nhỏ nhưng chất lượng trung bình khá nên muốn mở rộng thì phải tăng vốn. Lúc đó, việc góp vốn ngân hàng rất khó do Chính phủ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên PVN không được thành lập ngân hàng.

“Việc báo cáo của anh Sự là đúng, phân tích của Hội đồng quản trị là đúng và hiệu quả của Oceanbank chứng minh chủ trương góp vốn là đúng”, ông Thăng nói.

Nguyễn Hưng
.
.
.