Những “điểm nhấn” trong đại án Ethanol Phú Thọ

Thứ Tư, 17/03/2021, 08:14
Sau một tuần xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ (viết tắt là Dự án Ethanol Phú Thọ), tối 15/3, TAND TP Hà Nội đã kết thúc phiên toà với phán quyết của Hội đồng xét xử dành cho các bị cáo.


Theo dõi diễn biến quá trình xét xử vụ án này, chúng tôi thấy phiên tòa đã làm rõ được những “mắt xích” liên quan đến vụ án. Đây là minh chứng cho thấy, người từng đứng đầu tập đoàn kinh tế lớn của đất nước đã dùng quyền lực của mình để “định hướng”, “chỉ đạo”, thậm chí là gây áp lực cho cấp dưới phải thực hiện những điều không đúng trong việc chọn nhà thầu và chỉ định thầu, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Nhà nước.

Bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm.

Nhà thầu thiếu năng lực - dự án dở dang

Một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều trong phiên toà là năng lực, kinh nghiệm của Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T. Đây là liên danh nhà thầu thiếu năng lực, kinh nghiệm dẫn đến dự án phải dừng thi công, chủ đầu tư thì không đủ tiền thực hiện dự án. 

Chứng minh cho điều này, đại diện Viện Kiểm sát đã viện dẫn Kết luận giám định của Bộ Xây dựng, kết quả chấm sơ tuyển của Công ty cổ phần Thiết kế công nghiệp hóa chất (CECO), công văn báo cáo của PVC và Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) cùng lời khai của nhiều bị cáo tại phiên toà. Tất cả đều cho thấy, Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ điều kiện năng lực thực hiện dự án theo các quy định của pháp luật.

Nhưng với mục đích chỉ định thầu bằng được cho liên danh nhà thầu này, theo chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo Vũ Thanh Hà (cựu Tổng Giám đốc PVB) đã định hướng, chỉ đạo các thành viên không đưa vào hồ sơ yêu cầu tiêu chí đánh giá về năng lực, kinh nghiệm mà CECO đã đánh giá là không đạt của Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T trong giai đoạn sơ tuyển trước đó. Mục đích để chỉ định cho liên danh nhà thầu trúng thầu trái quy định của pháp luật. 

“Việc nhà thầu không hoàn thành được thiết kế theo đúng yêu cầu của Hợp đồng EPC 059 như bị cáo Vũ Thanh Hà trình bày đã thể hiện rõ yếu kém về năng lực của nhà thầu trong việc thiết kế. Điều này dẫn đến phá vỡ cơ chế Hợp đồng EPC 059, kéo dài thời gian hoàn thành dự án”, đại diện Viện Kiểm sát phân tích.

Thiệt hại của vụ án là do cố ý làm trái

Việc xác định hậu quả thiệt hại của vụ án cũng được đề cập nhiều trong quá trình xét xử. Viện kiểm sát xác định, hậu quả từ hành vi làm trái các quy định của các bị cáo trong vụ án đã gây ra thiệt hại cho PVB hơn 543 tỷ đồng (là tiền lãi mà PVB phải trả từ khi dự án dừng thi công). 

Theo đại diện Viện Kiểm sát, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư là PVB đã sử dụng số tiền hơn 1.467 tỷ đồng để đầu tư vào dự án gồm: vay của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank) và Công ty Tài chính dầu khí (PVFC), nay là Ngân hàng PVCombank tổng số tiền là hơn 754 tỷ đồng. 

Từ ngày dự án dừng thi công (27/3/2013) đến ngày 25/7/2014, PVB đã trả lãi vay hơn 125 tỷ đồng. Số tiền lãi PVB còn phải trả cho ngân hàng từ 26/7/2014 đến ngày khởi tố vụ án (11/6/2018) là 417 tỷ đồng.

 Tại phiên tòa, đại diện SeAbank và PVCombank đều khẳng định, không miễn giảm nợ gốc và lãi cho PVB.Do dự án bị chậm tiến độ, không đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh nên chủ đầu tư phải chịu nhiều chi phí tiền lãi phát sinh cho thời gian dừng thi công, bị chậm tiến độ không có doanh thu mà phải sử dụng vốn của PVB để chi trả là thiệt hại thực tế. 

Ngoài ra, dự án bị tạm dừng thi công kéo dài cũng gây ra những thất thoát lãng phí lớn về nguồn lực xã hội như: nhà xưởng, máy móc, thiết bị hao mòn theo thời gian, chi phí bảo quản, bảo dưỡng thiết bị... 

Kết luận giám định của Bộ Tài chính xác định, thiệt hại như trên là có căn cứ pháp luật. Thiệt hại của vụ án là toàn bộ số tiền lãi suất phát sinh mà PVB đã trả, và số nợ còn có nghĩa vụ trả cho ngân hàng từ khi dự án dừng thi công đến ngày khởi tố vụ án là hơn 543 tỷ đồng.

Chỉ định thầu sai gây hậu quả đặc biệt lớn

Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, theo hợp đồng dự án, PVC phải hoàn thành dự án đúng tiến độ và chất lượng, nhưng PVC không thể hoàn thành dự án theo quy định, tự ý dừng thi công, do vậy trách nhiệm chính thuộc về PVC. Ngoài ra, việc liên danh nhà thầu do PVC đứng đầu không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến dự án ngừng thi công. 

Thực tế cho thấy sau khi ký hợp đồng EPC từ ngày 12/8/2009 đến ngày 21/9/2009 thì liên danh nhà thầu đã triển khai thi công. Nhưng do không thể hoàn thành dự án theo đúng tiến độ trong 21 tháng, nên ngày 27/10/2010, PVC ký phụ lục Hợp đồng EPC gia hạn thời hạn hoàn thành việc thi công đến ngày 15/11/2011.

Và dù với thời gian gia hạn trên, PVC cũng không thể hoàn thành dự án theo tiến độ nên đã có báo cáo, tự thừa nhận Liên danh nhà thầu PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện gói thầu TK05, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ và đến ngày 27/3/2013 thì dừng thi công. 

Ngày 24/5/2013, PVC gửi báo cáo tới PVN nói về tổng quan quá trình triển khai dự án, cũng như những khó khăn vướng mắc, đồng thời đề xuất giải pháp thực hiện và kế hoạch triển khai phần còn lại của dự án. 

Tại báo cáo này, PVC đã tự nhận là thiếu về năng lực, kinh nghiệm trong thực hiện dự án và kiến nghị: “Đối với dự án này, PVC hoàn toàn chưa có kinh nghiệm quản lý và kết nối các giao diện về công nghệ. Để có thể tiếp tục triển khai, hoàn thiện nhà máy và đưa nhà máy vào vận hành, PVC đề xuất chủ đầu tư hoặc một đơn vị khác trong Tập đoàn Dầu khí tiếp quản toàn bộ hiện trạng phạm vi công việc mà PVC thực hiện của dự án”. 

Từ ngày 27/3/2013 đến nay, PVC đơn phương dừng thi công dự án, chưa có hạng mục nào được hoàn thành và bàn giao. Hành vi của các bị cáo trong vụ án đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về đầu tư công trình xây dựng, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, làm lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội.

Nguyễn Hưng
.
.
.