Nhiều người mất tiền tỷ vì cho Giám đốc vay nặng lãi

Thứ Hai, 26/02/2018, 16:12
Sau khi thành lập và đứng danh là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Bình, Phạm Phú Thanh (51 tuổi, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng vợ là Nguyễn Thị Tý (49 tuổi, làm nghề nội trợ) đã vay hàng chục tỷ đồng của nhiều người để lấy tiền kinh doanh với mức lãi suất cao gấp 10 lần so với lãi suất ngân hàng. 


Tài sản mà vợ chồng Thanh-Tý dùng để thế chấp cho những người cho vay là nhà, ô tô, xe máy đắt tiền thì đều đã được họ thế chấp trước đó cho các ngân hàng để vay tiền. Kinh doanh thua lỗ không có tiền trả nợ, lại bị các đối tượng xã hội đe doạ đòi tiền, vợ chồng Thanh đã bỏ trốn. Đến lúc đó những người cho vay nặng lãi mới làm đơn gửi cơ quan Công an tố cáo vợ chồng này.

Theo cáo trạng số 79/CT-VKSHN-P3 ngày 17-2-2018 của Viện KSND TP Hà Nội xác định, quá trình kinh doanh, vợ chồng Thanh đã vay lãi hàng chục tỷ đồng của bốn người là: Chu Thị Anh, Nguyễn Xuân Hai, Trần Anh Tú (ở Hà Nội) và Nguyễn Thị Thanh (quê Hà Nam) với mức lãi suất cao gấp 10 lần so với lãi suất ngân hàng ở thời điểm đó. 

Do làm ăn thua lỗ, không không có tiền trả nợ và bị nhiều đối tượng lạ mặt đe doạ, gây sức ép để đòi nợ nên vợ chồng Thanh đã bỏ trốn vào các tỉnh khu vực miền Trung đến gần 5 năm sau mới bị bắt.

Vợ chồng Thanh và Tý.

Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Thanh và Tý.

Quá trình điều tra xác định, sau nhiều lần vay và trả được một phần nợ, đến khi bị bắt, vợ chồng Thanh còn nợ gốc của bốn bị hại trên với số tiền gần 6,3 tỷ đồng. Sau ba tháng kể từ khi bị bắt tạm giam, bị can Tý được thay đổi biện pháp tạm giam sang biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Khi bị bắt, vợ chồng Thanh có đơn tố cáo bốn bị hại trên đã có hành vi cho vay nặng lãi.

Cơ quan điều tra xác định, đối với bốn người có hành vi cho vay nặng lãi với thoả thuận vượt quá 10 lần mức lãi suất tiền gửi cơ bản tại thời điểm vay do Ngân hàng Nhà nước quy định. Việc những người trên cho vợ chồng Thanh vay tiền và thoả thuận trả lãi suất cao như trên là trái quy định của pháp luật. Tuy nhiên chưa đủ căn cứ xác định, bốn người trên lấy việc cho vay nặng lãi là nghề kiếm sống, tiền lãi suất thu được của vợ chồng Thanh là nguồn kiếm sống chính của gia đình họ nên cơ quan điều tra không xem xét giải quyết về hành vi cho vay nặng lãi đối với bốn người trên.

Trong quá trình điều tra vụ án này, Cơ quan điều tra tiếp tục nhận được đơn của 6 trường hợp khác tố cáo vợ chồng Thanh lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt của họ tổng số tiền vay hơn 8 tỷ đồng. Trong đó chị Nguyễn Thị Hải (ở quận Hoàng Mai) tố cáo bị chiếm đoạt 2,5 tỷ đồng; chị Trần Kim Thuỷ (ở quận Hoàng Mai) tố cáo bị chiếm đoạt 2,3 tỷ đồng; chị Lê Thị Phượng (ở thành phố Thái Bình) tố cáo bị chiếm đoạt 1,6 tỷ đồng; anh Lê Thanh Hiền (ở quận Hai Bà Trưng) tố cáo bị chiếm đoạt 650 triệu đồng…

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định, 6 trường hợp nêu trên cho vợ chồng Thanh vay tiền với lãi suất cao là trái quy định của pháp luật. Sau khi vay tiền, vợ chồng Thanh hoặc đã trả được tiền gốc, hoặc đã gán tài sản trừ nợ bằng với số tiền vay gốc, hoặc người cho vay đồng ý cho vợ chồng Thanh khất trả nợ sau thời điểm vụ án này được khởi tố. 

Với quan điểm này, cơ quan điều tra xác định, vợ chồng Thanh không có ý thức chiếm đoạt tiền của những người vay và hành vi ấy không cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra đã có thông báo cho 6 trường hợp trên biết và đề nghị họ khởi kiện theo thủ tục dân sự nếu có yêu cầu.

Từ vụ án này cho thấy, việc Thanh lấy vỏ bọc là Giám đốc công ty tư nhân để cùng vợ vay hàng chục tỷ đồng của các đối tượng xã hội với lãi suất cao, sau đó không có tiền trả và bị đe doạ, gây sức ép hàng ngày nên bỏ trốn sẽ bị pháp luật xử lý bằng một bản án nghiêm khắc trong thời gian tới. 

Nhưng điều đáng nói nữa trong vụ án này là những người cho vay nặng lãi vì hám lợi trước mắt mà mất kiểm soát tình hình của con nợ đã tự đặt mình vào cảnh “tiền mất, tật mang”. 

Rất may cho những người cho vay nặng lãi là quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định, hành vi cho vay với lãi suất cao gấp 10 lần so với quy định lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là vi phạm pháp luật. Nhưng với tính chất nhân đạo khi các cơ quan bảo vệ pháp luật xác định, người cho vay lãi suất cao đang là bị hại trong vụ án này nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ về hành vi cho vay nặng lãi. Đây cũng là bài học để cảnh tỉnh những người thích mạo hiểm kiếm tiền bằng nghề cho vay nặng lãi. 

Nguyễn Hưng
.
.
.