Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình không thừa nhận sai phạm

Thứ Ba, 26/06/2018, 07:50
Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, ông Bình có 5 luật sư tham gia bảo vệ nhưng trong phần thẩm vấn lý lịch, ông Bình cho biết, 1 luật sư vì lý do cá nhân không tham gia phiên toà.


Sáng 25-6 đã diễn ra phiên toà xét xử vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) đối với các ông Đặng Thanh Bình (64 tuổi, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN), Lê Văn Thanh (54 tuổi, nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An; Tổ trưởng giám sát VNCB), Hà Tấn Phước (55 tuổi, nguyên Phó giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Long An; nguyên Tổ trưởng Tổ giám sát Ngân hàng (NH) Đại Tín/ VNCB), Phạm Thế Tuân (62 tuổi, nguyên Tổ phó Tổ giám sát VNCB), Ngô Văn Thanh (41 tuổi, nguyên tổ viên Tổ giám sát NH Đại Tín/ VNCB).

Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, ông Bình có 5 luật sư tham gia bảo vệ nhưng trong phần thẩm vấn lý lịch, ông Bình cho biết, 1 luật sư vì lý do cá nhân không tham gia phiên toà.

Trong phần xét hỏi, trả lời HĐXX, ông Bình cho rằng nội dung cáo trạng phần truy tố bị cáo không đúng. Trong giai đoạn tái cơ cấu các NH yếu kém, bị cáo được phân công phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát NHNN, Vụ Pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 NH yếu kém, giúp Thống đốc chỉ đạo công tác thanh tra giám sát trong đó có hoạt động tái cơ cấu, đồng thời tham gia Ban chỉ đạo tái cơ cấu NH Đại Tín.

Bị cáo Đặng Thanh Bình tại toà.

Liên quan đến Quyết định 12 về việc thành lập và hoạt động Tổ giám sát NH Đại Tín, ông Bình thừa nhận quyết định này do ông ký và ghi rõ về cách thức báo cáo. Ông Bình cho rằng, trong suốt quá trình triển khai giám sát VNCB, ông nhận rất nhiều báo cáo về các sai phạm của VNCB và đã chỉ đạo rất cụ thể hướng xử lý sai phạm.

HĐXX hỏi ông Bình, vào thời điểm trên có khi nào nghe nhóm cổ đông mới Phạm Công Danh đã chuyển 84,92% cho NH Đại Tín hay không? Theo ông Bình, trên đề án được trình NHNN đã nhận được báo cáo là hai nhóm đã có thoả thuận nhưng chưa chuyển giao. Do hết giờ làm việc nên phần thẩm vấn ông Bình sẽ tiếp tục vào 26-6.

Trước đó, trong phần xét hỏi, các bị cáo Lê Văn Thanh, Hà Tấn Phước, Phạm Thế Tuân, Ngô Văn Thanh đều thừa nhận quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, các bị cáo có thiếu sót dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như cáo trạng nêu.

Cụ thể, từ ngày 14-2-2012 đến 15-10-2013, trong thời gian bị cáo Hà Tấn Phước làm Tổ trưởng Tổ giám sát, Phạm Công Danh đã rút 9.461 tỷ đồng của NH ở 7 giao dịch. Quá trình điều tra, đánh giá tài liệu chứng cứ cho thấy, khoản tiền 1.854 tỷ đồng Tổ giám sát đồng ý cho gửi thị trường khác (liên ngân hàng) tại Sacombank nhưng không giám sát và yêu cầu thu hồi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác theo đúng quy định, để Phạm Công Danh lợi dụng hợp đồng tiền gửi này làm tài sản đảm bảo cho các công ty của chính ông Danh vay tiền, gây thiệt hại 1.835 tỷ đồng.

Đối với 4 giao dịch còn lại, VNCB không xin ý kiến hoặc xin ý kiến nhưng Tổ giám sát không đồng ý, khoản tiền này sau đó được Phạm Công Danh sử dụng vào mục đích cá nhân không thu hồi được. Như vậy, với vai trò Tổ trưởng Tổ giám sát, cáo trạng xác định ông Hà Tấn Phước đã có hành vi thiếu trách nhiệm liên đới gây hậu quả thiệt hại 3.454 tỷ đồng bị Danh và đồng phạm rút ra khỏi VNCB sử dụng không thu hồi được.

Tiếp nối người tiền nhiệm, trong thời gian Lê Văn Thanh làm Tổ trưởng Tổ giám sát VNCB, từ ngày 15-10-2013 đến tháng 3-2014, Phạm Công Danh đã rút 9.226 tỷ đồng của VNCB ở 5 giao dịch. Kết quả điều tra cho thấy, đối với các khoản tiền 1.706 tỷ đồng và 3.070 tỷ đồng VNCB đưa sang gửi thị trường tại 2 NH, Tổ giám sát đồng ý nhưng không giám sát và yêu cầu thu hồi tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác theo đúng quy định.

Từ đó, tạo điều kiện cho Phạm Công Danh sử dụng hai khoản tiền trên làm tài sản đảm bảo cho các công ty của Danh vay tiền tại hai ngân hàng này, gây thiệt hại 4.290 tỷ đồng. Đối với 3 giao dịch còn lại, VNCB không xin ý kiến hoặc xin ý kiến nhưng Tổ giám sát không đồng ý, khoản tiền này sau đó được Phạm Công Danh sử dụng vào mục đích cá nhân không thu hồi được. Tổng cộng, cáo trạng quy kết Lê Văn Thanh đã có hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại cho VNCB 6.591 tỷ đồng.

Đối với ông Phạm Thế Tuân, nguyên Tổ phó Tổ giám sát NH Đại Tín/VNCB, người được giao nhiệm vụ giúp Tổ trưởng theo dõi, giám sát các giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên, cáo trạng cho biết ông Tuân có trách nhiệm liên quan đến giám sát đối với 6 giao dịch mà Phạm Công Danh đã rút tiền của VNCB. Trong cả 6 giao dịch, ông Tuân không có ý kiến trên các tờ trình của VNCB. Vì vậy, ông Tuân có trách nhiệm đối với hậu quả trong việc để Phạm Công Danh rút khoản tiền 1.854 tỷ đồng.

Đối với ông Ngô Văn Thanh, người được giao nhiệm vụ xuyên suốt giúp Tổ trưởng theo dõi, giám sát các giao dịch từ 5 tỷ đồng trở lên, cáo trạng xác định ông Thanh có liên quan trong việc Phạm Công Danh rút số tiền của 12 giao dịch, trong đó có khoản vay 600 tỷ đồng đã được tất toán, chuyển nợ có tài sản đảm bảo và khoản 5.190 tỷ đồng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích là giao dịch chuyển khoản, không có dòng tiền ra khỏi ngân hàng nên không xem xét trách nhiệm của Tổ giám sát. Còn lại, ông Thanh phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả trong việc Phạm Công Danh gây thiệt hại tổng cộng 10.046 tỷ đồng.

A.Huy
.
.
.