Người nước ngoài vào Việt Nam móc nối lừa đảo qua điện thoại

Thứ Bảy, 06/01/2018, 10:05
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa triệt xóa một đường dây lừa đảo xuyên quốc gia, bắt giữ nhóm 9 đối tượng, trong đó có 4 đối tượng mang quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc)…


Qua công tác theo dõi, trinh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế phát hiện, thời gian gần đây trên địa bàn xuất hiện nhóm đối tượng người Việt Nam và Đài Loan thường xuyên đến các trụ sở ngân hàng đóng tại địa bàn TP Huế để mở tài khoản (TK) giao dịch. 

Phối hợp kiểm tra với các ngân hàng, cơ quan Công an phát hiện, tuy cùng một tên, số CMND và địa chỉ, nhưng các đối tượng mở cùng lúc từ 7-8 TK ngân hàng khác nhau. 

Đặc biệt những TK này đều có đăng ký dịch vụ SMS banking (báo tin nhắn qua ĐTDĐ). Nghi ngờ đây là nhóm đối tượng có hành vi lừa đảo nên Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế lên kế hoạch theo dõi.

Đúng như dự đoán, chiều 27-12-2017, đối tượng Trần Văn (30 tuổi, trú xã Kỳ Hà, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cùng với Lin Hung Yu (40 tuổi, quốc tịch Đài Loan) đến chi nhánh một ngân hàng ở đường Hùng Vương, TP Huế làm thủ tục để rút hết số tiền rút số tiền 355,7 triệu đồng từ tin nhắn chuyển qua điện thoại của Lin Hung Yu. Khi 2 đối tượng ôm túi xách đựng tiền ra trước cổng ngân hàng thì lập tức bị các trinh sát ập đến bắt giữ.

Lần theo dấu vết, trinh sát đã bắt giữ thêm 3 đối tượng mang quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc), gồm: Tu Tsan Chang (20 tuổi), Chen Ching Fen (23 tuổi), Ko Chih Chiang (26 tuổi) và 4 đối tượng người Việt Nam gồm: Phạm Văn Sửu (trú huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh); Nguyễn Đăng Thăng, Đỗ Văn Dũng (cùng trú xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, Bắc Ninh) và Nguyễn Trung Thông (trú xã Thụy An, huyện Ba Vì, Hà Nội). Đây là những đối tượng nằm trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia do đối tượng Wu Che Wei (quốc tịch Đài Loan) cầm đầu điều hành. 
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế lấy lời khai đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) trong đường dây lừa đảo.

Trung tá Lê Minh Phùng, Đội phó Đội phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm theo tuyến địa bàn, thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, qua điều tra xác định, từ tháng 10-2017 đến tháng 12-2017, 4 đối tượng Lin Hung Yu, Tu Tsan Chang, Chen Ching Fen và Ko Chih Chiang lần lượt nhập cảnh vào Việt Nam. Sau đó, nhóm đối tượng này thuê 5 đối tượng gồm: Văn, Sửu, Thăng, Dũng và Thông biết tiếng Đài Loan để phiên dịch và đứng tên mở tài khoản tại các ngân hàng ở Việt Nam. 

Để thực hiện hành vi lừa đảo, cuối tháng 12-2017, băng nhóm này gọi điện thoại bàn đến Công ty S.W. (đóng ở phố Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) do chị Lưu Thị T. (trú phường Thanh Lãm, quận Hà Đông, TP Hà Nội) làm chủ và thông báo Công ty chị T. nợ cước điện thoại hơn 8,9 triệu đồng, nếu thắc mắc yêu cầu nhấn phím “0” gặp tổng đài viên. 

Quá bất ngờ nên chị T. nhấn phím “0” thì gặp một người tên Đạt và chị T. trình bày công ty mình không hề nợ số tiền cước điện thoại kể trên. Lúc này Đạt yêu cầu chị T. cung cấp tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, số CMND và TK của Công ty S.W. để kiểm tra. 

Sau một hồi, Đạt gọi lại thông báo cho chị T. biết rằng chị đã bị các đối tượng tội phạm lừa đảo đánh cắp thông tin và yêu cầu chị T. báo cơ quan Công an. Khi chị T. còn chưa kịp hiểu sự việc gì đang xảy ra thì một người tên Phan Tuấn Anh tiếp tục gọi điện tự xưng là cán bộ Công an và thông báo chị T. có liên quan đến một đường dây lừa đảo, trong đó 2 đối tượng bị bắt giữ khai nhận có chuyển cho chị T. số tiền 6,7 tỷ đồng. Lúc này, đối tượng Anh yêu cầu chị T. phối hợp để điều tra và yêu cầu chị chuyển tất cả số tiền có trong TK sang số TK mà Anh cung cấp để xác minh. 

Lo sợ nên chiều 26-12-2017, chị T. đến ngân hàng rút 3 sổ tiết kiệm tổng cộng hơn 155 triệu đồng và 200 triệu đồng từ ngân hàng rồi chuyển số tiền này vào TK do các đối tượng cung cấp. 

Ngoài trường hợp chị T, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế còn làm rõ, bằng thủ đoạn giả danh Công an gọi điện thoại đe dọa, nhóm đối tượng này đã lừa đảo chị Cao T. H. (trú phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) số tiền 120 triệu đồng. Tuy nhiên khi chưa kịp rút số tiền này thì các đối tượng bị bắt giữ.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng người Đài Loan khai nhận được thuê sang Việt Nam lừa đảo và được trả lương mỗi tháng 30 triệu đồng. Riêng các đối tượng người Việt được chi trả số tiền “hoa hồng” 700.000 đồng/người nếu nhóm lừa đảo được 100 triệu đồng. 

Để thực hiện phi vụ tại Huế, chúng thuê một nhà nghỉ tại đường Chu Văn An, phường Phú Hội, TP Huế ở trong thời gian dài để tiện bề hành động. Tính đến thời điểm bị bắt giữ, băng nhóm này đã có 8 lần thực hiện rút tiền tại TP Đà Nẵng, 2 lần ở TP Hội An và TP Huế, trong đó số tiền rút nhiều nhất là 400 triệu đồng/lần, ít nhất 100 triệu đồng/lần. 

Thượng tá Đinh Xuân Đại, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, băng nhóm lừa đảo xuyên quốc gia kể trên hoạt động với thủ đoạn rất tinh vi. Sau mỗi lần thực hiện phi vụ lừa đảo, rút tiền thì băng nhóm này lại đổi địa bàn hoạt động gây khó khăn đối với công tác điều tra của cơ quan Công an. 

“Mặc dù thủ đoạn gọi điện thoại giả danh cán bộ Công an, hoặc các cơ quan chức năng Nhà nước để lừa đảo không mới nhưng qua vụ việc này, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác. Trước khi gửi tiền, chuyển tiền cho một cá nhân, hoặc tổ chức nào đó cần kiểm tra, xác minh thông tin nhằm tránh bị lừa đảo và cần kịp thời trình báo đến cơ quan Công an khi phát hiện các hành vi lừa đảo qua điện thoại hoặc mạng xã hội...”, Thượng tá Đại khuyến cáo.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế lấy lời khai đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) trong đường dây lừa đảo.
Anh Khoa
.
.
.