Ngăn chặn tận gốc hoạt động “tín dụng đen” ở miền Tây

Thứ Hai, 29/07/2019, 07:44
Công an các tỉnh, thành Tây Nam bộ thường xuyên mở các đợt cao điểm, trấn áp mạnh hoạt động tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”...


Nhiều hộ chấm dứt hợp đồng, chủ động không cho các nhóm đối tượng có dấu hiệu phát tờ rơi, quảng cáo, hoạt động cho vay lãi nặng, thuê nhà lưu trú, góp phần cùng lực lượng Công an ngăn chặn triệt để vi phạm pháp luật phát sinh từ hoạt động này...

Với thủ đoạn “vay dễ, vay nhanh, vay không thế chấp”, các đối tượng phát tờ rơi trên các tuyến đường, khu công nghiệp, các trường học hoặc nhắn tin qua điện thoại… để tiếp cận người dân, cho vay “tín dụng đen”. Bọn chúng hoạt động trá hình bằng cách thành lập công ty tư vấn đầu tư; công ty thương mại, cầm đồ hoặc cho thuê xe máy, ôtô…

Công an tỉnh Tiền Giang kiểm tra, triệt xóa tụ điểm hoạt động cho vay “tín dụng đen”.

Hai năm trước, bà Võ Thị Gái (58 tuổi) - hộ buôn bán nhỏ tại thị trấn Long Hồ (Vĩnh Long), từng là nạn nhân hoạt động cho vay lãi nặng. Suốt thời gian dài, bà Gái sống trong tâm lý lo sợ, bị nhóm cho vay tiền đe doạ, tạt nước sơn vào nhà. Bà Gái kể lại, do cần tiền nên gọi vào số điện thoại trên tờ rơi quảng cáo ngoài chợ, hỏi vay 5 triệu đồng.

Khoảng 30 phút sau, hai thanh niên chạy xe máy đến nhà hướng dẫn bà Gái ký tên vào hợp đồng mua trả góp điện thoại di động. Theo thỏa thuận, mỗi ngày bà Gái góp 200.000 đồng, trong thời gian 30 ngày. Số tiền vay 5 triệu đồng nhưng người phụ nữ này chỉ nhận được 4,1 triệu đồng, trừ tiền “hoa hồng” 500.000 đồng và thu trước hai ngày 400.000 đồng.

Bà Gái góp được 17 ngày thì mất khả năng trả nợ. Nhóm thanh niên này đề nghị bà Gái vay tiếp 5 triệu đồng. Sau khi ký thỏa thuận vay tiền lần 2, bà Gái bị trừ 2,6 triệu đồng cho 13 ngày còn nợ, trừ 500.000 đồng tiền “hoa hồng” và trả góp trước hai ngày nên chỉ còn 1,5 triệu đồng. Những ngày sau, bà Gái không có tiền trả góp nên nhóm thanh niên này đe dọa, đòi nợ.

Bà Gái là một trong nhiều nạn nhân vay tiền của các nhóm cho vay “tín dụng đen” tại các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, Công an các tỉnh, thành mở nhiều đợt cao điểm, trấn áp mạnh mẽ hoạt động tội phạm này, từ xử phạm vi phạm hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự. Sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan Công an, đến nay hoạt động của các nhóm phát tờ rơi, quảng cáo và cho vay “tín dụng đen” co cụm, không còn dám công khai như trước.

Công an tỉnh Đồng Tháp đưa vào diện quản lý hàng chục nhóm đối tượng có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, bảo kê; phối hợp các ngành có liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động, hậu quả, tác hại của loại tội phạm này.

Tại Trà Vinh, trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã và thành phố chủ động rà soát, mời hàng chục đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng lên làm việc, cho làm cam kết không tái phạm.

“Qua điều tra, từ đến đầu năm 2019 đến nay, các đối tượng hoạt động phát tờ rơi, quảng cáo và cho vay “tín dụng đen” đã giảm rất nhiều. Hiện nay, ý thức người dân cũng được nâng cao, không tìm đến vay tiền của những đối tượng phát tờ rơi nên hoạt động cho vay lãi nặng giảm rất nhiều”, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Trà Vinh cho biết.

Ngày 21-6, Công an Tiền Giang đã kiểm tra Văn phòng đại diện Công ty G. Nguyên (phường 5, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang), tạm giữ nhiều tang vật, gồm: 950 bảng quảng cáo, 9.450 tờ rơi “hỗ trợ vay vốn bằng cà vẹt”, 38 giấy chứng minh nhân dân, 26 hồ sơ với nội dụng cho vay, bình xịt hơi cay, gậy 3 khúc, tuýp sắt…

Hai nhân viên là Nguyễn Đăng Dũng (19 tuổi) và Đỗ Phương Mạnh (23 tuổi, ngụ TP Hà Nội) thừa nhận hoạt động cho vay lãi nặng. Cùng về hành vi này, khuya 22-6, Phòng Cảnh sát hình sự kiểm tra căn nhà số 100 Nguyễn Minh Đường (xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho), phát hiện 12 đối tượng đang lưu trú, tạm giữ 583 giấy tờ các loại, 2.531 card quảng cáo, 1.360 tờ rơi với nội dung “hỗ trợ tài chính, không cần thế chấp”, 321 giấy biên nhận tiền. Trương Văn Quang (34 tuổi, ngụ tỉnh Bắc Ninh) và Đào Mạnh Cường (38 tuổi, ngụ TP Hà Nội) khai nhận, vào cuối năm 2017 đã đến thuê nhà tại TP Mỹ Tho, hoạt động cho vay tiền, với lãi suất 20%.

Công an tỉnh Tiền Giang đã mở đợt cao điểm trấn áp loại tội phạm này, phát hiện xử lý hàng loạt trường hợp núp bóng doanh nghiệp hoạt động cho vay, lập hồ sơ xử lý hàng trăm đối tượng.

Để đấu tranh hiệu loại với hoạt động tội phạm này, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng yêu cầu, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nói riêng.

Rà soát các ngành nghề kinh doanh, núp bóng hoạt động “tín dụng đen”; mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp liên quan đến hoạt động động này, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất...

Văn Vĩnh
.
.
.