Mạnh tay xử lý nạn bơm tạp chất vào tôm

Thứ Năm, 18/10/2018, 09:16
Tại Hội nghị sơ kết Đề án “Kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên địa bàn” tỉnh do UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức ngày 16-10 vừa qua, Đại tá Nguyễn Văn Hận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết trước khi thực hiện Đề án, trên địa bàn tỉnh có 361 cơ sở nghi hoạt động liên quan đến tôm chứa tạp chất, thì hiện còn 156 cơ sở nghi vấn.

Cơ quan chức năng đã phát hiện 120 trường hợp vi phạm tôm có chứa tạp chất, với số lượng trên 21 tấn. Trong đó, nguồn tôm từ trong tỉnh có 100 vụ, nguồn tôm từ ngoài tỉnh có 20 vụ. Đã xử phạt vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm với số tiền trên 5 tỷ đồng.

Theo ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai, tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu trên địa bàn thị xã còn diễn biến phức tạp. Các tổ chức, cá nhân lợi dụng địa bàn vùng sâu, đi lại khó khăn, chia nhiều địa điểm nhỏ lẻ chích tạp chất vào tôm, rồi vận chuyển bằng nhiều  phương tiện khác nhau đem đi tiêu thụ.

Nông dân Trần Văn Hải (huyện Giá Rai), bức xúc cho biết nông dân – người nuôi tôm không bao giờ bơm tạp chất vào tôm, chỉ có thương lái, doanh nghiệp thu mua tôm mới làm ăn “dơ” như vậy. “Con tôm khi có tạp chất sẽ cứng đơ, không cong như bình thường, đầu tôm phù lên, đuôi xòe ra”, ông Hải cho biết.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định, hành vi đưa tạp chất vào tôm chủ yếu là vì lợi nhuận. Và cũng do nhiều cán bộ quản lý địa bàn chưa tốt. “Tôi khẳng định là chính quyền cơ sở đều biết về hành vi bơm chích tạp chất trên địa bàn, nhưng vấn đề là các đồng chí có quyết liệt hay không. Ở cơ sở, nếu phát hiện cán bộ xã có biểu hiện bao che, dung túng cho hành vi này đề nghị chuyển địa bàn”, ông Trung kiên quyết.

Công an tỉnh Bạc Liêu bắt quả tang một vụ bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu các địa phương trong tỉnh tiếp tục lập danh sách, quản lý đối tượng có biểu hiện vi phạm; báo, đài địa phương phải vào cuộc bằng nhiều cách trong tuyên truyền ngăn chặn, nói không với hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Về phía cán bộ, Chủ tịch UBND huyện, xã, thị trấn đã có cam kết thì phải đánh giá lại mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Về doanh nghiệp lớn, tỉnh sẽ kiến nghị Trung ương ủy quyền để lực lượng ở tỉnh có thể vào kiểm tra về hành vi bơm chích tạp chất, nếu có biểu hiện vi phạm.

Trước đó, vào cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất”. Theo đó, đến hết năm 2017, có 100% cơ sở nuôi tôm tại địa bàn 4 tỉnh trọng điểm: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ; 100% cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tại địa bàn 4 tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm; không mua tôm tạp chất. Đến hết năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm và trên phạm vi cả nước…

Văn Đức
.
.
.