Lời khai của ba bị cáo vụ bé trai tử vong trong xe đưa đón ở trường Gateway

Thứ Ba, 14/01/2020, 16:06
Ngày 14-1, mở phiên sơ thẩm xét xử vụ bé trai Lê Hoàng L., học sinh lớp 1 trường tiểu học Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh

Trả lời thẩm vấn, Hội đồng xét xử, bị cáo Nguyễn Thị Thuỷ (SN 1990, trú tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo) liên tục rơi nước mắt.

Bị cáo Thuỷ bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360 BLHS năm 2015). Tại toà, bị cáo Thủy khai, làm việc tại trường Gateway từ năm 2015. Đến năm học 2019-2020, bị cáo được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp 1 Tokyo có 17 học sinh, trong đó có cháu Lê Hoàng Long (7 tuổi, nạn nhân vụ án). 

“Đầu năm học, bị cáo có được tập huấn về việc quy định sổ tay giáo viên chủ nhiệm, trong đó có quy định điểm danh. Nhà trường vận hành phần mềm điểm danh, giáo viên sẽ tích vào phần mềm, trong đó có phần đi học, nghỉ học có lý do, không có lý do, đi muộn… Ngày 6-8-2019, lớp có điểm danh và thấy thiếu học sinh Lê Hoàng Long. Theo quy định thì phải điền sĩ số trên bảng. Tuy nhiên, hôm đó bị cáo không điền sĩ số thực trên bảng”, bị cáo Thủy khai. 

Các bị cáo tại phiên tòa.

Thuỷ trình bày tiếp, bị cáo được giao một máy tính xách tay. Hôm xảy ra sự việc, bị cáo có nhờ một cô giáo khác hướng dẫn về việc điền phần mềm, nhưng lúc đó bị cáo chưa làm được. Đến buổi họp phụ huynh, bị cáo là giáo viên chủ nhiệm nhưng cũng không hướng dẫn phụ huynh theo dõi phần mềm này. 

Theo lời khai của Thuỷ, khi bị cáo thấy cháu Long không đến trường thì có nói chuyện với cô giáo Trang về việc, cháu Long nghỉ học không lý do. “Theo quy định, nếu thấy học sinh nghỉ học không phép thì phải liên hệ với phụ huynh nhưng bị cáo không liên hệ với phụ huynh. Bị cáo nghĩ rằng, mới ngày thứ hai đi học nên có thể học sinh xao nhãng nên bị cáo không liên hệ với gia đình”, bị cáo Thủy nói.

Trả lời HĐXX, bị cáo Doãn Quý Phiến (SN 1966, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) làm nghề lái xe khai, bị cáo có ký hợp đồng với Công ty TNHH Ngân Hà về việc lái xe, sáng đón học sinh từ các điểm đến trường và chiều đưa từ trường về các điểm. 

“Khi các cháu lên xe, kể cả cháu Long, bị cáo không biết các cháu ngồi ở vị trí nào. Khi đến trường, bị cáo vẫn ngồi ghế lái, chị Quy (bị cáo Nguyễn Bích Quy-PV) mở cửa cho các cháu xuống, rồi chị Quy đóng cửa xe thì bị cáo đánh xe về bãi. Trong xe có gương chiếu hậu, nhưng bị cáo ít khi nhìn gương hậu. Khi bị cáo lái xe về bãi chốt cửa và đi về khoảng hơn 7 giờ sáng. Quá trình lái xe, bị cáo không để ý việc kéo rèm cửa xe hay không. Buổi chiều khi bị cáo lái xe đi đón học sinh về vào bãi xe có nổ máy khoảng 2 đến 3 phút rồi đến thẳng trường chứ không kiểm tra lại xe”, bị cáo Phiến trình bày.

Theo lời khai của bị cáo Phiến, chiều hôm đó, khi lái xe ra đến Trường tiểu học Gateway thì bị cáo mới biết có cháu Long ở trên xe, sau khi các học sinh khác lên xe và xảy ra tình trạng nhốn nháo. Dù cháu Long nằm ngay sau ghế lái nhưng bị cáo không hề biết và cũng không thấy có mùi hay biểu hiện lạ gì. Lúc đó, bị cáo mới gọi điện cho ông Lê Đoàn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ngân Hà để nói lại sự việc. 

Đến lượt mình trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Bích Quy (SN 1964, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị truy tố tội vô ý làm chết người (Điều 128 BLHS năm 2015) khai, bị cáo là nhân viên giám sát xe số 19 (do bị cáo Doãn Quý Phiến lái) cho Công ty TNHH Ngân Hà và bắt đầu đi làm được hai ngày trước khi xảy ra vụ cháu Long tử vong. Bị cáo được lãnh đạo Công ty TNHH Ngân Hà thuê đi đưa đón học sinh với mức lương 2,8 triệu một tháng. 

Hàng ngày, bị cáo Quy có nhiệm vụ đưa đón 13 học sinh tại các điểm đón. Khi xe đến trường, bị cáo Quy đưa học sinh lên nhà ăn ở tầng 2 rồi xuống tầng 1 ký sổ. Bị cáo cho biết, Trường tiểu học Gateway không tập huấn cho mình công việc đưa đón học sinh. Còn Công ty TNHH Ngân Hà chỉ hướng dẫn sơ qua, không chỉ cách cụ thể phải đưa đón ra sao. 

“Khoảng 6h45’ ngày 6-8-2019, tài xế Phiến chở bị cáo đến nơi cháu Long ở tại Trung Yên Plaza. Chờ khoảng 10 phút, bị cáo thấy cháu Long mặc áo đỏ, đi dép đỏ và được một phụ nữ dẫn xuống, tay cầm chiếc ba lô đỏ quai xanh. Lúc đó, bị cáo thấy cháu Long khỏe mạnh và tự lên xe. Cháu ngồi hàng ghế thứ 4, gần cửa sổ và không buồn ngủ. Sau đó, bị cáo cầm ba lô của cháu đặt cạnh chỗ bé ngồi”, bị cáo Quy khai. 

Theo lời bị váo Quy, khoảng hơn 7h, xe số 19 do tài xế Phiến lái đến cổng Trường tiểu học Gateway. Bị cáo Quy mở cửa xe cho học sinh xuống và thấy, tất cả học sinh đều bình thường, riêng 2 cháu học lớp 1 khóc nên bị cáo phải dỗ để đưa vào trường. Bị cáo Quy cho rằng, lúc đó bị cáo không thấy còn cháu nào xuống nên mới đóng cửa xe và cũng không lên xe để kiểm tra lại. HĐXX hỏi “Bị cáo có thấy cháu Long xuống xe không?”. 

Bị cáo Quy khai, bị cáo không nhớ rõ vì hôm trước cháu Long cũng tự xuống xe và đi vào trường. Sau khi học sinh ăn sáng, bị cáo xuống tầng 1 ghi vào sổ là đủ 13 người. Đến 15h45’ cùng ngày, bị cáo Quy trở lại trường để đón học sinh thì đã có 3/13 đi xe số 19 buổi sáng cháu được gia đình đón, còn lại 10 cháu, nhưng khi đếm bị cáo chỉ thấy có 9 nên đã thông báo cho nhà trường. 

“Hơn 16h, bị cáo dẫn học sinh ra cổng thì thấy tài xế Phiến ra hiệu. Khi mở cửa xe, bị cáo nghe các học sinh hô hoán có người chết nên nhìn vào khoang chở khách và thấy cháu Long nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng nằm sau ghế lái. Hai chiếc dép nằm 2 vị trí, ba lô của cháu nằm hàng ghế thứ 3. Lúc đó, bị cáo hốt hoảng nên không nói được gì. Sau đó, một nam thanh niên lao lên xe bế cháu Long đưa đi cấp cứu”, bị cáo Quy tường trình lại sự việc. 

HĐXX hỏi tiếp “Khi thấy cháu Long có biểu hiện như vậy, bị cáo có thông báo cho nhà trường không?”. Bị cáo Quy trả lời “Do học sinh hỗn loạn nên bị cáo phải trông giữ các cháu, không báo cho nhà trường khi phát hiện cháu Long trên ôtô”. 

Sau khi các bị cáo trả lời thẩm vấn, HĐXX đề nghị đại diện gia đình bị hại có ý kiến. 

Về trách nhiệm dân sự, anh Sơn cho biết, gia đình anh đã thỏa thuận với Trường tiểu học Gateway và bị cáo Nguyễn Thị Thủy (giáo chủ nhiệm của cháu Long) nên không yêu cầu gì bồi thường đối với nhà trường và bị cáo Thuỷ. Anh Sơn đề nghị hai bị cáo Doãn Quý Phiến và Nguyễn Bích Quy bồi thường cho gia đình số tiền 1 tỷ đồng. Theo anh Sơn, sự mất mát của con anh còn nhiều uẩn khúc nên gia đình phải làm rất nhiều việc. Anh Sơn cho rằng, nếu so với chi phí gia đình anh đã bỏ ra thì đây chỉ là mức hạn chế. 

“Chúng tôi đưa ra để các bị cáo thấy rằng đây là một sự việc nghiêm trọng, gây ra hậu quả rất lớn đối với gia đình”, anh Sơn nói. Về hình phạt, anh Sơn cho rằng các bị cáo gây ra cái chết đầy uẩn khúc cho con trai anh, gây nỗi đau tột cùng cho gia đình, nên đề nghị HĐXX xét xử nghiêm minh, rõ ràng, đúng người, đúng tội, tương xứng với hậu quả mà các bị cáo đã gây ra. 

Nguyễn Hưng
.
.
.