Lập hồ sơ thương bệnh binh giả để chiếm đoạt tiền chế độ

Thứ Sáu, 30/10/2015, 08:59
Tính đến ngày “bị lộ”, “thương binh” Vọng đã nhận tổng cộng số tiền hơn 73 triệu đồng, còn “thương binh” Tiến nhận hơn 64 triệu đồng.

Ngày 29/10, Viện KSND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành cáo trạng truy tố các bị can: Nguyễn Hy Vọng (63 tuổi), Nguyễn Mạnh Tiến (63 tuổi), cùng trú xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn và Nguyễn Thanh Mão (63 tuổi, trú phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột) để xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, các ông Vọng, Tiến và Mão trước khi thực hiện hành vi phạm tội đều có thời gian phục vụ trong quân đội.

Trong thời gian phục vụ trong quân đội, vào ngày 12/2/1972, ông Vọng dùng súng AK bắn vào dây cáp buộc cầu, do sơ ý nên đạn trúng vào tay dẫn đến bị thương cụt ngón tay cái bàn tay trái, tỷ lệ thương tích 12%. Còn hai ông Tiến và Mão không bị thương tích gì trong thời gian phục vụ trong quân đội.

Vào đầu tháng 3/2009, ông Vọng nhờ em ruột là Nguyễn Phiên (trú tại đường Lê Thánh Tông, TP Buôn Ma Thuột, là bác sỹ công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk) đưa đến nhà của ông Mão (nguyên là Phó Bệnh xá, Trưởng phụ trách công tác chính trị của Bệnh xá 48 - Tỉnh đội Đắk Lắk) để nhờ hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ xin giải quyết chế độ thương binh. Ông Mão nói không đủ điều kiện để hưởng chế độ thương binh theo quy định Nhà nước.

Ông Vọng đã nhờ ông Mão cố gắng “giúp đỡ”, chi phí hết bao nhiêu Vọng sẽ lo. Ông Mão đồng ý. Sau đó ông Mão điện thoại cho ông Lý Văn Xiểng (trú tại thôn 12, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) nhờ làm hồ sơ cho ông Vọng. Qua trao đổi, ông Xiểng cho biết trường hợp của Vọng chỉ cần bỏ ra 10 triệu đồng để mua giấy chứng nhận bị thương và giấy quyết định phục viên giả là có thể làm được. Ông Vọng đồng ý và đưa trước cho ông Mão 3 triệu đồng để lo chi phí, số tiền còn lại sẽ đưa sau khi nhận được giấy tờ.

Việc này, ông Vọng có kể lại cho ông Nguyễn Mạnh Tiến là bạn của mình biết. Ông Tiến nhờ ông Vọng đưa đến gặp ông Mão để mua giấy chứng nhận bị thương giả nhằm hợp thức hóa hồ sơ xin giải quyết chế độ thương binh. Ông Mão đồng ý giúp mua giấy chứng nhận bị thương giả cho ông Tiến với giá 11 triệu đồng. Ông Tiến đưa trước cho ông Mão số tiền 6 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ thanh toán đủ khi nhận được giấy chứng nhận.

Theo sự hướng dẫn của ông Lý Văn Xiểng, ông Mão chuyển toàn bộ thông tin cho ông Xiểng để ông Xiểng mua giấy chứng nhận bị thương và giấy quyết định phục viên giả.

Khi có đủ giấy chứng nhận bị thương và quyết định phục viên giả, hai ông Vọng và Tiến làm đơn xin giải quyết chế độ thương binh kèm theo hồ sơ gửi UBND xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn nhờ xác nhận. Sau khi được UBND xã xác nhận, cả hai đưa toàn bộ hồ sơ gửi lên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk để xin giải quyết chế độ. Biên bản giám định thương tật ngày 12/8/2010 của Hội đồng giám định y khoa Quân khu 5 kết luận: Tỷ lệ thương tật của Nguyễn Hy Vọng là 33%, còn của Nguyễn Mạnh Tiến là 27%. Quân khu 5 đã thực hiện việc di chuyển hồ sơ của hai ông Vọng và Tiến đến Sở LĐ,TB&XH tỉnh Đắk Lắk để tiếp nhận, quản lý chi trả.

Tính đến ngày bị phát hiện, ông Vọng đã nhận tổng cộng số tiền hơn 73 triệu đồng, còn ông Tiến nhận hơn 64 triệu đồng. Sau khi vụ việc bị phát hiện, cả ba ông đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, đồng thời giao nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt của Nhà nước.

Văn Thành
.
.
.