Khởi tố 2 cán bộ bảo vệ rừng và 1 giám đốc doanh nghiệp liên quan các vụ phá rừng
- Vì sao nạn phá rừng ở Quảng Nam vẫn dai dẳng?
- Tiếp tục xảy ra phá rừng quy mô lớn ở Chà Và
- 2 đối tượng phá rừng lim ở Quảng Nam ra đầu thú
- Lại phát hiện thêm một vụ phá rừng tại Quảng Nam
Ngày 29-9, tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với 2 bị can là A Vô Tô Vích, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Chà Vàl thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung và ông Nguyễn Nhị, kiểm lâm địa bàn xã Chà Vàl, để tiếp tục điều tra hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến vụ phá rừng xảy ra tại khoảnh 1 và 3, Tiểu khu 335, thôn Cần Đôn, xã Chà Vàl, thuộc lâm phận quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung.
Hiện trường vụ phá rừng khiến 2 cán bộ bảo vệ rừng bị khởi tố. |
Thống kê cho thấy vụ phá rừng này có 34 cây gỗ rừng tự nhiên đã bị các đối tượng chặt hạ, ước tính tổng khối lượng gỗ thiệt hại khoảng 235m3.
Trong một diễn biến khác, liên quan đến vụ khai thác gỗ rừng tự nhiên xảy ra cũng xảy ra trên địa bàn xã Chà Vàl, huyện Nam Giang được cơ quan chức năng phát hiện vào đầu tháng 9-2018 mà Báo CAND đã phản ánh, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết theo hồ sơ vụ án và đánh giá của các cơ quan chức năng, vụ khai thác gỗ này không giống với các vụ phá rừng đã xảy trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây, thể hiện ở việc doanh nghiệp ký hợp đồng khai thác gỗ rừng trồng trên diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của người dân địa phương nhưng thực tế lại khai thác ra bên ngoài, vào khu vực rừng tự nhiên do UBND xã quản lý.
Đến nay, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam bị can là Giám đốc Công ty Xuân Chí, doanh nghiệp tổ chức vụ khai thác gỗ rừng tự nhiên; đồng thời đang khẩn trương điều tra mở rộng để xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Hiện trường vụ phá rừng tại xã Chà Vàl liên quan đến Công ty Xuân Chí. |
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Nam Giang xảy ra nhiều vụ phá rừng tự nhiên và đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Đây là địa phương “nóng” về nạn phá rừng của tỉnh Quảng Nam.
Chính vì vậy, trên quan điểm lực lượng quản lý rừng phải gắn với hệ thống chính trị và nhân dân địa phương, hiện nay tỉnh Quảng Nam đang xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các lực lượng quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và triển khai thí điểm trước ở huyện Nam Giang, sau đó sẽ triển khai trên toàn tỉnh.
Theo đó, các Ban quản lý rừng sẽ chuyển về UBND huyện, trực tiếp quản lý các khu rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn huyện và được giao quản lý thêm các diện tích rừng tự nhiên hiện nay nằm rải rác ngoài rừng phòng hộ, đặc dụng do UBND xã đang quản lý (quản lý rừng theo ranh giới hành chính từng huyện thay cho quản lý rừng theo lưu vực sông liên huyện).
Tách Hạt Kiểm lâm khỏi các Ban quản lý rừng và tổ chức lại ở 9 huyện miền núi mỗi huyện một Hạt Kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, thực thi pháp luật về QLBVR trên toàn huyện, không phân biệt trong hay ngoài lâm phận các khu rừng phòng hộ, đặc dụng.
Đối với 9 huyện đồng bằng sẽ tổ chức thành 3 Hạt Kiểm lâm liên huyện, củng cố 2 Đội Kiểm lâm cơ động phụ trách 2 khu vực phía Bắc và phía Nam vừa xử lý vi phạm trên khu vực phụ trách trong trường hợp cần thiết, vừa làm công tác chuyên trách phòng cháy chữa cháy rừng.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam còn giải tán các trạm kiểm lâm (trừ các trạm chốt chặn vận chuyển gỗ tại các tỉnh, thành phố giáp ranh) để tăng cường lực lượng giữ rừng từ gốc. Bố trí ít nhất mỗi xã một kiểm lâm địa bàn, được biệt phái về công tác tại UBND xã, chịu sự quản lý điều hành của Chủ tịch UBND xã.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đề nghị cả hệ thống chính trị vào cuộc phối hợp cùng người dân địa phương quản lý bảo vệ rừng. |
Về lực lượng trực tiếp QLBVR sẽ được tổ chức theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp, nòng cốt là thanh niên địa phương, ưu tiên bộ đội, Công an xuất ngũ do từng thôn giới thiệu, được ký hợp đồng và sắp xếp thành các Đội QLBVR trực thuộc Ban quản lý rừng, lực lượng của thôn nào thì Đội hoạt động ở thôn đó.
Cán bộ lâm nghiệp xã và kiểm lâm địa bàn xã sẽ theo dõi, đánh giá hoạt động của các Đội QLBVR của các thôn trên địa bàn xã để vừa xử lý trách nhiệm vừa làm cơ sở chi trả tiền dịch vụ bảo vệ rừng. Tiền công chi trả sẽ đảm bảo ít nhất 3 triệu đồng/ người/ tháng (chưa kể tiền bảo hiểm), nguồn chi trả chủ yếu từ nguồn thu cung ứng dịch vụ môi trường rừng và phần bổ sung của ngân sách tỉnh.
Bên cạnh đó, các Ban quản lý rừng cũng sẽ hợp đồng với các thôn để tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ rừng, đôn đốc hoạt động của các Đội quản lý rừng tại thôn. UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo rà soát, sắp xếp, quản lý chặt chẽ hơn các cơ sở cưa xẻ gỗ trên địa bàn 6 huyện miền núi.
Để nâng cao công tác QLBVR theo hướng hiện đại, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo xây dựng Đề án nâng cao năng lực giám sát rừng. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm sẽ bổ sung nâng cấp phần mềm giám sát rừng bằng thiết bị di động qua vệ tinh được chuyển giao từ Tổng cục Lâm nghiệp.
Đồng thời sẽ khảo sát gắn chíp báo động tiếng động cơ máy cưa truyền về thiết bị di động tại một số khu vực rừng quý hiếm, xung yếu; trang bị ít nhất 2 thiết bị bay không người lái hiện đại để quan sát rừng từ trên không theo định kỳ hoặc đột xuất.
Nói về việc sắp tới, Bộ NN&PTNN sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định mới về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, trong tiến trình hướng dẫn Luật Lâm nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng: “Tôi có nghiên cứu các dự thảo Nghị định thực hiện Luật Lâm nghiệp. Về cơ bản tôi nhất trí với các nội dung dự thảo. Tuy nhiên, theo tôi, do đặc điểm đa dạng ở nước ta về địa hình tự nhiên, văn hóa, phong tục tập quán, chủng loại cây rừng, biên chế lực lượng... nên QLBVR là có khác nhau theo từng địa bàn khu vực. Vùng Tây Bắc khác vùng Duyên hải miền Trung, khác vùng Tây Nguyên, khác vùng Nam Bộ. Do đó, trong quy định cần vừa “cứng”, vừa “mềm”, tạo quyền linh hoạt chủ động cho địa phương phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn của địa phương đó, không nên đóng khung y hệt như nhau trên cả nước về mô hình tổ chức của lực lượng Kiểm lâm, các Ban quản lý rừng, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Đối với rừng Quảng Nam, quan điểm của lãnh đạo tỉnh là tổ chức theo mô hình mà Quảng Nam dự kiến làm thí điểm. Trước khi xây dựng mô hình này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cũng đã có đợt giám sát tại các huyện miền núi và cũng đề xuất nên tổ chức, sắp xếp lại như Đề án mà UBND tỉnh Quảng Nam đang làm…”. |