Đường dây rao bán bằng tiến sỹ trên mạng giá 5,5 triệu đồng chờ ra tòa

Thứ Hai, 24/07/2017, 19:05
Ngày 24-7, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 12 bị can trong đường dây “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố trong cả nước.


Đến nay, cơ quan tố tụng làm đã rõ, trong thời gian từ năm 2014 đến tháng 4-2016, Lê Tấn Cường (31 tuổi, ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã tổ chức, rủ rê và bàn bạc  cùng với Lữ Minh Trí, Lữ Minh Tâm, Hồ Thị Thanh Vy, Lê Minh Tuấn, Bùi Ngọc Lai, Nguyễn Thị Kim Duyên, Nguyễn Bảo Thắng và Huỳnh Ngọc Hoàng (riêng Hoàng hiện bỏ trốn, cơ quan điều tra ra quyết định truy nã, khi bắt được sẽ xử lý sau) làm 160 con dấu ướt, 169 con dấu nổi, 5 tên giả của các cơ quan, tổ chức và cá nhân. 

Bình quân mỗi ngày các đối tượng làm giả nhiều văn bằng, chứng chỉ khác nhau rồi tổ chức bán cho những người có mục đích sử dụng để lừa dối cơ quan, tổ chức. 

Ảnh minh họa thu giữ tang vật làm giả con dấu tài liệu.

Các bị can này đã sử dụng mạng xã hội hoặc các trang rao vặt rao đăng các thông tin quảng cáo nhận làm giả các văn bằng chứng chỉ  gồm: chứng chỉ ngoại ngữ, bằng trung học phổ thông, bằng cao đẳng, đại học, tiến sỹ, thạc sỹ, chứng minh nhân dân…với mức giá thấp nhất là 300 ngàn đồng, bằng cử nhân, thạc sỹ hàng triệu đồng, bằng tiến sỹ đến 5,5 triệu đồng/văn bằng. 

Khi người có nhu cầu, phần lớn là công chức, viên chức và một số thành phần khác… liên hệ với các bị can qua số điện thoại hoặc địa chỉ email để thỏa thuận về giấy tờ, giá cả thì các bị can sử dụng máy khắc dấu, máy in màu, máy scan… để làm các loại giấy tờ văn bằng giả. 

Kết quả điều tra cho biết nhóm Lê Tấn Cường đã làm giả và bán cho hàng trăm người, trong đó bán cho một số trường hợp làm giả bằng tốt nghiệp cao đẳng Cần Thơ, chứng chỉ tiếng Anh đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, một số trường phổ thông trung học tại tỉnh Long An, Quảng Bình…

Tổng số tiền bị can Lê Tấn Cường đã thu lợi bất chính là 450 triệu đồng, Lữ Minh Trí với vai trò là người thiết kế, vẽ và khắc dấu hưởng lợi 300 triệu đồng, các bị can còn lại hưởng lợi từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng.

Tương tự thủ đoạn nêu trên từ tháng 7-2014 đến tháng 4-2016, đường dây bán giấy tờ giả do Lưu Thành Lâm (55 tuổi, ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) và Trần Tư Dũng (56 tuổi, ở huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh) đã làm giả 2 con dấu và mỗi tháng làm giả khoảng 15 văn bằng, chứng chỉ rồi rao bán giá từ 300 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng/văn bằng, chứng chỉ. 

Lưu Thành Lâm đã nhận thông tin và làm giả 33 văn bằng, chứng chỉ giả để bán cho 24 người, qua đó hưởng lợi 84 triệu đồng. Trần Tư Dũng làm giả 38 văn bằng, chứng chỉ bán cho 27 người thu lợi 45,4 triệu đồng. Trong các giấy tờ giả mà các bị can này bán có bằng kỹ sư ngành bảo hộ của đại học Tôn Đức Thắng, bằng tốt nghiệp của trường Cao đẳng kế toán tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu…

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định trong giai đoạn từ tháng 7-2015 đến tháng 4-2016,  bị can Nguyễn Anh Tuấn (33 tuổi, ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã lập ra các trang web dichvubangcapnhanh.blogspot.com và một số email để quảng cáo, rao bán văn bằng, giả cho nhóm bị can Lê Tấn Cường và Lưu Thành Lâm. 

Sau khi nhận được thông tin từ người có nhu cầu mua bằng giả, Tuấn liên lạc làm trung gian nhận thông tin và lấy giấy tờ văn bằng giả từ các nhóm Cường, Lâm để bán cho họ rồi hưởng tiền chênh lệch. Tổng số tiền Tuấn thu lợi bất chính là hơn 46,5 triệu đồng.

Đào Minh Khoa
.
.
.