Đừng để mình trở thành "mồi bén" trong mắt kẻ cướp

Thứ Hai, 24/05/2021, 07:30
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn về kinh tế, nhiều người không có công ăn việc làm. Dịch bệnh cũng khiến nhiều đối tượng tội phạm manh động, nhất là các đối tượng nghiện hút ma túy. Để thỏa mãn cơn nghiện, các đối tượng sẽ ra tay bất cứ lúc nào khi phát hiện sự mất cảnh giác của "con mồi"…

Ngày 18/5, Công an quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh bước đầu làm rõ vụ va chạm giữa 3 xe gắn máy trên đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh khiến 1 người tử vong, 4 người bị thương. Vụ việc được xác định là một vụ cướp giật tài sản. Trong quá trình bỏ chạy ngược chiều sau khi giật được tài sản, bị nạn nhân bám theo xe, nghi can kéo lê nạn nhân đi hơn 100m và va chạm với 2 xe gắn máy khác đi cùng chiều.

Vụ va chạm khiến nghi can C.Đ.T (SN 1993, ngụ quận 1) tử vong tại chỗ. Nghi can này có 2 tiền án về tội "cướp giật tài sản", vừa mới mãn hạn tù trở về. 5 người liên quan đến vụ việc là chị N.T.K.O, chị K.T.M.H (cùng SN 1997, quê Kon Tum), 2 người còn lại là anh N.T.T,  T.M.H và chị V.T.H.N (cùng SN 2001, ngụ TP Hồ Chí Minh).

Người dân cần bảo vệ tài sản của mình, đừng hớ hênh để thành mồi cho các đối tượng cướp giật.

Quá trình điều tra xác định, khoảng 22h ngày 16/5, chị O điều khiển xe máy chở chị H lưu thông trên đường Điện Biên Phủ (hướng từ Bình Thạnh về quận 3). Khi đến trước số 199 Điện Biên Phủ (phường 15, quận Bình Thạnh) thì bị T áp sát giật chiếc ba lô của chị H đeo trên lưng, bên trong có chiếc iPhone 8. Chị H giằng co và nắm được xe của T giữ lại. T quay đầu xe tăng ga chạy ngược chiều kéo lê chị H đến trước số nhà 301 thì va chạm với 2 xe gắn máy do anh N.T.T chở chị V.T.H.N và xe máy do anh T.M.H điều khiển. Vụ va chạm làm nghi can T tử vong tại chỗ, chị H bị gãy xương đùi, anh T.M.H và chị V.T.H.N bị thương nhẹ.

Tại hiện trường, chiếc ba lô của chị H có một phần trong suốt nhìn thấy nhiều vật dụng bên trong. Trước lúc bị cướp, chiếc iPhone 8 nằm trong ba lô nhưng mọi người đi đường đều có thể nhìn thấy được. Có thể do phát hiện chiếc iPhone trên nên T nổi lòng tham và ra tay giật. Đây là một trong những trường hợp các nạn nhân hớ hênh để tài sản hoặc sử dụng tài sản (chủ yếu là điện thoại) trên đường khiến các đối tượng có máu cướp giật nổi lòng tham.

Trong thời gian qua, có rất nhiều nạn nhân bị giật tài sản do vừa điều khiển phương tiện vừa nghe điện thoại hay vừa đi vừa bấm điện thoại để chat Facebook, xem Tik tok hoặc YouTube… Khi bị giật, vì tiếc tài sản, nạn nhân không bình tĩnh ghi nhận nhân dạng, phương tiện của các đối tượng mà cố gắng đeo bám để lấy lại tài sản của mình và hậu quả lại tiếp tục xảy ra do bị TNGT hoặc bị các đối tượng chống đối, tước đi mạng sống.

Từng là nạn nhân của một vụ cướp giật, anh Nguyễn Văn Cường, nhà quận 6 cho hay: "Sau lần bị cướp, đi ngoài đường thấy ai để điện thoại trong túi lòi ra ngoài, hoặc vừa đi vừa sử dụng điện thoại, tôi hay nhắc nhở họ, nhưng đổi lại tôi nhận được những ánh mắt dò xét, hoặc bĩu môi. Nhiều người vẫn có thái độ thờ ơ với tài sản của mình, nhất là điện thoại, túi xách, dây chuyền, họ đeo rất vô tư. Đúng hay sai trong vụ cô gái cố gắng bám theo tên cướp và bị kéo lê trên đường chúng ta chưa bàn tới, nhưng quan trọng là người đi đường nên có ý thức bảo vệ tài sản của mình, không tạo cơ hội cho kẻ cướp để vừa đảm bảo tài sản, vừa đảm bảo tính mạng của mình".

Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã tác động, làm thay đổi nhiều mặt của đời sống xã hội. Tội phạm trong thời điểm này gia tăng vì tình trạng thất nghiệp, đời sống của một số người khó khăn. "Nhiều năm qua, với sự nỗ lực của lực lượng Công an, tội phạm nói chung được kéo giảm nhưng những loại tội phạm gây bức xúc trong nhân dân như cướp, cướp giật, trộm cắp vẫn chiếm tỷ lệ cao. Cứ 100 vụ án xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thì có đến 75 vụ là cướp, cướp giật, trong đó tài sản bị cướp nhiều nhất là điện thoại. Người dân sử dụng điện thoại đắt tiền nhưng rất chủ quan, vô tình trở thành "con mồi" của các đối tượng", Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho biết.

Nhiều đối tượng cướp giật sa lưới, trong đó các đối tượng không có tiền án, tiền sự, lần đầu thực hiện hành vi khai do không có công việc nên nảy sinh ý đồ cướp giật. Việc tuần tra kiểm soát, tiếp nhận thông tin, truy tìm, truy xét khi các vụ cướp xảy là nhiệm vụ của Công an nhưng người dân cũng nên có ý thức bảo vệ tài sản của mình…

M.Đ-M.H
.
.
.