Đảm bảo an ninh, an toàn phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ đánh bạc nghìn tỷ

Thứ Ba, 05/03/2019, 08:02
Hôm nay, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội chính thức mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng nghị của Viện Kiểm sát và kháng cáo của các bị cáo trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ đồng xảy ra tại Phú Thọ. Phiên tòa xét xử phúc thẩm dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng 8 ngày (từ ngày 5 đến 12-3-2019).


Đến thời điểm này, Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã xây dựng phương án chi tiết, cụ thể để bảo vệ tuyệt đối an toàn phiên tòa. Ngoài các bị cáo được tại ngoại còn áp giải 5 bị cáo đang bị tạm giam, trong đó có Phan Sào Nam (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC Online); Nguyễn Văn Dương (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC)...

Theo Công an tỉnh Phú Thọ, để đảm bảo an ninh, an toàn của phiên tòa, gần 200 cán bộ, chiến sỹ được huy động để làm nhiệm vụ. Theo đó, an ninh sẽ được siết chặt ngay từ vòng ngoài nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phiên tòa từ trong quá trình xét xử.

Theo thông tin sẽ có 83 bị cáo tham gia phiên tòa theo kháng nghị của Viện Kiểm sát và kháng cáo của các bị cáo. Trong phiên phúc thẩm lần này, 2 bị cáo là Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương, mặc dù không có kháng cáo nhưng vẫn tiếp tục phải hầu tòa do bị Viện Kiểm sát kháng nghị. Hai ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa không có kháng cáo và sẽ không tham gia phiên phúc thẩm.

Phiên xét xử sơ thẩm vụ đánh bạc nghìn tỷ tại Phú Thọ.

Trước đó, ngày 30-11-2018, sau hơn 10 ngày xét xử, 5 ngày nghị án, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tuyên các hình phạt thích đáng đối với 92 bị cáo liên quan đến vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ qua mạng với các tội danh “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; “Tổ chức đánh bạc”; “Đánh bạc”; “Mua bán trái phép hóa đơn”; “Rửa tiền”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Phiên tòa diễn ra công khai, dân chủ, đúng với tinh thần cải cách tư pháp. Hội đồng xét xử đã điều hành phiên tòa khoa học, quyết đoán và bản lĩnh; bên cạnh đó còn đưa ra các kiến nghị để các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án và hoàn thiện các quy định pháp luật cũng như công tác quản lý về công nghệ thông tin, viễn thông.

Đây là vụ án đầu tiên xét xử các đối tượng đánh bạc trực tuyến sử dụng công nghệ cao, với số lượng bị cáo đông, bị cáo là người có trình độ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Quy mô đánh bạc xảy ra trên không gian mạng, không chỉ có trên phạm vi cả nước mà còn cả quốc tế. Tổng thu lời bất chính vào dịch vụ đánh bạc trái phép là hơn 9.000 tỷ đồng.

Trong đó, bị cáo Phan Văn Vĩnh bị tuyên phạt 9 năm tù; bị cáo Nguyễn Thanh Hóa bị tuyên phạt 10 năm tù cùng về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; bị cáo Nguyễn Văn Dương lĩnh án 5 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc và 5 năm tù về tội "Rửa tiền", tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội danh bị cáo Dương phải chấp hành là 10 năm tù. Bị cáo Phan Sào Nam lĩnh án 2 năm tù về tội Tổ chức đánh bạc và 3 năm tù về tội "Rửa tiền", tổng hình phạt chung cho hai tội danh bị cáo Nam phải chấp hành là 5 năm tù...

Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã có kháng nghị đối với bản án sơ thẩm số 55/2018/HS-ST ngày 30-11-2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ tuyên án đối với 92 bị cáo trong vụ đánh bạc nghìn tỷ liên quan đến ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ kháng nghị, đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án đối với 3 nội dung gồm: Phần áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội có tổ chức” đối với 27 bị cáo phạm tội “Đánh bạc” trong diện từ đại lý cấp 1 trở lên; phần nội dung không cho 36 bị cáo “Tự nguyện khắc phục hậu quả” được hưởng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009, mà chỉ áp dụng cho được hưởng tình tiết giảm nhẹ này theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 và phần áp dụng tịch thu tiền sử dụng vào đánh bạc của 43 bị cáo phạm tội đánh bạc.

Theo Viện Kiểm sát, việc Tòa án sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo thì Hội đồng xét xử không coi việc các bị cáo tự nguyện nộp lại hết hoặc gần hết số tiền thu lời bất chính là tình tiết quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự mà chỉ cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009.

Về việc Tòa án sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo thì theo kháng nghị của Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử đã áp dụng thêm tình tiết quy định tại điểm a khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự “Phạm tội có tổ chức” đối với các bị cáo phạm tội “Tổ chức đánh bạc” trong diện từ đại lý cấp 1 trở lên làm "bất lợi cho bị cáo".

Đại diện Viện Kiểm sát cho biết đa số bị cáo phạm tội “Tổ chức đánh bạc” là các đại lý cấp 1, cấp 2 và phạm tội “Đánh bạc” đều bị Hội đồng xét xử áp dụng mức hình phạt cao hơn so với mức hình phạt mà đại diện Viện Kiểm sát đề nghị từ 10 đến 18 tháng tù.

Bên cạnh đó, việc tuyên tịch thu tiền sử dụng vào đánh bạc của người chơi bạc, Hội đồng xét xử đã buộc các bị cáo phạm tội đánh bạc phải nộp sung quỹ Nhà nước số tiền đánh bạc của phiên cao nhất đã đặt cược ngày 8 và 9-8-2016.

X. Mai
.
.
.