Chống “cát tặc” ở xứ dừa
- Dai dẳng nạn “cát tặc” trên sông Thu Bồn1
- Phát hiện “cát tặc” trên sông Đồng Nai
- Vì sao nạn “cát tặc” ở Quảng Nam vẫn hoành hành?
- Khó xử lý dứt điểm nạn “cát tặc” trên sông Đồng Nai
Với những nỗ lực trên, từ đầu năm 2013 đến nay, đã phát hiện và xử lí hơn 1.200 trường hợp khai thác cát trái phép, xử phạt hành chính số tiền trên 15 tỷ đồng…
Vào một ngày cuối tháng 3, phóng viên có dịp đến công tác Đội 3, Phòng PC49 Công an tỉnh Bến Tre. Trung tá Trần Thành Công, Phó đội trưởng Đội 3, người thường xuyên trực tiếp chiến đấu với “cát tặc” chia sẻ, công tác đấu tranh với các đối tượng vi phạm trên lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là cát sông gặp rất nhiều khó khăn, vì nguồn lợi từ việc bơm hút cát trái phép là rất lớn, các đối tượng dùng đủ mọi thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, bất kể ngày đêm mưa nắng để thực hiện hành vi phạm tội.
Cán bộ Công an tỉnh Bến Tre phát hiện, xử lí phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Hàm Luông. |
Hiện trên 3 tuyến sông chính: sông Tiền, Hàm Luông và Cổ Chiên, địa bàn rộng với tần suất hoạt động gần như liên tục của gần 800 phương tiện hành nghề khai thác cát, đa phần không có đăng kí, đăng kiểm gây khó cho công tác quản lí. Ngoài ra, tình hình cấp phép khai thác, kinh doanh cát sông trên địa bàn còn nhiều bất cập, phức tạp.
Tối 27-3, phóng viên cùng các trinh sát tuần tra qua khu vực xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre (một trong những điểm “nóng” về khai thác cát trái phép của tỉnh trong thời gian qua) cho thấy dòng sông Cổ Chiên về đêm đã bị phá vỡ bởi âm thanh các phương tiện hút trộm cát. Vừa thấy lực lượng tuần tra, các chủ phương tiện đã nhổ neo bỏ chạy tán loạn.
Tuy nhiên, Tổ công tác đã kịp thời bắt giữ được 3 phương tiện gồm 1 tàu sắt có trọng tải 150 tấn, 1 tàu có trọng tải 49 tấn và một ghe cây không có biển kiểm soát có trọng tải 20 tấn đang có hành vi khai thác cát trái phép. Qua làm việc, các đối tượng khai nhận hành vi vi phạm của mình và cho biết đây không phải là lần đầu tiên bơm cát trái phép trên tuyến sông này.
Có thể thấy, việc đấu tranh với “cát tặc” là nhiệm vụ không hề dễ dàng, bởi các đối tượng vi phạm thường dùng đủ mọi cách để đối phó với cơ quan chức năng. Như việc chọn các tuyến sông giáp ranh giới giữa Bến Tre với các tỉnh lận cận, để khi bị phát hiện, bọn chúng sẽ bỏ chạy sang địa phận tỉnh khác, gây khó khăn trong việc xử lý.
Cụ thể, lúc rạng sáng 6-11-2017, trong lúc tuần tra trên sông Tiền (đoạn qua xã Tân Phú, huyện Châu Thành), Tổ công tác của Đội 3 phát hiện một nhóm tàu sắt đang hút trộm cát. Để tránh bị xử lí, các tàu trên đã nhổ neo bỏ chạy sang địa phận tỉnh Tiền Giang và vừa chạy vừa bơm cát ra ngoài sông.
Để đấu tranh có hiệu quả với nạn bơm hút cát trái phép đòi hỏi từng CBCS công tác trên lĩnh vực này phải luôn có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng và nhất là không bị cám dỗ bởi vật chất. Theo các CBCS thuộc Đội 3, vì do lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép quá cao, nên khi bị bắt quả tang, các đối tượng sẽ mua chuộc, có trường hợp còn đề nghị “chung chi” hằng tháng theo hình thức “hụi chết” cho Tổ công tác để mong bỏ qua sai phạm.
Trung tá Công nhớ lại, vào tháng 8-2016, sau khi tham gia cùng đoàn kiểm tra liên ngành khoáng sản của tỉnh kiểm tra đột xuất tại mỏ cát Đại Bắc trên sông Hàm Luông. Khi xong việc tại đơn vị, Trung tá Công về nhà thì được người thân cho biết vừa có một thanh niên tự xưng là nhân viên mỏ cát đến nhà tặng anh giỏ quà, bên trong có 10 triệu đồng.
Sự việc được nhanh chóng trình báo lãnh đạo đơn vị để xử lí đúng quy định. “Không riêng bản thân tôi, mà các mà các đồng chí trong đội cũng nhiều lần bị các đối tượng tìm cách mua chuộc nhưng tất cả đều báo lãnh đạo đơn vị xử lí ngay. Nếu mình không cương quyết thì chẳng khác nào tiếp tay cho tội phạm” – Trung tá Công khẳng định.
Thượng tá Lê Văn Minh, Trưởng phòng PC49 Công an tỉnh Bến Tre cho biết: “Những năm qua, tình hình khai thác cát trái phép trên địa bàn diễn ra hết sức phức tạp. Cái khó trong công tác phòng, chống “cát tặc” là “mỏng” về lực lượng, còn các đối tượng thì rất manh động, có trường hợp chống lại người thi hành công vụ.
Vì vậy, mỗi lần công tác, lãnh đạo đơn vị luôn nhắc nhở CBCS luôn tập trung cao độ, luôn trông tư thế chủ động cảnh giác, không để bị động bất ngờ. Ngoài ra, từ công tác thực tế, đơn vị đã có những kiến nghị về tăng mức xử phạt và hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu phương tiện) để đủ sức răn đe các đối tượng…”.