Cảnh báo về thủ đoạn giả danh Công an, Kiểm sát lừa đảo qua điện thoại

Thứ Năm, 03/08/2017, 08:26
Ngày 2-6, TAND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đưa vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng thủ đoạn giả danh cán bộ Công an, Kiểm sát gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là vụ án phức tạp, có sự câu kết giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài. 


Quá trình điều tra xác định, các đối tượng gây án đã gọi điện thoại đến máy cố định của người bị hại ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Khi bị hại cầm máy nghe sẽ thấy thông báo nợ cước điện thoại, sau đó lấy lý do bị hại đang liên quan đến đường dây buôn bán ma tuý, rửa tiền để uy hiếp. Chúng yêu cầu bị hại cung cấp số điện thoại di động để chúng giữ lại liên lạc liên tục; đồng thời yêu cầu bị hại gửi tiền vào tài khoản ngân hàng do chúng đưa ra để xác minh, trong 24h nếu xác minh không liên quan thì sẽ trả lại. Khi bị hại gửi tiền vào tài khoản, các đối tượng nhanh chóng rút hết tiền để chiếm đoạt.

Cách thức hoạt động như trên đã gây rất nhiều khó khăn trong quá trình phát hiện, điều tra khám phá. Do sau khi bị hại trình báo Công an các địa phương thì dấu vết để truy nguyên duy nhất là nhân thân của người mở tài khoản thẻ ATM thường ở địa phương khác, khi gọi hỏi người này không biết việc tài khoản của mình hiện do ai sử dụng, sử dụng vào việc gì.

Quá trình thực hiện hành vi phạm tội không có sự tiếp xúc trực tiếp từ đối tượng và bị hại, phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội tinh vi, được tính toán kỹ lưỡng… Tuy nhiên, vụ án trên đã được chứng minh làm rõ và đưa 6 bị can ra xét xử, các bị can đều bị tuyên với mức án rất cao.

Hiện nay, các địa phương trên cả nước vẫn tiếp tục xảy ra các vụ án có cùng phương thức thủ đoạn tương tự. Đặc biệt nguy hiểm là chúng đã thay đổi phương thức từ chỗ rút tiền tại cây ATM ở Việt Nam bằng cách rút tại cây ATM ở nước ngoài thông qua thẻ MasterCard. Việc này dẫn đến khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản chúng chỉ định sẽ bị rút ngay lập tức tại nước ngoài. Do đó, có rất nhiều vụ án xảy ra nhưng đều không được điều tra làm rõ.

Để chủ động làm tốt công tác phòng ngừa đối với loại tội phạm này, cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị những thông tin trên cần được tổ chức tuyên truyền đến tổ dân phố, ấp, khối, xóm trong các cuộc họp nhân dân, để quần chúng nhân dân cảnh giác, không để các đối tượng lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công ty viễn thông tại địa phương cần in các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này trên mặt sau hoá đơn tính cước điện thoại cố định để người dân nắm được. Các ngân hàng cần phối hợp thông báo phương thức, thủ đoạn đến cán bộ giao dịch, khi có người dân đến gửi tiền thì ngăn chặn, không để xảy ra thiệt hại.

A.Quỳnh
.
.
.