Cán bộ Thanh tra tỉnh “chạy việc” lĩnh án 30 năm tù
Theo hồ sơ vụ án, trong thời gian còn công tác tại Thanh tra tỉnh từ năm 2010 - 2016, Nguyễn Thị Bình dùng thủ đoạn gặp gỡ làm quen với nhiều người. Sau đó, đưa thông tin bản thân có quen biết với nhiều lãnh đạo ở các Bộ, Sở, ngành của Trung ương và của các tỉnh. Tự nhận có thể lo được cho người có nhu cầu xin việc vào làm ở các ngành y tế, giáo dục, công an, thanh tra với mức chi phí từ 140 triệu đồng trở lên.
Năm 2013, Nguyễn Thị Bình đã trao đổi, thống nhất với Nguyễn Quang Khi về việc xin việc trên. Sau đó, Nguyễn Quang Khi lại trao đổi với Đinh Văn Việt về việc mình có thể xin được việc làm cho người khác. Trong quá trình trao đổi, Nguyễn Quang Khi để cho Việt tự thống nhất mức giá với người có nhu cầu.
Nguyễn Thị Bình thời điểm bị bắt. |
Tin tưởng vào những thông tin gian dối của các đối tượng nên 4 người đã đưa tiền cho Đinh Văn Việt để nhờ xin việc.
Nhận được tiền của người có nhu cầu, Việt đã đưa lại cho Nguyễn Quang Khi, sau đó Khi đưa lại cho Bình. Do Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Quang Khi, Đinh Văn Việt đều thống nhất với nhau về việc tự ý được nâng giá tiền mỗi suất để hưởng chênh lệch. Do vậy, tổng số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt của 4 công dân là 960 triệu đồng.
Trong đó, Nguyễn Quang Khi chiếm hưởng số tiền 100 triệu đồng, Đinh Văn Việt chiếm hưởng 40 triệu đồng còn lại 820 triệu đồng Nguyễn Thị Bình chiếm đoạt. Toàn bộ số tiền chiếm hưởng của 4 công dân các đối tượng này đều sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân.
Tại phiên tòa, sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, căn cứ vào điểm a, khoản 4, Điều 139; điểm g, khoản 1, Điều 48 Bộ Luật hình sự năm 1999 Bộ Luật hình sự, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Thị Bình mức án 12 năm tù. Tính từ tháng 4/2019 đây là lần 3 Nguyễn Thị Bình bị truy tố trước tòa về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
3 bị cáo tại phiên tòa xét xử Nguyễn Quang Khi, Nguyễn Thị Bình, Đinh Văn Việt (từ trái sang). |
Vào tháng 4/2019, Bình bị TAND TP Hòa Bình xử phạt 30 tháng tù; ngày 22/8/2019 bị TAND cấp cao tại Hà Nội xử phạt 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Căn cứ theo các Điều 46, Điều 51 BLHS, HĐXX tổng hợp hình phạt cả 3 bản án mà Nguyễn Thị Bình phải chấp hành là 30 năm tù; áp dụng điểm a, khoản 4, Điều 139; điểm g, khoản 1, Điều 48 BLHS năm 1999 tuyên phạt Nguyễn Quang Khi 7 năm tù. Áp dụng điểm a, khoản 4, Điều 139 điểm g, khoản 1, Điều 48; điểm b, p khoản 1, Điều 146 BLHS năm 1999 tuyên phạt Đinh Văn Việt mức án 8 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, buộc các bị cáo phải có trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của 4 người dân.
Trước đó, khi bị tố cáo về hành vi phạm tội, Nguyễn Quang Khi đã trả lại cho 1 công dân với số tiền 235 triệu đồng, Đinh Văn Việt hoàn trả lại số tiền 68 triệu đồng.