Buôn bán ma tuý vẫn “nóng” trên tuyến biên giới Việt-Lào

Thứ Tư, 30/01/2019, 08:26
Liên tiếp trong thời gian qua, trên các tuyến biên giới lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ những vụ vận chuyển ma tuý đá, heroin với số lượng lớn với thủ đoạn ngày càng tinh vi nhằm qua mặt lực lượng chức năng.


Ma tuý đá tăng đột biến

Cách đây ít ngày, tại Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) lực lượng chức năng bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Anh (29 tuổi, ở Nghệ An) vận chuyển trái phép 120 bánh heroin được dấu trong ô tô BKS 29A-09629.

“Khi tiến hành kiểm tra xe, chúng tôi thấy heroin được cất giấu rất tinh vi trong đó 34 bánh heroin được cất giấu trong ốp đỡ ba đờ xốc phía sau xe; 31 bánh heroin cất giấu trong ống xả gia cố thêm ở dưới gầm xe; 55 bánh heroin được cất giấu dưới gầm dưới ghế phụ. Đối tượng Nguyễn Văn Anh khai nhận được thuê lái từ Viêng Chăn - Lào qua cửa khẩu Cầu Treo”, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Hà Tĩnh Lương Trường Thọ cho biết.

Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu hải quan (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Văn Lịch nhận định, thực trạng vận chuyển trái phép các chất ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, nhức nhối trên các tuyến biên giới, cửa khẩu thời gian qua. Tội phạm ma túy trong và ngoài nước câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành các đường dây, tổ chức tội phạm, hoạt động với tính chất, phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh và manh động hơn.

Đáng chú ý là heroin được bọn tội phạm mua bán, vận chuyển từ Lào vào Việt Nam, sau đó vận chuyển qua các đường mòn, lối mở, cửa khẩu biên giới phía Bắc sang Trung Quốc với số lượng ngày càng lớn, đơn cử có vụ lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ lên tới 398 bánh.

Các loại ma túy tổng hợp (MTTH) như: metamphetamine, ketamine (ma túy dạng đá), thuốc lắc... được vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam đi vào các tỉnh nội địa. Đáng chú ý là tội phạm chuyên sản xuất ma túy ở Trung Quốc đã chuyển địa bàn sang khu vực “Tam giác vàng” để sản xuất ma túy tổng hợp với số lượng lớn, tìm cách đưa về Việt Nam qua biên giới các tỉnh giáp với Lào và Campuchia.

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, Việt Nam vừa là địa bàn tiêu thụ ma tuý vừa là địa bàn trung chuyển. Bởi vì ma tuý vào Việt Nam lại tiếp tục đi các nước thứ 3. Trên tuyến biên giới, thời gian qua hoạt động mua bán, vận chuyển MTTH từ Trung Quốc vào Việt Nam giảm cơ bản. Tuy nhiên, hoạt động mua bán, vận chuyển MTTH từ Lào, Campuchia vào Việt Nam gia tăng mạnh.

“Nguồn ma tuý chủ yếu được đưa về từ khu vực “Tam giác vàng”, tại đây các đối tượng đã mở các cơ sở sản xuất MTTH với giá rẻ, tổ chức nhiều tuyến vận chuyển ma tuý từ Lào và Campuchia về Việt Nam. Ví dụ như trước đây 700-800 triệu đồng/kg thì bây giờ giá ở bên đó (khu vực Lào, giáp Tam giác vàng) chỉ khoảng hơn 150 triệu đồng/kg”, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp cho hay.

Tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia tội phạm ma tuý tăng cả về số vụ, đối tượng và số vụ ma tuý. Lượng MTTH vận chuyển qua biên giới vào Việt Nam tăng đột biến. Năm 2018, lượng MTTH do Bộ đội Biên phòng bắt giữ trên 2 tuyến là 683,6kg, tăng 365,44kg so với năm 2017.

Đáng chú ý, trên tuyến Việt-Lào, các đối tượng thiết lập nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma tuý với số lượng rất lớn từ Lào vào Việt Nam qua các tỉnh Tây Bắc, miền Trung trong đó, heroin được vận chuyển từ các tỉnh Điện Biên, Sơn La và các tỉnh miền Trung lên các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh sang Trung Quốc. MTTH từ Lào vào các tỉnh miền Trung được vận chuyển đi Hà Nội, Hải Phòng vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ.

Đặc biệt, năm 2018, lực lượng chức năng đấu tranh mạnh ở địa bàn Mộc Châu, Vân Hồ (Sơn La), tội phạm ma tuý có vũ trang giảm cơ bản nhưng có xu thế chuyển hoạt động vận chuyển ma tuý Việt Nam qua khu vực biên giới Điện Biên, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Lực lượng  chức năng bắt giữ đối tượng phạm tội ma túy trên tuyến biên giới Việt - Lào.

Chủ động ngăn chặn từ xa

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp cho biết, ma tuý đá hiện nay do sử dụng công nghệ mới nên tác hại rất là lớn. Tội phạm ma tuý quốc tế đã chuyển sang dùng công nghệ sản xuất mới nhất, tiền chất mới nhất để sản xuất loại MTTH. Và khi các đối tượng sử dụng loại này sẽ gây hại rất lớn. Hiện tại, chúng ta cai nghiện ma tuý bằng methadone, mà methadone người ta chỉ có thể cai nghiện cho dòng ma tuý Opiat (thuốc phiện và heroin), còn ma tuý đá thì chưa. Cho nên tác hại của ma tuý đá rất lớn, đã xảy ra các hệ luỵ cho xã hội và chúng tôi thấy rất nguy hiểm.

“MTTH bắt nghiện rất nhanh và lượng tiêu thụ cũng nhanh. Do ma tuý đá rẻ nên số lượng tăng lên, theo đó nhiều người sử dụng. Hiện tại, theo con số mà chúng tôi biết được thì Việt Nam có khoảng hơn 240 nghìn người nghiện ma tuý chưa kể là con số nghiện ẩn (số không có trong hồ sơ quản lý - PV), nên số lượng có thể hơn. Với một lượng tiêu thụ lớn như vậy, có đối tượng ngày chi đến 1 triệu, có đối tượng hơn hoặc 100 nghìn - 200 nghìn đồng, thì lượng tiêu thụ rất là lớn”, ông Hiệp nói.

Theo nhận định của lực lượng Biên phòng, trong đấu tranh phòng chống ma tuý thì áp lực trực tiếp từ phía bên ngoài là hết sức cơ bản. Bởi, bên kia biên giới hình thành các tụ điểm rất lớn, tập kết ma tuý giáp biên giới và tìm mọi cách để đưa vào Việt Nam. Các đối tượng tận dụng tối đa bất kỳ thời điểm nào nếu có điều kiện. Từ cửa khẩu, đi trong xe, giấu trong xe đến cõng hàng qua biên giới. Do vậy, phải phát hiện từ sớm, từ xa và phải đánh trúng được các tụ điểm từ biên kia biên giới.

“Năm 2018, chúng tôi phối hợp với nước bạn trong trao đổi thông tin, nắm tình hình thực tế và đấu tranh thành công 24 chuyên án ở ngoại biên. Có những chuyên án số lượng rất là lớn như Cục Phòng chống ma tuý trong tháng 4-2018 phá chuyên án phát hiện và bắt giữ 50kg ma tuý đá và hơn 100 nghìn viên ma tuý tổng hợp (hồng phiến). Theo đó đã ngăn chặn được một lượng ma tuý lớn, nếu với số lượng lớn ma tuý như thế mà vào Việt Nam thì sẽ gây hại rất nhiều và rất nhiều người khác nữa sẽ trở thành tội phạm, bởi do buôn bán, vận chuyển số lượng ma tuý lớn”, ông Hiệp nói.

Ngoài ra phải làm tốt công tác phối hợp với các nước bạn, ngăn chặn từ xa. Còn trên khu vực biên giới làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới hiểu và không bị lôi kéo vào việc vận chuyển ma tuý thuê để lấy tiền. Do đó, sẽ không hình thành các đường dây, ổ nhóm trên tuyến biên giới. Trong nội địa thì phối hợp với các lực lượng Công an rất tốt, rất nhiều chuyên án phối hợp chung đánh từ biên giới vào tới nội địa.

“Trước trong và sau Tết rơi vào cao điểm mùa khô, đi lại trên tuyến biên giới dễ dàng hơn, nhu cầu hàng hoá tăng và lượng người đi lại trao đổi cũng tăng mạnh, bà con thăm thân đông… đây cũng là thời điểm các đối tượng ma tuý lợi dụng để trà trộn, vận chuyển, đánh hàng. Từ tháng 11-2018 các đơn vị đã vào cao điểm. Nhân dân Việt Nam ăn Tết nhưng tội phạm ma tuý ở ngoại biên không ăn Tết, cho nên vào những dịp như vậy càng hoạt động mạnh. Do vậy, 3 ngày Tết với chúng tôi đều ở ngoại biên và trực chiến”, ông Hiệp cho hay.

Lưu Hiệp
.
.
.