Diễn biến ngày thứ 4 xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm

Thứ Năm, 11/01/2018, 11:36
“Tôi hiểu việc PVN và Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN căn cứ vào hợp đồng EPC số 33 để chuyển tạm ứng số tiền gần 1.500 tỷ đồng cho PVC là trái với quy định tại khoản 2, khoản 6, điều 17, Nghị định số 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Nhưng nếu tôi không ký cũng không được vì người ta sẽ dọa tôi là nhũng nhiễu nhà thầu...”, bị cáo Chương nói....


Sáng nay (11-1), Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) cùng đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội tham ô tài sản xảy ra tại PVC.

Ngày xét xử thứ 4, HĐXX vẫn dành thời gian để luật sư bào chữa cho các bị cáo tham gia xét hỏi những nội dung liên quan đến vụ án này. 

Một số bị cáo khác tại phiên xử

Luật sư của bào chữa cho bị cáo Vũ Hồng Chương, cựu Trưởng ban Quản lý Dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2 hỏi thân chủ của mình về quá trình ký hợp đồng EPC số 33 để thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Bị cáo Chương cho biết, hợp đồng này đã được ký và PVN đã tạm ứng số tiền gần 1.500 tỷ đồng cho tổng thầu là PVC. Sau đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Hội đồng thành viên PVN, bị cáo Chương đã rà soát lại hợp đồng EPC số 33 xem có đúng quy định không và đã có văn bản báo cáo PVN về việc này.

Luật sư hỏi tiếp bị cáo Chương “Vì sao biết rõ hợp đồng EPC số 33 không đủ cơ sở pháp lý mà Ban Quản lý dự án vẫn chuyển tiền tạm ứng cho PVC?”. Bị cáo Chương khai, tôi đã trình báo người có thẩm quyền nhưng không có kết quả. Đơn vị của tôi là cấp dưới, phụ thuộc vào đơn vị cấp trên nên phải thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên. Ban Quản lý dự án do tôi giữ chức vụ cao nhất chỉ là một mắt xích nhỏ trong cả chuỗi mắt xích của PVN đều phải chịu sức ép lớn từ công việc, do sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo PVN. Có những việc dù muốn hay không muốn tôi cũng buộc phải ký, trong đó có việc chuyển tiền tạm ứng cho PVC liên quan đến hợp đồng EPC số 33.

Vũ Hồng Chương và Nguyễn Xuân Sơn

“Tôi hiểu việc PVN và Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 thuộc PVN căn cứ vào hợp đồng EPC số 33 để chuyển tạm ứng số tiền gần 1.500 tỷ đồng cho PVC là trái với quy định tại khoản 2, khoản 6, điều 17, Nghị định số 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Nhưng nếu tôi không ký cũng không được vì người ta sẽ dọa tôi là nhũng nhiễu nhà thầu...”, bị cáo Chương nói.

Bị cáo Chương khai, ông đã nhiều lần nhận được công văn chỉ đạo của PVN do Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Sơn ký (bị cáo Nguyễn Xuân Sơn) yêu cầu phải chuyển tiền tạm ứng cho PVC trong ngày. Số tiền mà Ban Quản lý dự án chuyển cho PVC có nguồn từ PVN chuyển về. Cũng theo lời khai của bị cáo Chương thì ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải thực hiện theo chỉ đạo của PVN về việc ký lệnh chuyển tiền tạm ứng cho PVC.

Ông Đinh La Thăng.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Chương hỏi ông Đinh La Thăng “Nếu ông Chương không thực hiện việc chuyển tiền tạm ứng cho PVC theo chỉ đạo của lãnh đạo PVN thì có vi phạm không?”. Ông Thăng cho biết, lãnh đạo PVN khi triển khai chỉ đạo của cấp có thẩm quyền đều phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. Việc PVN thúc ép tiến độ là cần thiết, nhưng PVN đều yêu cầu các đơn vị thành viên phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, không thể biết làm sai mà vẫn làm.

Nguyễn Hưng
.
.
.