Đang thụ án tù chung thân bỗng dưng có bệnh án tâm thần
- Kẻ có bệnh án tâm thần chém tử vong ông lão hàng xóm
- Bắt đối tượng truy nã, lộ đường dây làm giả bệnh án tâm thần
- Bệnh án tâm thần và những “liên minh ma quỷ”
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã khởi tố bổ sung vụ án hình sự và đang tiến hành điều tra hành vi "Làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan tổ chức", liên quan đến bị án Phạm Văn Kiên, SN 1981, trú tại xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai; hiện bị án Kiên đang chấp hành án phạt tù chung thân từ ngày cuối tháng 2-2012 về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy" tại Trại giam Thanh Lâm, tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, vào tháng 12-2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt được nhóm đối tượng trong chuyên án ma túy khác và xác định đối tượng Phạm Văn Kiên trong lúc thụ án đã dùng điện thoại mua bán trái phép chất ma túy với nhóm đối tượng này.
Kiên đã chỉ đạo số đối tượng đến một bến xe ở TP Hải Phòng để vận chuyển 15 bánh heroin giao đến nhà cho 2 đối tượng trong nhóm.
Song, điều ngạc nhiên là Phạm Văn Kiên đang là bị án thi hành án tù chung thân về tội ma túy, tại sao Kiên lại có thể điều hành đàn em trong việc mua bán chất ma túy?
Cơ quan công an đã phát hiện và xử lý một số vụ làm giả bệnh án tâm thần để thoát sự trừng phạt của pháp luật (ảnh minh họa) |
Sau khi bị thi hành án tù chung thân theo bản án số 20/2012/HSST của Tòa án nhân dân (TAND) TP Hải Phòng tuyên ngày 28-2-2012, Kiên được đưa về thụ án tại trại giam Thanh Lâm, tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 30-8-2018, TAND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định đưa Kiên đi chữa bệnh bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Bộ Y tế. Trong thời gian chữa bệnh tại đây, Kiên được viện này cho "nghỉ phép" 15 ngày, kể từ ngày 3-12-2018 đến ngày 18-12-2018. Lợi dụng việc được ra ngoài xã hội, Kiên đã điều hành việc mua bán 15 bánh heroin.
Tuy nhiên, nếu Kiên bị bệnh tâm thần, cần thiết phải đưa đi chữa bệnh bắt buộc, thì đối tượng này phải có tiền sử về bệnh án tâm thần; đồng thời, phải có biên bản kết luận trưng cầu giám định tâm thần của cơ quan có thẩm quyền. Lật ngược từng trang hồ sơ bệnh án của Kiên, bắt đầu bộc lộ những mâu thuẫn khó lý giải.
Được biết, ngày 5-11-2018, Kiên là người trực tiếp đến Công an tỉnh Lào Cai làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân. Tại sao Kiên lại có thể đến Công an tỉnh Lào Cai thời điểm này khi đang phải thụ hình bản án tù chung thân tại Trại giam Thanh Lâm và điều trị bắt buộc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Quá trình điều trị bắt buộc Kiên không bỏ trốn. Kiên khai trước đó đã điều trị bệnh tâm thần tại nhiều cơ sở chữa bệnh…
Qua xác minh tại Trạm y tế xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai (nơi Kiên sinh sống) thì đối tượng này không có trong danh sách bệnh nhân tâm thần do địa phương quản lý. Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai cho biết trong dữ liệu của bệnh viện cũng không có bệnh nhân tâm thần Phạm Văn Kiên. Lời khai những người cung cấp thông tin về Phạm Văn Kiên bị bệnh tâm thần ở địa phương, qua xác minh thì những người này đều không có thực.
Trong hồ sơ bệnh án, Bệnh viện tâm thần Hà Nội có xác nhận Kiên bị bệnh tâm thần, nhưng tại dữ liệu lưu trữ tại bệnh viện, trạm y tế mà Kiên khai lại không có bệnh nhân nào tên là Phạm Văn Kiên...
Sau một thời gian xác minh, mấu chốt vấn đề đã được sáng tỏ: Tại Biên bản có 2 bản giám định và Kết luận giám định do Viện Pháp y tâm thần Trung ương cung cấp cùng số, cùng ngày, cùng tháng năm, cùng một Hội đồng và cùng tên các thành viên tham gia giám định khi đem so sánh nội dung với bản sao văn bản này do TAND tỉnh Thanh Hóa cung cấp thì nội dung khác nhau cơ bản.
Trong bản giám định có câu kết luận: "Phạm Văn Kiên không cần bắt buộc chữa bệnh" thì bản giám định thứ 2 ghi: "Phạm Văn Kiên hoàn toàn không có khả năng và sức khỏe để tiếp tục chấp hành hình phạt tù, phạm nhân phải được đưa vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh theo đúng qui định của pháp luật".
So sánh mắt thường có thể thấy chữ ký của các thành viên tham gia giám định trong 2 Biên bản giám định và Kết luận giám định của Viện Pháp y tâm thần Trung ương và chữ ký của các thành viên trong Biên bản giám định và Kết luận giám định do TAND tỉnh Thanh Hóa cung cấp không giống nhau?
Tiếp theo ngày 19-8-2019, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự và tiến hành bắt, khám xét nơi ở của 2 bị can liên quan đến đường dây làm giả bệnh án tâm thần, thu giữ dữ liệu trong máy tính xách tay, trong đó có nhiều biên bản giám định pháp y tâm thần và kết luận giám định pháp y tâm thần, một trong số đó có tên của của Phạm Văn Kiên. Số đối tượng nêu trên khai đã được một người thuê để làm giả biên bản giám định pháp y tâm thần và kết luận giám định pháp y tâm thần.
Vụ án đang được Cơ quan CSĐT, Bộ Công an tiếp tục điều tra mở rộng để có căn cứ xử lý các đối tượng có liên quan.