Đảm bảo an toàn hơn cho người dân mỗi khi ra đường - Cần một đạo luật mới đủ sức mạnh

Thứ Ba, 21/04/2020, 08:20
“Tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông và chống người thi hành công vụ diễn biến hết sức phức tạp; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của nhiều người tham gia giao thông còn rất kém, coi thường pháp luật; vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) vẫn diễn ra phổ biến...” là đánh giá của Bộ Công an khi nhìn lại hơn 10 năm thi hành Luật Giao thông đường bộ (có hiệu lực thi hành từ 1-7-2009).

Qua hơn 10 năm thi hành, Luật Giao thông đường bộ đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cả về công tác bảo đảm TTATGT và phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ, đòi hỏi cần có một đạo luật đủ sức mạnh để điều chỉnh vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi ra đường.

Bài 1: Luật Giao thông đường bộ chưa đủ mạnh để đảm bảo an toàn giao thông

Tai nạn nhiều, thiệt hại lớn

Theo thống kê của Bộ Công an, trong 10 năm (từ năm 2009 đến năm 2019), trên 56,3 triệu trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ đã bị xử lý, nộp Kho bạc nhà nước 25.801 tỷ đồng. Gần 3,7 triệu trường hợp bị tước giấy phép lái xe, trung bình một năm xử lý trên 5 triệu trường hợp vi phạm. Vi phạm chủ yếu là do ý thức của người điều khiển phương tiện không chấp hành pháp luật như: Điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, xử lý của người thi hành công vụ; đi không đúng phần đường, làn đường; tránh vượt, chuyển hướng, lùi xe không đúng quy định; chở quá số người quy định, không có giấy phép lái xe, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, sử dụng giấy phép lái xe, đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật giả...

Cũng trong 10 năm qua, cả nước đã xảy ra 326.299 vụ TNGT đường bộ, làm chết 97.721 người, bị thương 329.756 người. Trung bình mỗi năm, TNGT cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người, trong đó nhiều người trong độ tuổi lao động. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tai nạn giao thông ở Việt Nam gây thiệt hại 2,5% GDP/năm, tương đương mỗi ngày 300-500 tỷ đồng. Kết quả kiềm chế và làm giảm TNGT chưa vững chắc, số người chết và bị thương do TNGT vẫn rất cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng TNGT. Trong đó có nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng.

Điển hình như vụ tai nạn xảy ra tại Km76+500, tuyến quốc lộ 5 thuộc địa phận thôn Cổ Phục, xã Kim Lương (Kim Thành, Hải Dương). Xe tải Hyundai BKS 29C - 719.53 chở 4 tấn bột bả sơn, chạy hành trình hướng Hà Nội - Hải Phòng đã đâm vào đoàn đại biểu dự Đại hội Ủy ban MTTQ xã Kim Lương đi dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Kim Lương đang trên đường đi bộ tại làn đường dành cho xe thô sơ làm 8 người chết, 8 người bị thương, trong đó 7 người chết tại hiện trường, 1 người chết trên đường đi cấp cứu.

Vụ tai nạn xảy ra tại km 1936 quốc lộ 1, ấp 3, xã Nhật Chánh, Bến Lức, Long An cũng hết sức đau lòng khi xe container BKS 62C-043.48 chạy từ Long An đi TP Hồ Chí Minh tông trúng hàng loạt xe máy đang dừng đèn đỏ làm 4 người thiệt mạng, gần 20 người bị thương, 21 xe máy biến dạng cũng khiến mọi người hết sức đau lòng. Hay vụ xe bồn chạy 109km/h đẩy xe khách xuống vực, 13 người chết ở Lai Châu  xảy ra tại Km 57+400 trên tuyến quốc lộ 4D qua bản Tiên Bình (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, Lai Châu) khiến dư luận bàng hoàng vì cả 2 xe lao xuống taluy âm dưới chân cầu bản Tiên Bình làm 13 người chết và 3 người bị thương nặng. Trong đó, có 1 gia đình 4 người về quê ăn giỗ thì bà và cháu trai thiệt mạng, con gái và cháu gái bị thương...

Nguyên nhân của những vụ tai nạn trên có một phần do pháp luật về đảm bảo TTAT giao thông chưa đủ mạnh, ý thức của lái xe chưa cao và công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe còn lỏng lẻo.

Phương tiện tăng nhanh, hạ tầng bất cập

Theo số liệu của Bộ Công an, tổng số ôtô, môtô trên cả nước đang được đăng ký, quản lý là hơn 66 triệu xe, trong đó ôtô có hơn 4,31 triệu xe và môtô hơn 61,7 triệu xe. Với 96,2 triệu dân năm 2019, mật độ phương tiện giao thông ở Việt Nam là 726 phương tiện/1.000 người. Tỷ lệ ôtô cá nhân/1.000 người dân ở nước ta ở mức trung bình thấp so với các nước, nhưng đã bất cập với hạ tầng giao thông. Phương tiện giao thông tăng nhanh (so sánh năm 2019 với năm 2009: ôtô đăng ký mới tăng 110%; môtô đăng ký mới tăng 34%), bình quân tăng từ 10-15%/năm, chủ yếu là phương tiện cá nhân, tập trung tại các thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng.

Thực trạng tham gia giao thông ở Việt Nam hiện nay là giao thông hỗn hợp với rất nhiều các loại phương tiện cơ giới, thô sơ..., trong đó chủ yếu là xe cá nhân, nhiều phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông, nhiều phương tiện đã được mua, bán, cho, tặng qua nhiều chủ nhưng chưa làm thủ tục chuyển quyền sở hữu.

Đánh giá của ngành Giao thông Vận tải cho thấy, hiện nay, kết cấu hạ tầng giao thông tuy đã được quan tâm đầu tư, xây dựng nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra, còn một số hạn chế, bất cập và chưa đồng bộ. Trong 10 năm qua, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị còn thấp hơn so với quy định; tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác, mới chỉ đạt từ 5-12%, trong khi theo yêu cầu là từ 16%-26%. Việc phát triển hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ, đường địa phương còn thiếu và chưa đồng bộ.

Vận tải đường bộ hiện phải đảm nhận tỷ trọng lớn (chiếm khoảng 70% vận tải hành khách và hàng hóa trong tổng số các loại hình vận tải). Chất lượng dịch vụ đã được nâng cao nhưng chưa đồng đều, còn tồn tại các đơn vị vận tải nhỏ lẻ. Các loại hình kinh doanh vận tải chưa được phân định rõ ràng dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và thiếu minh bạch.

Tình trạng “xe dù, bến cóc” diễn biến phức tạp và ngày càng khó kiểm soát giữa xe tuyến cố định và xe hợp đồng trá hình… Việc quản lý người lái xe kinh doanh vận tải còn thiếu chặt chẽ. Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý kinh doanh vận tải còn có những mặt hạn chế.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu, căn bản dẫn đến tình trạng trên là do quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với tình hình giao thông hiện nay.

CSGT bắt đối tượng vi phạm pháp luật.

Chế tài chưa đủ mạnh để xử lý tội phạm

Thực tiễn công tác quản lý Nhà nước về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội cho thấy, trên các tuyến giao thông đường bộ, vấn đề tụ tập đông người trái pháp luật, các loại tội phạm như ma túy, cướp, cướp giật, trộm cắp, vận chuyển vũ khí, chất nổ trái phép, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng... diễn biến hết sức phức tạp. Trên các tuyến giao thông đường bộ, 10 năm qua, lực lượng CSGT đã phát hiện, bắt và bàn giao cho các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền 5.228 đối tượng phạm pháp hình sự.

Không chỉ thế, tình hình người tham gia giao thông coi thường pháp luật, không chấp hành, thậm chí chống lại người thi hành công vụ diễn ra nhiều, đặc biệt là từ năm 1995 trở lại đây các vụ chống người thi hành công vụ diễn ra thường xuyên và ngày càng manh động, phức tạp: Xảy ra 542 vụ chống lại lực lượng làm công tác bảo đảm TTATGT, làm 7 đồng chí hy sinh, 181 đồng chí bị thương.

Trong các vụ chống người thi hành công vụ, có nguyên nhân do hành lang pháp lý về TTATGT chưa đủ mạnh; công tác quản lý Nhà nước về TTATGT còn nhiều bất cập, kém hiệu quả. Thậm chí, đã xảy ra nhiều trường hợp lái xe tông trực diện vào CSGT để trốn tránh việc bị xử lý vi phạm giao thông.

Theo quy định của pháp luật, Công an là lực lượng trực tiếp, thường xuyên và chịu trách nhiệm chính tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với người, phương tiện trên các tuyến giao thông đường bộ. Tuy nhiên, hiện nay, một số lực lượng khác cũng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường, gây ra sự trùng chéo chức năng, nhiệm vụ.

Trong công tác tổ chức giao thông, thông qua các hoạt động nghiệp vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT đã chủ động phát hiện nhiều bất hợp lý trong tổ chức giao thông đô thị cũng như tổ chức giao thông trên các tuyến quốc lộ, tuyến cao tốc…, qua đó có văn bản kiến nghị với ngành giao thông để sửa chữa, khắc phục, nhằm hạn chế các nguyên nhân gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Tuy nhiều bất hợp lý trong tổ chức giao thông đã được phát hiện và gửi kiến nghị khắc phục nhưng việc tổ chức khắc phục ở một số nơi, một số thời gian tiến hành chậm, làm ảnh hưởng đến công tác bảo đảm TTATGT.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu, căn bản dẫn đến tình trạng trên là do quy định của pháp luật về bảo đảm TTATGT chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với tình hình giao thông hiện nay. Chính vì vậy, vừa qua Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ và đề xuất trình Quốc hội đưa dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội khóa XIV.

Phương Thuỷ
.
.
.