Tại sao không thu hồi được 1.200 tỷ đồng trong vụ Vinashin?

Thứ Ba, 21/07/2015, 08:25
    Giang Kim Đạt, nguyên Trưởng phòng Kinh doanh của Vinashin, đã tham ô 18,6 triệu USD, vừa bị cơ quan Công an bắt giữ sau 5 năm lẩn trốn. 40 bất động sản của đối tượng này đã bị phong tỏa. Dư luận đang rất quan tâm đến việc thu hồi tài sản tham nhũng của Giang Kim Đạt.

    Nhìn lại việc thi hành án dân sự (THADS) 1.200 tỷ đồng trong vụ Vinashin (tạm gọi là giai đoạn 1) để thấy rằng, dư luận hoàn toàn có lý khi quan tâm tới việc này. Bởi, chỉ riêng Phạm Thanh Bình – nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin, người phải bồi thường 530 tỷ đồng nhưng đến lúc này mới nộp 2,35 tỷ đồng. Số tiền trên 500 tỷ đồng còn lại đang treo ở diện “không có điều kiện thi hành”. 

    Bài 1: 1.200 tỷ đồng, thu hồi được 10 tỷ

    Thất thoát bạc chẵn, thu hồi bạc lẻ. Đó là thực tế đang diễn ra khi cơ quan chức năng thực hiện việc THADS trong vụ Vinashin. Tính đến tháng 6/2015, toàn quốc có 14 Cục THADS tổ chức THA các vụ việc liên quan đến Vinashin; 46 việc phải thi hành theo đơn yêu cầu; 65 cơ quan THA chủ động ra quyết định THA. Thế nhưng, cơ quan THADS mới chỉ thu được 10 tỷ đồng trên tổng số 1.200 tỷ đồng mà các đương sự nguyên là các VIP của Vinashin có nghĩa vụ hoàn trả theo phán quyết định của Tòa.

    Bị hại là các công ty Nhà nước

    Ngày 17/7, phóng viên Báo CAND có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp. Tại buổi làm việc này, chúng tôi đã được cung cấp những thông tin mới nhất xung quanh việc THADS vụ Vinashin.

    Theo Bản án phúc thẩm số 454/2012/HSPT, ngày 30/8/2012, 8 bị cáo: Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Vinashin; Trần Văn Liêm, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên tàu Viễn Dương; Tô Nghiêm, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên tàu thủy Cái Lân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà Quảng Ninh; Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh; Trịnh Thị Hậu, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy; Hoàng Gia Hiệp, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy; Trần Quang Vũ, nguyên Tổng Giám đốc Vinashin, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Nam Triệu; Đỗ Đình Côn, nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh có các mức án: cao nhất 20 năm (Phạm Thanh Bình), thấp nhất 10 năm (Đỗ Đình Côn). Hiện nay, những đối tượng này đều đang “trả án” tại các trại giam của Bộ Công an.

    3 năm sau bản án có hiệu lực, việc thu hồi tài sản trong vụ tham nhũng tại Vinashin chỉ được ít ỏi.

    Cũng theo bản án này, các bị cáo phải bồi thường và liên đới bồi thường gần 1.200 tỷ đồng. Bị hại trong vụ án này được xác định là 6 doanh nghiệp, trong đó có 5 doanh nghiệp trực thuộc Bộ GTVT, 1 doanh nghiệp có phần góp vốn của Vinashin. Cụ thể, Công ty TNHH Một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin, thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) với số tiền được bồi thường là: Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Cái Lân (33,5 tỷ đồng); Công ty TNHH một thành viên Điện Cái Lân (33 tỷ đồng); Công ty TNHH Một thành viên Tàu thủy Nam Triệu (24,5 tỷ); Công ty cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Hoàng Anh (35 tỷ đồng)…

    Theo Tổng cục THADS, Phạm Thanh Bình phải bồi thường cho 3 công ty, gồm: Công ty TNHH Vận tải Viễn dương Vinashin: 497 tỷ đồng (làm tròn số); Công ty TNHH  Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cái Lân: 16,8 tỷ đồng (làm tròn số); Công ty TNHH Một thành viên Điện Cái Lân: 16,4 tỷ đồng (làm tròn số). Trần Văn Liêm phải bồi thường cho Công ty TNHH Vận tải Vinashin: 497 tỷ đồng (làm tròn số). Tô Nghiêm phải bồi thường cho Công ty TNHH Một thành viên Điện Cái Lân: 16, 4 tỷ đồng (làm tròn số) và Công ty TNHH Một thành viên Tàu thuỷ Cái Lân: 18,8 tỷ đồng (làm tròn số).

    Trần Quang Vũ phải bồi thường cho Công ty TNHH Một thành viên Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu 24,4 tỷ đồng. Riêng khoản tiền, 24,9 tỷ đồng Nguyễn Tuấn Dương phải bồi thương cho Công ty cổ phần Đầu tư Cửu Long, ngày 23/8/2013, Đại hội cổ đông và Hội đồng quản trị của công ty này đã họp và thống nhất đối trừ công nợ vào cổ phần của Dương. Như vậy, với trường hợp này, doanh nghiệp đã tự THA xong.

    Phạm Thanh Bình mới “trả nợ” 2,35/530 tỷ đồng

    Tổng số tiền mà nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin phải bồi thường cho hai công ty: TNHH Vận tải Viễn dương Vinashin và TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cái Lân là: 530 tỷ đồng (làm tròn số). Hiện nay, vị cựu thuyền trưởng “tàu” Vinashin đã khắc phục hậu quả do mình lái con tàu đi lệch hướng được bao nhiêu? Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thủy chỉ ra:

    Với khoản 497 tỷ đồng mà Phạm Thanh Bình phải bồi thường Công ty TNHH Vận tải Viễn dương Vinashin: 497 tỷ đồng. Sau khi nhận được đơn yêu cầu THA của công ty này, Cục THADS Hải Phòng đã ủy thác cho Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là nơi các đương sự có địa chỉ để thi hành. Chi cục THADS quận Hoàn Kiếm đã xác minh tại địa chỉ số 10 Ngô Văn Sở, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, là ngôi nhà của bố mẹ đẻ bà Hồng (vợ Phạm Thanh Bình).

    Năm 2006, ngôi nhà này được sang tên cho hai vợ chồng ông Bình, bà Hồng. Năm 2007, vợ chồng ông Bình đã bán nhà số 10. Từ kết quả xác minh này, số tiền bồi thường 497 tỷ đồng đối với Phạm Thanh Bình cho Công ty TNHH Vận tải tàu Viễn dương Vinashin, Chi cục THANDS Hoàn Kiếm phải ủy thác cho Chi cục THADS quận Thanh Xuân giải quyết.

    Trong khi đó, Chi cục THADS quận Thanh Xuân được uỷ thác thu hồi số tiền 16,8 tỷ đồng Phạm Thanh Bình phải bồi thường cho Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cái Lân. Chấp hành viên của Chi cục THADS quận Thanh Xuân xác minh tại chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà, đất xác định Phạm Thanh Bình có tài sản: Căn hộ số 1601, nhà 17T6 khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính là tài sản chung của vợ chồng mua năm 2002, năm 2005 được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.

    Phần ông Bình 1/2 căn hộ trị giá là 2,35 tỷ đồng (làm tròn số). Bà Hồng đã nộp số tiền trên trong thời hạn quy định ưu tiên để mua phần tài sản chung của ông Bình. Chi cục THADS quận Thanh Xuân thi hành khoản án phí 596.933.000đ; thanh toán trả cho Công ty TNHH Một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin 1,7 tỷ đồng (làm tròn số); Công ty TNHH Một thành viên  Công nghiệp Tàu thủy Cái Lân: 55 triệu đồng (làm tròn số); Công ty TNHH Một thành viên Điện Cái Lân – Vinashin: 54 triệu đồng (làm tròn số).

    Như vậy, tính đến nay, Phạm Thanh Bình mới bồi thường được 2,35 tỷ đồng trên tổng số 530 tỷ đồng tiền thất thoát mà ông ta đã gây ra cho Nhà nước.  

    Cao Hồng - Việt Hà
    .
    .
    .