Hiểm họa ngáo đá và những “lò” chế ma túy thủ công

Quản lý tiền chất, ngăn chặn đầu vào của sản xuất ma túy tổng hợp

Thứ Bảy, 07/01/2017, 08:43
Theo báo cáo của Bộ Công an tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống ma túy (PCMT) và cai nghiện ma túy, trong khi khoảng 70% người nghiện vẫn sử dụng heroin thì tại nhiều địa phương lại có đến 85-90% số người mới nghiện chỉ sử dụng các loại ma túy tổng hợp nhóm ATS...

Sự gia tăng của cầu, trong khi các đường dây mua bán trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam liên tục bị triệt phá khiến hoạt động sản xuất MTTH trong nước có những diễn biến phức tạp. Để sản xuất MTTH phải có các tiền chất. Vì thế, để ngăn chặn nguồn cung, ngoài việc chặn bắt trên các tuyến biên giới và trong nội  địa, việc quản lý các tiền chất dùng để sản xuất trái phép chất ma túy trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Năm 2016, cả nước có 200.334 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong số đó có đến 50% người nghiện sử dụng MTTH. Đây là nguồn "cầu" lớn, tác động tới nguồn "cung". Một trong những lý do khiến MTTH ngày càng tăng là do ưu điểm về giá cả. Giá MTTH ngày càng rẻ. Nếu như những năm đầu mới xuất hiện tại Việt Nam (2010), giá 1kg MTTH dao động trong khoảng 1 tỷ đồng thì đến nay giá chỉ còn từ 200 – 350 triệu đồng.

Theo số liệu thống kê tại Hội nghị giao ban nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về tiền chất và MTTH ngày 30-11-2016 thì từ năm 2010 đến nay, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cả nước đã phát hiện, triệt phá trên 20 điểm điều chế, sản xuất trái phép MTTH (chủ yếu là ma túy "đá" - methaphetamine).

Đúng như tên gọi, MTTH được tổng hợp hóa học từ nguyên liệu là các hóa chất, tiền chất. Theo một nghiên cứu thì tiền chất dùng để sản xuất ma túy có 2 loại. 

Loại thứ nhất là những tiền chất không thể thiếu trong quá trình sản xuất gọi là tiền chất nhân; loại thứ hai là các tiền chất  thường gồm các chất xúc tác, chất tạo môi trường, dung môi hòa tan... 

Để sản xuất, bọn chúng phải chiết xuất các chất Ephedrin và PseudoEphedrin từ các tân dược chứa tiền chất như Tiffy-Fu, Decolgen, Ame-Flu, Dotoux, Glotadol, Glotifed, Dolirhume, Denausal, Partamol...

Đây là các hoạt chất được sử dụng nhiều trong ngành dược, thường dùng để bào chế các loại thuốc trị cảm cúm, ho hen; người mua không phải dùng đến đơn thuốc của bác sĩ việc mua bán dễ dàng, không bị kiểm duyệt... 

Một số trường hợp sử dụng tiền chất công nghiệp trôi nổi trên thị trường thì các loại hóa chất này cũng dễ dàng mua được tại các cửa hàng hóa chất, phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho biết,  trong năm 2015, đơn vị đã cấp 2.562 giấy phép cho hơn 500 đơn vị có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất. Trong đó, số lượng tiền chất và hợp chất có chứa tiền chất được nhập khẩu 318.620,672 tấn và 1.749.940 lít, chủ yếu là toluene, acetone, methyl ethyl ketone, hydrochloric acid, sulphuric acid. 

Trong số 34 loại tiền chất thuộc lĩnh vực công nghiệp chỉ có 14 loại được nhập khẩu về Việt Nam, 2 loại tiền chất được sản xuất trong nước là acid sunfuric và hydrochloric (có 4 công ty sản xuất).

Về xuất khẩu, Bộ Công Thương đã cấp 31 giấy phép xuất khẩu tiền chất công nghiệp với số lượng 7.008 lít, 857.087kg sang các thị trường Campuchia, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Lào, Brunei, Trung Quốc. 

Qua theo dõi, kiểm soát cho thấy, số lượng tiền chất công nghiệp được làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu đạt dưới 50% số lượng được cấp phép. Trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã cấp 5 giấy phép nhập khẩu tiền chất ephedrine (9,15kg).

Phương tiện, nguyên liệu và ma túy bị thu giữ tại Hải Phòng.

Trên thực tế, việc quản lý khâu xuất nhập khẩu tiền chất ở các công ty, đại lý cấp 1 được các đơn vị chức năng kiểm soát khá chặt chẽ. Sơ hở của công tác quản lý từ chuỗi phân phối tiếp theo và có thể nói rằng hầu như không kiểm soát được... Đây chính là kẽ hở mà các đối tượng phạm tội triệt để sử dụng.

Một sơ hở nữa là, một số doanh được phép nhập khẩu tiền chất công nghiệp lớn (trên 500 doanh nghiệp) sử dụng một giấy phép cho nhiều lần nhập khẩu; một số trường hợp chậm có các báo cáo về tình hình phân phối, sử dụng, tồn kho. 

Trường hợp khác, hàng hóa khi nhập khẩu được khai báo theo tên thương mại, không ghi chính xác hàm lượng, nồng độ tiền chất trong sản phẩm, gây khó khăn trong công tác kiểm soát...

Để kiểm soát tiền chất, ngăn chặn hoạt động sản xuất ma túy sản xuất cần phải đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước. Trong đó, Bộ Y tế cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện đúng các quy định của tại các nhà thuốc bán lẻ.

Về phía Bộ Công Thương, cần  phân loại các tiền chất trong danh mục do Bộ quản lý, từ đó sớm có những quy định cụ thể nhằm nâng cao năng lực quản lý. 

Trong năm 2015, tổ công tác liên ngành đã tham mưu Chính phủ bổ sung 2 tiền chất APPAN và GBL vào danh mục IV của Nghị định 126/2015/NĐ-CP, tăng số tiền chất cần quản lý từ 41 tiền chất (theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP) lên 43 tiền chất.

Trong đó, tiền chất APPAN được bổ sung theo danh mục của Công ước quốc tế (mới được sửa đổi và có hiệu lực từ tháng 11-2015); tiền chất GBL được bổ sung do yêu cầu thực tiễn tình hình lạm dụng GBL ở một số tỉnh, thành phố. Đây cũng là một nỗ lực nhằm ngăn chặn việc mua bán tiền chất.

Gần đây, Tổng cục Cảnh sát đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra, khảo sát tình hình hoạt động của tổ công tác liên ngành địa phương tại các tỉnh, thành phố. Từ đó, đề xuất giải pháp nâng cao hiểu biết của cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ đối với các loại tiền chất như thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần...

Bộ Công Thương (Cục Hóa chất) cũng đã tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình nhập khẩu, xuất khẩu, sử dụng và tồn trữ các loại tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp của các doanh nghiệp tại một số tỉnh trên cả nước; Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) tổ chức đoàn công tác kiểm tra tình hình xuất nhập khẩu tiền chất, thuốc hướng tâm thần, thuốc gây nghiện tại một số cục, chi cục Hải quan trên cả nước.

Bên cạnh cơ chế phối hợp giữa các lực lượng nhằm kiểm soát chặt chẽ lượng tiền chất được nhập khẩu và sử dụng trong nước, các cơ quan chức năng đã phối hợp, trao đổi thông tin với Ủy ban Kiểm soát ma túy thế giới (INCB) và các nước có liên quan thông qua hệ thống thông báo tiền xuất khẩu trực tuyến; kịp thời ngăn chặn những chuyến hàng tiền chất vào Việt Nam trái phép.

Hiện nay, trước thực trạng tiền chất Ephedrin và Pseudoephedrin núp bóng dưới vỏ bọc thuốc cảm cúm để làm “nguồn cung” cho sản xuất ma túy đá, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 19/2014/TT-BYT ngày 2-6-2014 quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc thay thế cho Thông tư 11/2010/TT-BYT ngày 29-4-2010. 

Thông tư bước đầu đã có tác động tích cực tới thị trường sản xuất ma túy đá ở nước ta. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để hơn nguồn cung tiền chất Ephedrin và Pseudoephedrin thì Bộ Y tế cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các loại hoạt chất khác có tác dụng dược lý tương đương... bởi việc quản lý thuốc thành phẩm chứa tiền chất ở khâu bán lẻ cũng rất khó khăn, trong khi số lượng các nhà thuốc quá nhiều.       

Xuân Mai
.
.
.