"Đại án" thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng tại VNCB:

Phạm Công Danh khai "lúc nhớ, lúc quên"

Thứ Bảy, 30/07/2016, 09:00
Ngày 29-7, phiên tòa xét xử "đại án" gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại VNCB tiếp tục với phần xét hỏi bị cáo Phạm Công Danh. Sau 2 tuần diễn ra phiên tòa, hôm qua là ngày đầu tiên bị cáo Danh bị thẩm vấn. Trước khi xét hỏi, vị chủ tọa nhắc bị cáo cố gắng đứng trả lời, khi nào mệt mới ngồi. Trả lời, bị cáo Danh vừa nói vừa khóc thành tiếng: sức khỏe tôi đang rất yếu, trí nhớ kém nhưng bị cáo sẽ cố gắng đứng trả lời.

Bước vào phần xét hỏi, khi HĐXX hỏi về lý do bị cáo tham gia tái cơ cấu Trustbank (tiền thân của VNCB), Danh nói: "Trước đây, tôi đã có ý định thành lập một ngân hàng, ở những nước phát triển đã có những ngân hàng riêng biệt hoạt động rất tốt. Tôi mong muốn xây dựng một ngân hàng riêng nhằm thúc đẩy ngành vật liệu xây dựng".

Tuy nhiên, bị cáo cho biết người đầu tiên bị cáo tiếp cận để tham gia tái cơ cấu Trustbank không phải là bà Hứa Thị Phấn (người đại diện nhóm Phú Mỹ, sở hữu hơn 84% cổ phần Trustbank) mà là ông Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương, đang bị tạm giam trong một vụ án khác). Danh khai, bản thân là doanh nhân nên đã quen biết ông Thắm từ trước.

Ông Thắm nói với bị cáo ông đang tái cơ cấu Trustbank để nhập vào Ngân hàng Đại Dương. Thời điểm ấy, Ngân hàng Đại Dương cũng đang trong tình trạng yếu kém, không thể để một nhóm tư nhân sở hữu 2 ngân hàng yếu kém nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không chấp thuận. Do vậy, ông Thắm mới gợi ý bị cáo tham gia tái cơ cấu Trustbank, thời điểm này bị cáo không biết bà Phấn là ai.

Danh cũng khai để được tham gia tái cơ cấu Trustbank, bị cáo đã phải trả ông Thắm 500 tỷ đồng, đây là tiền ông Thắm nói đã phải bỏ ra để chi chăm sóc khách hàng. Sau khi thỏa thuận với ông Thắm, bị cáo mới gặp bà Phấn và hai bên ký thỏa thuận sang nhượng lại hơn 84% cổ phần của nhóm Phú Mỹ tại Trustbank. "Rất nhiều lần, nhiều tháng sau đó tôi mới gặp bà Phấn, khi tôi đã bỏ quá nhiều tiền vào đó", bị cáo Danh nói. Bị cáo cũng thừa nhận đã gặp gỡ, trao đổi với nhóm Phú Mỹ trước khi NHNN có thông báo chấp thuận chủ trương tái cơ cấu.

Bị cáo Danh sau phiên xử ngày hôm qua.

Trả lời câu hỏi của tòa, giá cả thỏa thuận chuyển nhượng với nhóm bà Phấn là bao nhiêu, bị cáo Danh khai không nhớ, tòa công bố theo hồ sơ là 4.620 tỷ đồng. Tòa hỏi đến thời điểm này, bị cáo đã trả cho nhóm bà Phấn bao nhiêu tiền, Danh khai khoảng hơn 3.600 tỷ đồng.

Tòa hỏi tiếp, trong số 3.600 tỷ đồng bị cáo đã trả nhóm bà Phấn có khoản nào bị cáo lấy từ hành vi cố ý làm trái và vi phạm quy định về cho vay không?

Bị cáo Danh nói "có" và mong HĐXX đưa khoản tiền này vào vụ án và đề nghị thu hồi để trả lại cho VNCB. Khi tòa hỏi chi tiết hơn để làm rõ như cụ thể số tiền là bao nhiêu và từ đâu, thì bị cáo Danh lại trả lời lòng vòng và không nhớ.

Tòa hỏi về tình trạng Trustbank khi bị cáo tiếp quản thế nào? Bị cáo Danh nói "cảm ơn HĐXX đã hỏi câu hỏi này" và nói rất nhiều về tình trạng Trustbank lúc đó. Theo bị cáo Danh, sau khi vào tiếp quản mới thật sự thấy ngân hàng này luôn trong "tình trạng cấp cứu đặc biệt". Đúng như lời bị cáo Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB) và các bị cáo đã khai từ trước, tình hình thanh khoản của ngân hàng rất căng thẳng, một khách hàng rút vài chục tỷ đồng có thể ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Bị cáo cũng cho rằng có lúc bị cáo phải bỏ tiền túi ra để chi trả cho khách hàng.

Tiếp tục, tòa hỏi bị cáo Danh trước khi tham gia tái cơ cấu Trustbank, có biết ngân hàng này có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng không?

Bị cáo Danh nói có biết nhưng không ngờ hậu quả lớn như vậy. Ngoài ra, Danh khai sau khi tiếp nhận ngân hàng bị cáo còn phải trả những khoản tiền rất lớn chi chăm sóc khách hàng do ông Thắm để lại từ tất cả các chi nhánh. "Bị cáo là người trực tiếp chi trả tất cả, những con số quá lớn, do sức khỏe và trí nhớ nên bị cáo không nhớ một con số cụ thể, không có giấy tờ", Danh khai.

Khi tòa hỏi tại sao trong danh sách nhóm cổ đông mới (gồm 20 cá nhân là người thân của bị cáo và một công ty) nhiều người không có khả năng tài chính, năng lực nhưng vẫn được đưa vào danh sách cổ đông? "Tôi hết sức cảm ơn HĐXX đã hỏi câu hỏi này. Vào thời điểm đó, khi thấy tình trạng của ngân hàng nhiều cổ đông đã rút ra không đầu tư, dựa vào tiền và tài sản bất động sản của mình tôi nghĩ sẽ vực dậy ngân hàng được. Vì tin nên tôi đã đưa nhiều người thân của mình vào để đủ thủ tục. Đứng trước tòa hôm nay, tôi cũng xin lỗi những người tôi đưa tên vào danh sách làm ảnh hưởng đến họ", bị cáo Danh phân trần.

Tòa đặt câu hỏi, bị cáo lý giải sao, khi chỉ sau 6 tháng điều hành, từ vốn chủ sở hữu âm 2.854 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 6.061 tỷ đồng đến cuối năm 2012 lỗ lũy kế đã lên tới 8.765 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm trên 5.711 tỷ đồng. Đến cuối năm 2013, theo báo cáo tài chính của VNCB (đã kiểm toán), kết quả kinh doanh lỗ lũy kế đã lên tới con số 11.348 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 8.293 tỷ?

Trả lời, Danh khai có nhiều nguyên nhân trong đó một phần là do VNCB vốn đã âm từ trước, ngoài ra còn có một số khoản nợ tín dụng lên tới 95% là nợ khó đòi. “Sau khi đã bỏ vào ngân hàng trên 2.000 tỷ đồng nhưng không vực dậy được ngân hàng, tôi đã định bỏ cuộc vì nghĩ chỉ có NHNN ra tay may ra VNCB mới hồi phục được. Lúc ấy thì một cán bộ thanh tra NHNN đã động viên tôi và nói rằng không cần thành lập ngân hàng mới mà chỉ cần tái cơ cấu”.

Cũng trong phần thẩm vấn, bị cáo Danh nhiều lần gửi lời xin lỗi đến các bị cáo khác trong vụ án. Với người thân, bị cáo lại bật khóc khi nhắc đến cha và gia đình vì bị cáo đã đem thế chấp cả nhà cửa, tài sản vì giấc mộng nhà băng.

A.Huy

.
.