Những kiểu mất tiền qua thẻ ATM và cách phòng tránh

Chủ Nhật, 30/04/2017, 18:52
Năm 2016, thị trường thẻ Việt Nam đã tăng trưởng cán mốc gần 100 triệu thẻ trên tổng số hơn 90 triệu dân. Tuy nhiên, việc không coi trọng yếu tố bảo mật, an toàn của chính một số ngân hàng và người dân đang tạo sơ hở cho nhóm đối tượng công nghệ cao gia tăng hoạt động...


Những năm gần đây, việc sử dụng thẻ ATM tại các ngân hàng trên toàn quốc để giao dịch, rút tiền đã dần trở thành một thói quen của người dân Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn. Năm 2016, thị trường thẻ Việt Nam đã tăng trưởng cán mốc gần 100 triệu thẻ trên tổng số hơn 90 triệu dân. Tuy nhiên, việc không coi trọng yếu tố bảo mật, an toàn của chính một số ngân hàng và người dân đang tạo sơ hở cho nhóm đối tượng công nghệ cao gia tăng hoạt động...

Không dùng ngày, tháng, năm sinh cài đặt mật khẩu

Hồi chuông cảnh tỉnh người dùng thẻ ATM đầu tiên phải kể đến vụ việc của anh Huỳnh Quang Sang (21 tuổi, quê ở Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), hiện đang theo học một trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng. 

Theo trình báo của anh Sang, vào khoảng 18h ngày 17-4 vừa qua, khi anh Sang đang tham gia một giải thể thao thì bị kẻ gian trộm mất chiếc ba lô để trên khán đài. Trong chiếc ba lô này có một ví tiền, giấy tờ, vật dụng cá nhân và 1 thẻ ATM của một ngân hàng mang tên Huỳnh Quang Sang.

Ngay sáng ngày hôm sau 18-4, anh Sang đã đến chi nhánh Ngân hàng này để trình báo việc mất thẻ ATM và yêu cầu khóa thẻ… Tuy nhiên toàn bộ số tiền 12 triệu đồng có trong tài khoản ATM của anh đã bị rút sạch từ ngay sau khi anh bị mất chiếc ba lô.

Qua trích xuất, sao kê của ngân hàng cho thấy: Tài khoản của anh Sang đã bị rút 12 triệu đồng tại một cây ATM vào lúc 19h30 tối 17-4. Và thật sơ xuất hơn, khi anh Sang thừa nhận đã dùng chính ngày tháng năm sinh của mình để đặt làm mật khẩu của thẻ ATM. Do vậy, kẻ gian đã dò tìm mật khẩu thẻ ATM theo chứng minh nhân dân (thẻ căn cước) và đã nghiễm nhiên rút hết tiền trong thẻ ATM của anh.

Được biết, không chỉ riêng trường hợp của anh Huỳnh Thanh Sang, mà thời gian vừa qua đã có rất nhiều “nạn nhân” tương tự bị rút sạch tiền vì lý do dùng ngày sinh để cài mã pin (mật khẩu) thẻ ATM rồi bị kẻ gian trộm thẻ. 

Để khắc phục điều này, người sử dụng thẻ tín dụng, ATM cần luôn giữ thẻ bên mình, không tiết lộ tài khoản, mật khẩu cho người khác; không nên đặt mật khẩu “dễ tìm” như: "123456" hoặc dùng chính ngày tháng năm sinh của mình... Đổi lại, chủ thẻ nên cài mã pin bằng một ngày đặc biệt nào đó mà chủ thẻ không bao giờ quên...

Đối tượng Troian Aleksei (quốc tịch Nga) bị Công an bắt quả tang khi sử dụng các thẻ ATM giả.

Dùng tay để che các nút bấm mật khẩu tại cây ATM

Bên cạnh việc không dùng ngày tháng năm sinh để cài đặt mật khẩu thẻ ATM, các chủ thẻ cũng cần lưu ý trong khi rút tiền hoặc thực hiện các thao tác trên cây ATM, chủ thẻ nên dùng tay che trong quá trình bấm mật khẩu… để tránh bị kẻ gian đặt lén máy quay, trộm cắp thông tin và mật khẩu thẻ để chiếm đoạt tài sản.

Hồi chuông cảnh tỉnh cho việc này là trường hợp của anh Hoàng Minh Tâm, trú tại TP Hà Nội. Vào sáng sớm ngày 25-4, anh Tâm đã đến trình báo tại chi nhánh một ngân hàng với nội dung đã bị mất số tiền 94 triệu đồng trong tài khoản thẻ ghi nợ ngân hàng này. 

Theo đó, vào đêm 24-4, điện thoại của anh Tâm nhận được tin nhắn báo giao dịch rút tiền thành công. Anh Tâm cho biết, mặc dù đang sống tại TP Hà Nội, thẻ ATM vẫn để trong ví và không hề tiết lộ mật khẩu thẻ ATM cho bất kỳ một ai, nhưng những tin nhắn từ ngân hàng lại thông báo cho thấy số tài khoản của anh đã thực hiện 10 giao dịch với tổng số tiền rút là 94 triệu đồng, tại một cây ATM ở Công viên thuộc quận 1, TP Hồ Chí Minh vào đêm ngày 24-4... Sau quá trình điều tra, phía ngân hàng bước đầu xác định nguyên nhân mất tiền là do kẻ gian đánh cắp thông tin khách hàng và sử dụng thẻ giả.

Không chỉ trường hợp của anh Tâm, mà trước đây Báo CAND cũng đã phản ánh về nhiều trường hợp người dùng bị các đối tượng nước ngoài sử dụng các thiết bị công nghệ cao đặt lén trong các cây ATM để trộm cắp thông tin thẻ. Sau đó, các đối tượng sẽ nhanh chóng cung cấp thông tin thẻ cho đồng phạm tại một tỉnh khác, sử dụng máy làm thẻ giả, in thông tin chúng đã đánh cắp lên một phôi thẻ ATM trắng, rồi dùng chính mật khẩu thẻ của chủ thẻ để trộm cắp tài sản rồi "cao chạy xa bay"...

Không đăng nhập tài khoản tại các đường link giả mạo website ngân hàng

Điển hình của việc bị mất tiền vì chủ tài khoản đã đăng nhập số tài khoản trên một trang web giả mạo trang web của ngân hàng trên điện thoại di động, đó chính là trường hợp của chị Hoàng Thị Na Hương (Hà Nội).

Cụ thể, vào khoảng 23h ngày 3-8-2016, chị Na Hương nhận được hai thông báo rút tiền từ cây ATM được gửi về điện thoại của chị, tổng cộng 100 triệu đồng. Gần 1h ngày 4-8, 100 triệu đồng nữa bị rút khỏi tài khoản cũng qua cây ATM. 

Tiếp đó, 4 tiếng sau, điện thoại của chị xuất hiện 3 lệnh chuyển tiền qua Internet Banking với tổng số tiền là 300 triệu đồng. Cả 3 lệnh trên đều không có mã xác thực OTP gửi về điện thoại của chị như thông thường. Sau khi kịp thời báo ra ngân hàng, ngân hàng đã kịp thời khoanh giữ lại được 300 triệu đồng, còn 200 triệu đồng đã bị mất.

Ngay sau khi vụ việc này xảy ra, trên cơ sở thông tin do khách hàng cung cấp, ngân hàng nơi chị Na Hương gửi tiền cho biết có cơ sở để xác định khách hàng đã truy cập vào một trang web giả mạo (có địa chỉ http://creatingacreator.com/kob/1/index.htm ) vào ngày 28-7-2016 qua máy điện thoại cá nhân. 

Từ việc truy cập này, thông tin và mật khẩu của khách hàng đã bị đánh cắp. Kẻ gian đã chuyển tiền từ tài khoản khách hàng tới nhiều tài khoản trung gian tại 3 ngân hàng khác nhau tại Việt Nam. Sau đó, đối tượng lừa đảo đã rút 200 triệu đồng qua ATM ở Malaysia.

Trần Xuân
.
.
.